Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Muốn đón 110 triệu lượt khách trong năm 2023, ngành du lịch cần làm gì?

(VTC News) -

Du lịch Việt Nam năm 2023 đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng các chuyên gia tự tin rằng vẫn có cơ hội để hồi phục như trước đại dịch COVID-19.

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách (trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa), tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải đổi mới nhiều hơn.

Lượng khách tăng nhưng tổng thu giảm

Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, lượng khách du lịch nội địa trong tháng 1/2023 của Việt Nam ước đạt 13 triệu lượt người, trong đó khoảng 4,5 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch tháng 1 ước đạt 46.000 tỷ đồng.

Như vậy, trong tháng đầu tiên của năm, mặc dù lượng du khách tăng cao nhưng lượng khách lưu trú lại giảm 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng thu cũng giảm 30%.

Lý giải về hiện tượng này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và biến động kinh tế, xã hội trong nước đã khiến sức mua của du khách giảm, khách hạn chế chi tiêu cho các dịch vụ du lịch trung và cao cấp. Bên cạnh đó, xu hướng du lịch đầu năm chủ yếu là du lịch tâm linh, đi trong ngày nên lượng khách lưu trú giảm.

Năm 2023, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành du lịch do xu hướng, nhu cầu, khả năng chi tiêu của khách quốc tế đã thay đổi”, ông Khánh đánh giá.

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành phân tích thêm, hiện nay, thị trường du lịch trong nước vẫn còn những vướng mắc từ năm 2022 chưa được tháo gỡ. Ví dụ như Việt Nam vẫn chưa nới lỏng thời hạn cấp thị thực nên thời gian du khách nước ngoài có thể lưu trú lại Việt Nam vẫn còn quá ngắn ngày.

"Nhiều nước trong khu vực tạo điều kiện để khách quốc tế dễ dàng nhập cảnh bằng việc miễn thị thực. Malaysia, Singapore miễn thị thực cho 162 quốc gia; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia; Thái Lan miễn thị thực cho 65 quốc gia trong khi Việt Nam mới đang miễn thị thực cho 24 quốc gia. Thời gian miễn thị thực của nhiều nước ASEAN kéo dài từ 30 ngày đến 45 ngày, thậm chí là 90 ngày, còn Việt Nam là 15 ngày.

Đó là một trong những lý do khiến ngành du lịch của các nước "đi sau nhưng lại về trước", còn Việt Nam tuy mở cửa sớm nhưng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng", đại diện một doanh nghiệp lữ hành phân tích.

Bên cạnh đó, để du lịch có thể phục hồi như thời điểm trước đại dịch, chuyên gia khuyến cáo, các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu lại thị trường, xu hướng và nhu cầu của du khách để xây dựng sản phẩm mới phù hợp; tăng cường các biện pháp quảng bá rộng rãi hơn. Bởi sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch, nhu cầu du lịch của nhiều thị trường khách hàng đã thay đổi rõ rệt.

Tới đây, thị trường khách Trung Quốc dự báo tăng mạnh, các địa phương, doanh nghiệp cần có chiến lược đón đầu hiệu quả”, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói.

Còn đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, để quảng bá du lịch Việt Nam tới thị trường quốc tế, năm 2023, Tổng cục Du lịch cùng các cơ quan sẽ tích cực tham gia các sự kiện, hội chợ quốc tế về du lịch ASEAN, truyền thông, quảng bá trên các kênh lớn.

Các chuyên gia trên thế giới cho rằng năm 2023 có thể chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu đi du lịch quốc tế. Do vậy chúng tôi dự báo du lịch Việt Nam sẽ không nằm ngoài xu thế này, hứa hẹn có nhiều bứt phá cả về số lượng khách và doanh thu”, ông Nguyễn Trùng Khánh đánh giá.

Có thể phục hồi như trước đại dịch

Nhận xét về những kết quả ấn tượng trong tháng đầu tiên của năm mới 2023, đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành tin tưởng đây là tín hiệu tích cực để ngành du lịch Việt Nam hướng tới một năm bứt phá mạnh hơn.

Ông Trần Thế Dũng, Giám đốc Công ty lữ hành Vietluxtour, cho rằng năm 2023, Việt Nam có đủ yếu tố để hy vọng ngành du lịch sôi động trở lại như trước khi có đại dịch COVID-19.

“Tất cả những sản phẩm dịch vụ của chúng ta từ khách sạn, nhà hàng cho đến cơ sơ lưu trú đều đã phục hồi hoàn toàn. Hơn nữa, năm vừa qua Việt Nam đã chứng minh luôn là điểm đến an toàn và hiếu khách. Cho nên tôi kỳ vọng năm 2023 khách quốc tế đến Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng tốt. Ít nhất thì họ sẽ không còn thăm dò nữa vì du lịch Việt Nam đã trải qua một năm 2022 hoạt động rất an toàn”, ông Dũng đánh giá.

Còn ông Phạm Duy Nghĩa, CEO Vietfoot Travel cho biết, doanh nghiệp của ông đã lên hết kết hoạch, chương trình từ cao cấp đến trung bình để mời chào tới các đối tác quốc tế. "Hiện nay đã có rất nhiều đơn vị quốc tế bày tỏ mong muốn hợp tác, chỉ cần đến thời điểm, họ sẽ đưa khách đến Việt Nam. Con số 871.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2023 đã chứng minh cho nỗ lực của doanh nghiệp du lịch cũng như các ban ngành quản lý", ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, theo ông Nghĩa, nội địa vẫn tiếp tục là động lực chính của du lịch Việt Nam trong năm 2023 và thị trường này đang được các doanh nghiệp khai thác tốt. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ lại đến cao điểm du lịch hè với chuỗi ngày nghỉ kéo dài dịp 30/4 và kỳ nghỉ hè, báo hiệu du lịch nội địa sẽ còn tăng tốc mạnh hơn nữa.

Thành Lâm

Tin mới