Hôm 1/3, Lầu Năm Góc cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt bán vũ khí và thiết bị cho Đài Loan, bao gồm 200 tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) và 100 tên lửa diệt radar AGM-88B HARM.
"Thương vụ này sẽ góp phần nâng cao năng lực của bên nhận trong việc cung cấp khả năng bảo vệ không phận, an ninh khu vực và khả năng tương tác với Mỹ", thông báo của Lầu Năm Góc cho hay.
Chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan. (Ảnh: Forbes)
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho rằng, các tên lửa này sẽ giúp "bảo vệ hiệu quả không phận để đối phó với các mối đe dọa và khiêu khích" từ bên ngoài và sẽ củng cố kho dự trữ quốc phòng của hòn đảo này.
Theo Lầu Năm Góc, Raytheon Technologies và Lockheed Martin là những nhà thầu chính cho thương vụ mua bán này.
Hôm 16/2, Trung Quốc đưa tập đoàn Lockheed Martin và Raytheon Technologies của Mỹ vào "danh sách các thực thể không đáng tin cậy". Theo đó, hai công ty này bị cấm "tham gia các hoạt động xuất nhập khẩu liên quan Trung Quốc".
Trước đó, hồi năm 2019, 2020 và 2022, Trung Quốc cũng đã công bố các lệnh trừng phạt đối với hai doanh nghiệp trên.
Thương vụ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan diễn ra trong bối cảnh quân đội Trung Quốc liên tục điều máy bay, tàu chiến áp sát hòn đảo này.
Hôm 2/3, Đài Loan cho biết lực lượng không quân Trung Quốc điều 21 chiến đấu cơ xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của đảo này trong 24 giờ qua. Theo lực lượng phòng vệ Đài Loan, 19 máy bay Trung Quốc cũng đã bay trong khu vực phòng không của đảo này trước đó một ngày.
Trung Quốc cho biết các hoạt động của quân đội nước này trong khu vực là hoàn toàn phù hợp trong nỗ lực bảo vệ lãnh thổ của mình, đồng thời cảnh báo Mỹ không được "thông đồng" với Đài Loan.
Quân đội Trung Quốc sử dụng các cuộc tập trận quân sự lớn như động thái biểu dương lực lượng để đáp trả hành động của Chính phủ Mỹ trong việc hỗ trợ Đài Loan. Hồi tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn để đáp lại chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan.