Theo đó, các tàu treo cờ Nga, do các đơn vị Nga sở hữu hoặc điều hành sẽ không được chào đón tại các cảng của Mỹ.
"Điều đó có nghĩa là không một con tàu nào treo cờ Nga hoặc do các thực thể của Nga sở hữu hoặc điều hành được phép cập cảng Mỹ hoặc cập vào các bờ biển của chúng tôi. Không một con tàu nào", ông Biden nói.
Trước Mỹ, một số các quốc gia cũng tuyên bố cấm tàu Nga cập cảng.
Canada là quốc gia đầu tiên ra quyết định này.
Mỹ cấm tàu thuyền của Nga cập cảng. (Ảnh: Reuters)
Hôm 1/3, Bộ trưởng giao thông vận tải Canada thông báo nước này quyết định đóng cửa các cảng biển đối với các tàu thuộc quyền sở hữu của Nga. Đây là một trong các biện pháp trừng phạt của Canada trước việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Đầu tháng 4, EU đồng ý về một gói trừng phạt khác nhằm vào Nga, trong đó có việc cấm các tàu của Nga vào các cảng của EU.
Cuối tuần trước, truyền thông Italia đưa tin, nước này sẽ đóng cửa các cảng đối với tàu Nga bắt đầu từ ngày 17/4, bao gồm cả những tàu đã đổi cờ từ ngày 24/2.
Tờ La Stampa dẫn nguồn từ giới chức cảng của Italy, các tàu Nga hiện neo đậu tại các cảng của Italia sẽ phải lập tức rời đi khi kết thúc hoạt động thương mại.
"Các tàu Nga đã đến các cảng của Italia phải rời đi ngay lập tức sau khi hoàn thành hoạt động thương mại”, thông báo gửi tới các cơ quan quản lý cảng trên toàn nước Italia.
Tương tự, giới chức Hải quân Romania thông báo bắt đầu từ ngày 17/4, các tàu mang cờ Nga sẽ bị cấm cập các cảng của Romania, ngoại trừ các tàu có mục đích cứu hộ nhân đạo và vận chuyển năng lượng.Trước đó, hôm 15/4, Bỉ cũng ban hành lệnh cấm tương tự.
"Việc ra vào các cảng của Romania bị cấm đối với bất kỳ tàu nào được đăng ký dưới cờ Nga, bao gồm cả các tàu đã thay đổi cờ Nga sang cờ của bất kỳ quốc gia nào khác hoặc đã thay đổi đăng ký ở Nga sang đăng ký ở bất kỳ nước nào khác sau ngày 24/2”, đài truyền hình TVR của Romania cho hay.
Trước Italia và Romania, chính phủ Bỉ hôm 15/4 cũng đã ban hành lệnh cấm tương tự.
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhiều nước phương Tây và các đồng minh thực hiện chiến dịch trừng phạt toàn diện đối với Moskva, bao gồm cả việc đóng cửa không phận cùng nhiều biện pháp hạn chế nhằm vào quan chức và thực thể, phương tiện truyền thông và thể chế tài chính của Nga.
Châu Âu tìm cách ngừng nhập dầu và khí của Nga
Một số quốc gia châu Âu đã kêu gọi ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng của Nga. Trong tháng này, EU đã thông qua lệnh cấm đối với than của Nga, nhưng không thể đạt được thỏa thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên của EU và cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu dầu của khối
Tuy nhiên, EU vẫn lạc quan về khả năng tự loại bỏ khí đốt của Nga, đồng thời tuyên bố rằng họ sẽ có thể cắt giảm 2/3 lượng nhiên liệu tiêu thụ vào cuối năm nay. Theo Ủy ban châu Âu, nhiên liệu thay thế sẽ được nhập từ Mỹ, Na Uy và Azerbaijan. EU hiện chuyển khoảng 850 triệu USD cho Nga mỗi ngày để mua dầu và khí đốt của Moskva.
Mỹ đã cấm nhập dầu và khí đốt của Nga và Washington liên tục hối thúc EU làm điều tương tự. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết lấp đầy khoảng trống bằng khí tự nhiên hóa lỏng của Washington - loại nhiên liệu đắt hơn nhiều so với hầu hết các nước châu Âu. Các quốc gia trong khu vực hiện thiếu cơ sở hạ tầng để lưu trữ với số lượng lớn.