Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ: Đảng Dân chủ bảo vệ 'thành trì' ở 2 viện thế nào?

(VTC News) -

Cuộc chạy đua bầu cử giữa nhiệm kỳ giữa đảng Cộng hoà và Dân chủ tại Mỹ đang cận kề, vậy đảng của Tổng thống Joe Biden sẽ sử dụng chiến lược gì để hút phiếu cử tri?

Hiện tại, đảng Dân chủ đang kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện. Thế nhưng, xu hướng phổ biến trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là đảng đang nắm giữ Nhà Trắng thường thất bại hoặc mất nhiều ghế. Vậy điều này có lặp lại trong cuộc bầu cử 2022?

Trong lịch sử bầu cử Mỹ, đảng của tổng thống đương nhiệm đã bị mất ghế 22 trong số 25 cuộc bầu cử giữa kỳ. Trong cuộc bầu cử lần này, sự chênh lệch không lớn giữa số lượng thành viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ở Hạ viện và Thượng viện càng khiến cuộc cạnh tranh thêm phần khốc liệt.

‘Cuộc trưng cầu dân ý’

Chính trường Mỹ đang nóng lên khi chỉ còn hơn 1 tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ. Cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 8/11, sẽ quyết định đảng nào kiểm soát Quốc hội trong 2 năm tới.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 8/11. 

Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài 4 năm, Hạ nghị sỹ nhiệm kỳ 2 năm, Thượng nghị sĩ nhiệm kỳ 6 năm. Do đó, vào giữa nhiệm kỳ của Tổng thống, cử tri trên khắp nước Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện và 1/3 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện.

Cuộc bầu cử năm 2022 sẽ bầu lại tất cả 435 ghế Hạ nghị sĩ và 35/100 ghế Thượng nghị sĩ. Ngoài cuộc đua vào lưỡng viện Quốc hội khóa 118, cuộc bầu cử còn bầu lại 36 Thống đốc bang và lãnh đạo chính quyền địa phương.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ được coi như cuộc trưng cầu ý dân toàn liên bang đối với kết quả điều hành chính phủ của Tổng thống Joe Biden nói riêng và đảng Dân chủ nói chung trong gần 2 năm qua. Kết quả bầu cử cũng sẽ phát đi tín hiệu về đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong ít nhất 2 năm tới.

Kết quả của những cuộc khảo sát gần đây cho thấy đảng Cộng hòa có khả năng lớn sẽ chiếm đa số ở Hạ viện và đảng Dân chủ có thể giữ được Thượng viện. Tuy nhiên, uy tín của Tổng thống Biden đang xuống thấp vì lạm phát lên cao và tăng trưởng kinh tế đi xuống khiến cho đảng Cộng hòa càng nhiều hy vọng sẽ chiếm đa số sau cuộc bầu cử năm nay.

Theo kết quả khảo sát của hãng thăm dò FiveThirtyEight, dù Tổng thống Joe Biden cùng một số đồng minh và cố vấn dự đoán đảng Dân chủ sẽ tiếp tục nắm giữ Hạ viện, song kết quả khảo sát cho thấy tình thế đang xoay chuyển theo hướng có lợi cho đảng Cộng hòa.

Hồi tháng 5, ông Biden cũng dự báo đảng Dân chủ có thể kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện. Thế nhưng, tuần trước, ông thừa nhận cuộc đua hiện giờ đã trở nên sít sao. “Chúng tôi và họ thay nhau dẫn trước”, ông Biden nói. Ông đánh giá tỷ lệ sẽ còn thay đổi và có thể sẽ đảo chiều về hướng đảng Dân chủ trước thời điểm 8/11.

Tại Hạ viện, đảng Dân chủ nắm giữ 220 ghế, trong khi đảng Cộng hòa có 212 ghế. Đảng Cộng hòa cần giữ nguyên được số hiện tại và giành thêm được 6 ghế để hội đủ 218 ghế và kiểm soát lại Hạ viện. Điều này được cho là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong khi đó, tại Thượng viện, tổng cộng 100 ghế được chia đều 50-50 cho đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Kamala Harris, đồng thời là Chủ tịch Thượng viện Mỹ, là người của đảng Dân chủ nên là phiếu quả bà giúp đảng Dân chủ nắm đa số tại Thượng viện.

Mới đây, Reuters dẫn nguồn Nhà Trắng cho biết cơ hội để đảng Dân chủ có thể giữ được Thượng viện là 50-50. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng lợi thế vẫn thuộc về đảng Dân chủ bởi đảng Dân chủ chỉ có 14 ghế phải bầu lại, trong khi phe Cộng hòa sẽ phải bầu lại tới 21 ghế trong tổng số 35 ghế.

Hơn nữa, sẽ là rất khó cho phe Cộng hoà trong việc bảo vệ ghế thượng nghị sĩ tại 2 bang Pennsylvania và Wisconsin. Đây là những bang vốn dĩ ông Biden đã chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử năm 2020.

Mất kiểm soát ở cả Hạ viện và Thượng viện sẽ là sự thay đổi mạnh mẽ 2 năm cuối trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden. Bởi vì, khi đó phe Cộng hoà có thể sẽ chặn các luật về chế độ nghỉ gia đình, phá thai, kiểm soát súng và những ưu tiên khác mà ông Biden thúc đẩy, đồng thời sẽ siết chặt quy định nhập cư và chi tiêu công.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ được xem là "cuộc trưng cầu dân ý" về chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden 2 năm qua.

Theo ông Larry Sabato, Giám đốc trung tâm chính trị tại Đại học Virginia, kết quả cuộc bầu cử tháng 11 này không chỉ là quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện, mà còn có ý nghĩa sâu rộng đối với những năm cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, cũng như đánh giá uy tín của chính quyền Tổng thống Joe Biden 2 năm qua. 

Trong trường hợp phe Cộng hòa chiến thắng, họ có thể sẽ điều tra chi tiêu của đảng Dân chủ, cũng như những giao dịch kinh doanh và cuộc sống riêng của con trai Hunter của ông Biden. Thậm chí, Reuters dẫn nguồn một số nghị sĩ Cộng hoà nói rằng họ có thể sẽ luận tội ông Biden, các thành viên nội các hoặc Phó Tổng thống Kamala Harris.

Chiến lược ‘khôn ngoan’ của đảng Dân chủ?

Phát biểu trong cuộc vận động bầu cử giữa nhiệm kỳ mới đây ở ngoại ô New York, Tổng thống Joe Biden thừa nhận nước Mỹ đang vật lộn đối phó với lạm phát, nhấn mạnh chính quyền của ông đã đạt được những tiến bộ để phục hồi sau đại dịch COVID-19. Ông cũng cảnh báo nếu đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát Quốc hội sẽ tạo ra "sự hỗn loạn" đối với nền kinh tế Mỹ.

Lạc quan của ông chủ Nhà Trắng gia tăng sau khi Tổng thống Biden tham gia bỏ phiếu sớm ở bang Delaware, quê nhà của ông vào hôm 30/10. Tại đây, Tổng thống Biden cho biết ông đặt rất nhiều hy vọng vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và sẵn sàng đạt được mục tiêu đề ra.

“Tôi sẽ dành thời gian còn lại để khẳng định rằng đây không phải là một cuộc trưng cầu dân ý. Đó là một sự lựa chọn - một sự lựa chọn cơ bản giữa hai tầm nhìn rất khác nhau cho nước Mỹ”, ông Biden nói với phóng viên ngoài địa điểm bỏ phiếu.

Trong những ngày sát cuộc bầu cử 8/11, Tổng thống Joe Biden sẽ tăng cường xuất hiện trong chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ. Theo đó, ông có kế hoạch đến Pennsylvania, Florida, New Mexico và Maryland để kêu gọi sự ủng hộ của cử tri cho các ứng cử viên đảng Dân chủ.

Trước đó, ông Biden đã đến vận động ở những bang đảng Dân chủ cho rằng quyền lực chính trị của tổng thống đương nhiệm sẽ có lợi cho các ứng cử viên. Ông đã đến Colorado, California và Oregon. 

Tần suất xuất hiện của Tổng thống Joe Biden trong chiến dịch tranh cử bầu cử giữa nhiệm kỳ ít hơn nhiều so với những người tiền nhiệm. Tuy nhiên, đảng Dân chủ khẳng định đây là chiến lược "không ngoan" của Nhà Trắng.

Nhận định về chiến lược tranh cử giữa nhiệm kỳ của đảng Dân chủ khi không để ông Biden xuất hiện với tần suất nhiều trước thời điểm bầu cử, ông Larry Sabato nói rằng: “Việc ông Biden ít xuất hiện, và thậm chí có thể vô hình, đó là một điểm cộng cho đảng Dân chủ. Điều này cho phép các ứng viên tự điều hành chiến dịch của mình”.

Tổng thống Joe Biden chụp ảnh với những người tham dự sự kiện vận động bầu cử tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Onondaga ở Syracuse, New York. 

Mặc dù so với ông Donald Trump, hay ông Barack Obama, Tổng thống Biden xuất hiện với tần suất ít hơn trong chiến dịch vận động tranh cử giữa nhiệm kỳ, song Nhà Trắng đã bảo vệ lịch trình đi lại của Biden, cho rằng ông làm việc không ngừng trong những tháng gần đây để thúc đẩy chương trình nghị sự của đảng Dân chủ, tạo ra lợi thế rõ rệt với phe Cộng hòa.

Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain cho biết, quyết định không xuất hiện với tần suất nhiều, tham gia các cuộc vận động cử tri quy mô lớn của ông Biden là lựa chọn chiến lược.

“Tôi không nghĩ rằng các cuộc vận động chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả đối với ứng cử viên trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ”, ông Ron Klain nói, nhấn mạnh rằng trong năm 2010 và 2018, đảng cầm quyền đã mất quyền kiểm soát Hạ viện bất chấp chiến dịch vận động tranh cử mạnh mẽ của tổng thống đương nhiệm.

“Tôi không nghĩ rằng việc chúng tôi không áp dụng chiến lược vốn thất bại vào năm 2010 và năm 2018 lại khiến mọi người ngạc nhiên”, Chánh Văn phòng Nhà Trắng cho biết thêm.

Đồng quan điểm, ông Larry Sabato cho rằng, việc ông Biden không xuất hiện nhiều trong các chiến dịch vận động tranh cử không phải là điều đáng lo ngại đối với đảng Dân chủ. Theo vị này, có rất ít bằng chứng cho thấy những cuộc vận động của tổng thống có thể giúp ích cho cử tri và trên thực tế, thậm chí có thể gây ra tác dụng ngược trong việc huy động sự ủng hộ của cử tri đối lập.

Những người tiền nhiệm của ông Biden cũng đang miệt mài vận động cho đảng của mình. Cuối tuần qua, cựu Tổng thống Barack Obama đã bắt đầu chuyến công du đến các bang chiến trường là Wisconsin, Michigan và Georgia. Trong những ngày tới, ông cũng sẽ thăm Nevada và Pennsylvania, cả hai đều là chìa khóa cho nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm giữ quyền kiểm soát Thượng viện.

Trong khi đó, tuần trước, cựu Tổng thống Donald Trump đã công bố loạt địa điểm vận động kéo dài 5 ngày qua ở các bang Florida, Pennsylvania, Ohio và Iowa.

Ông Jim Kessler, Phó Chủ tịch điều hành Viện nghiên cứu chính sách Third Way tại Washington, cho rằng phần lớn hoạt động tranh cử đã chuyển sang trực tuyến. Theo ông, đảng Dân chủ và Nhà Trắng nên tập trung vào cách thức hiệu quả nhất để lôi kéo số cử tri đang còn lưỡng lự, chưa đưa ra quyết định.

Ông Jim Kessler cho rằng, địa điểm tổ chức không quan trọng bằng thông điệp mà các ứng viên đưa ra. Thông điệp phải tập trung vào vấn đề kinh tế và tầm nhìn khác biệt của các bên đối với tương lai nước Mỹ.

Các thành viên nội các của chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã lên đường vận động, nhấn mạnh đến các sáng kiến ​​chính sách của Nhà Trắng như cơ sở hạ tầng, giá thuốc, khoản vay của sinh viên và biến đổi khí hậu. Tổng cộng, quan chức Nhà Trắng đã thực hiện 77 chuyến đi đến 29 bang để vận động, thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Kông Anh

Tin mới