Cuối tháng 10, trên CBS, Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA) Jen Easterly cảnh báo người Mỹ có thể gặp thông tin sai lệch trên mạng. "Đừng phát tán thông tin đó rộng vì làm như vậy sẽ tạo cơ hội cho các đối thủ nước ngoài tác động đến người Mỹ", bà nói.
Moskva và Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc như vậy. Chính quyền Tổng thống Joe Biden ưu tiên ngăn chặn nỗ lực can thiệp bầu cử từ bên ngoài. Nga bị nghi ngờ đã sử dụng chiến dịch thông tin sai lệch nhằm làm ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 8/11. (Ảnh: Reuters)
Các công ty an ninh mạng và công nghệ cho biết đã có những nỗ lực nhằm gieo rắc sự hoài nghi đối với cử tri Mỹ. Những vụ việc này đã bị vạch trần.
Công ty an ninh mạng Mandiant của Mỹ hồi tháng 10 cảnh báo về một chiến dịch gây ảnh hưởng nhằm hỗ trợ các lợi ích chính trị của Trung Quốc. Mandiant cho biết, chiến dịch có tên "Dragonbridge" được thực hiện "nhằm làm mất uy tín tiến trình dân chủ của Mỹ, bao gồm cả nỗ lực ngăn cản người Mỹ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022".
Đầu năm nay, Meta - công ty mẹ của Facebook đã đóng khoá tài khoản giả mạo có nguồn gốc từ Trung Quốc đăng tải về các vấn đề gây chia rẽ như kiểm soát súng và quyền phá thai của người Mỹ. Theo Meta, các hoạt động như vậy tập trung vào chính trị trong nước của Mỹ.
Meta cũng cho biết, công ty này đã đóng cửa một chiến dịch lớn hơn của Nga được thiết kế để truyền bá thông tin ủng hộ điện Kremlin. Hình thức tuyên truyền được cài cắm dưới dạng tin tức.
Một quan chức cấp cao của FBI cho biết Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật của Nga để chia rẽ xã hội Mỹ. Vừa qua, đã diễn ra cuộc tấn công nhắm vào một chính trị gia chỉ trích Trung Quốc.
AP cho hay, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang chú ý đến Moskva. Chính phủ Mỹ cảnh báo Nga đang cố gắng để làm suy yếu tính hợp pháp của các kỳ bầu cử giữa nghiệm kỳ của Mỹ.
"Những gì họ cố gắng làm là tạo ra sự bất ổn trong nước của chúng ta. Và kết quả là những gì có thể nhìn thấy: Bất ổn, bạo loạn ngày 6/1, hận thù'", Scott White, chuyên gia về an ninh mạnh tại Đại học George Washington cho hay.
Marek Posard, một nhà xã hội học tại tập đoàn RAND cảnh báo, Mỹ trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các chiến dịch gây ảnh hưởng của nước ngoài sau khi những người ủng hộ ông Donald Trump tấn công điện Capitol vào ngày 6/1/2021. Ông Trump bị cáo buộc kích động người ủng hộ mình.
“Khi bài diễn thuyết không dựa trên sự kiện và bằng chứng, mà dựa nhiều hơn vào những ý kiến và suy đoán không có căn cứ trên thực tế, điều đó sẽ tạo cơ hội cho kẻ thù lợi dụng", ông Marek Posard cho hay.
Ông Trump đã không cung cấp bằng chứng hỗ trợ tuyên bố gian lận trong cuộc đua ghế tổng thống năm 2020. Ông liên tục nói với những người ủng hộ rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp.