Theo thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ hôm 17/8, Alexander Yuk Ching Ma - một cựu sĩ quan Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cùng với một người họ hàng, cũng là một cựu nhân viên CIA, đã bị bắt hôm 14/8 với cáo buộc cung cấp thông tin mật cho các cơ quan tình báo Trung Quốc.
Theo các nhà điều tra, Alexander Yuk Ching Ma là một công dân Mỹ nhập tịch, bắt đầu làm việc cho CIA vào năm 1982, làm việc tại một đơn vị an ninh tối mật. Các công tố viên cho biết, Alexander Yuk Ching Ma rời CIA vào năm 1989, sống và làm việc ở Thượng Hải, Trung Quốc, trước khi đến Hawaii vào năm 2001.
Các tài liệu của tòa án cáo buộc, Alexander Yuk Ching Ma và người họ hàng của ông ta đã làm gián điệp cho Trung Quốc, chia sẻ thông tin quốc phòng tuyệt mật của Mỹ trong hơn một thập kỷ.
Hình ảnh Alexander Yuk Ching Ma trong một video bí mật được thực hiện trong một cuộc họp vào năm 2019. (Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ)
Theo các công tố viên, kế hoạch tuyển chọn của cơ quan đặc biệt Trung Quốc đối với Alexander Yuk Ching và người họ hàng được thực hiện sau 3 ngày làm việc tại Hong Kong vào tháng 3/2001. Theo đó, 2 cựu sĩ quan CIA cung cấp thông tin cho cơ quan tình báo Trung Quốc về nhân sự, hoạt động và phương pháp che giấu thông tin liên lạc của CIA.
Các công tố viên cho biết, một số cuộc làm việc giữa Alexander Yuk Ching và người họ hàng với cơ quan đặc biệt Trung Quốc đã được ghi lại trên băng video, trong đó có cảnh quay ghi lại việc Alexander Yuk Ching đếm 50.000 USD tiền mặt để thực hiện nhiệm vụ.
Cũng theo các tài liệu của tòa án, sau khi chuyển đến Hawaii, Alexander Yuk Ching đã tìm kiếm việc làm mới tại FBI. Qua đó, Alexander Yuk Ching được cấp lại quyền truy cập vào các bí mật của chính phủ Mỹ và anh ta có thể đã giao tài khoản này cho phía Trung Quốc.
Văn phòng FBI tại Honolulu ký hợp đồng với Alexander Yuk Ching vào năm 2004. Theo các nhà điều tra, trong 6 năm làm việc tại đây, anh ta thường xuyên sao chép, chụp ảnh và đánh cắp các tài liệu chính thức, trong đó có một số tài liệu được đánh dấu là “bí mật” và thường xuyên mang theo chúng trong các chuyến đi đến Trung Quốc.