VPF và các đội V-League đang rơi vào tình cảnh vừa đá, vừa ngóng. Kế hoạch thi đấu cúp Quốc gia vào ngày 15/5 tới bị bỏ ngỏ sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo đó, toàn xã hội sẽ tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Bóng đá Việt Nam một lần nữa rơi vào trạng thái chờ, và ban tổ chức giải cùng các CLB sẽ phải ngồi lại để tìm phương án tối ưu.
Các đội V-League vừa tập, vừa chờ thông tin.
CLB phàn nàn, VPF gặp khó
Chia sẻ với báo Thanh Niên, một quan chức của Ban điều hành thuộc VPF cho biết: "Trong thông báo mới đây, VPF đã dự kiến các giải bóng đá chuyên nghiệp 2020 sẽ khởi tranh vào ngày 15/5 mà bắt đầu là trận đấu vòng loại Cúp quốc gia, nếu được các cấp có thẩm quyền cho phép.
Về V-League, VPF chưa công bố ngày trở lại vòng 3 vì còn phụ thuộc vào diễn tiến thực tế. Theo tinh thần của Chỉ thị 16 và 19 của Thủ tướng, các giải đấu vẫn tiếp tục dừng. Nếu Chỉ thị 19 có hiệu lực kéo dài, buộc lòng chúng tôi phải tính đến việc tiếp tục dời Cúp quốc gia sang ngày khác, có thể vào 20/5 hoặc muộn hơn".
Như vậy, ngày 15/5 có thể hiểu là thời hạn dự kiến do VPF đặt ra để cúp Quốc gia được tổ chức. Nếu diễn biến dịch bệnh khả quan và Chính phủ "bật đèn xanh", bóng sẽ lăn trở lại sau 3 tuần nữa. Song ngay cả khi thiên thời, địa lợi ủng hộ, VPF cũng không dễ tổ chức suôn sẻ bởi độ chênh về quyền lợi của các CLB.
Không dễ cân bằng lợi ích cho các CLB.
Mới đây, CLB Hải Phòng vừa có văn bản gửi lên VPF yêu cầu hoãn vòng loại cúp Quốc gia. Đội Hải Phòng tập trung lại vào ngày 27/4, trong khi phải đá với Đồng Tháp sau đó 18 ngày. Tính cả thời gian trừ hao di chuyển, ổn định, đội bóng đất Cảng chỉ có 2 tuần chuẩn bị. Giám đốc điều hành Lê Xuân Hải cho rằng đó là lịch đá "phản khoa học".
"Các cầu thủ ở xa, tận Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang có thể tập trung đủ vào ngày 27.4 hay không. Nếu đội tập trung đủ từ 26/4 thì 27/4 mới tập được. 11/5 đội phải bay rồi, tập luyện không đảm bảo được, vào đá chấn thương hết ngay.
Một số đội không đá vòng loại thì không đưa ý kiến, nhưng các đội phải đá như SHB Đà Nẵng thì HLV Lê Huỳnh Đức cũng 'kêu trời'. Người Thái hoãn giải tới tháng 9. Họ dành tới 6 tuần để các cầu thủ thoải mái chuẩn bị để trở lại thi đấu. Tôi nghĩ V-League ít nhất cũng phải dành ra 4 tuần", ông Hải nói với VTC News.
Vấn đề của Hải Phòng hay SHB Đà Nẵng ở cúp Quốc gia mới là bài toán nhỏ. Nhìn rộng ra, hệ thống V-League đang gặp vấn đề chưa từng có tiền lệ, nên để đảm bảo lợi ích cho các bên là rất khó khăn. Đơn cử như câu chuyện tổ chức ra sao đã xuất hiện tình cảnh "9 người, 10 ý".
4 CLB V-League gồm SLNA, DNH Nam Định, SHB Đà Nẵng và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đề xuất đá không xuống hạng. Một đội khác muốn V-League đá một lượt, hủy kết quả 2 vòng đầu để đảm bảo công bằng, hay có HLV đề xuất thay đổi thể thức, đá chia nửa, phân hạng giống K-League.
Phía SLNA không muốn V-League mùa này có đội xuống hạng.
Mỗi quyết định đều mang tính nhạy cảm, đồng thời khó chủ động khi vừa phải ngóng chỉ thị, vừa chờ thông tin, khuyến cáo từ riêng các địa phương. Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cũng từng khẳng định không thể có phương án hoàn hảo cho tất cả.
"VPF cũng sẽ phối hợp với các địa phương để xem xét, cân nhắc việc có đón khán giả ngay không. Nhưng dù diễn ra vào ngày nào thì vòng loại Cúp quốc gia, VPF cũng khuyến khích không nên có khán giả. V-League cũng tương tự", đại diện VPF cho biết.
Cầu thủ vừa đá, vừa đeo khẩu trang?
Các cầu thủ sẽ chạy trên sân với khẩu trang trên mặt, khoảng 15 phút thay một lần? Kịch bản tưởng như khó tin này có thể thành hiện thực ở Đức.
Theo nguồn tin của Spiegel Sport, trận đấu có thể bị dừng nếu có cầu thủ tuột khẩu trang. Các cầu thủ cũng được yêu cầu không chạm tay vào khẩu trang và thay khẩu trang mới sau mỗi 15 phút.
Tại Hàn Quốc, cầu thủ thi đấu không cần đeo khẩu trang, nhưng bị cấm... giao tiếp. Theo Daily Mail, ban huấn luyện, cầu thủ dự bị và nhân viên bên ngoài sân đấu đều phải đeo khẩu trang. 22 cầu thủ thi đấu trên sân của 2 đội trong một trận đấu không được phép nói chuyện với nhau. Các CLB sẽ có thời gian khoảng hai tuần để làm quen với các quy định này bằng những trận đá tập.
Các cầu thủ vừa đá bóng, vừa đeo khẩu trang?
"Những việc như không khạc nhổ trong trận đấu thì không có vấn đề gì với chúng tôi, nhưng không nói chuyện với đồng đội là bất khả thi. Nếu không thể trao đổi với nhau trên sân, chúng tôi không thể thi đấu được", Kim Do Hyeok, đội trưởng CLB Incheon United chia sẻ sau trận đấu tập kín của đội bóng mới đây.
Những kịch bản này sẽ được áp dụng với V-League? Chia sẻ với VTC News, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng của CLB TPHCM không đồng tình với phương án cầu thủ đeo khẩu trang khi thi đấu hay tập luyện, bởi khẩu trang cản trở hô hấp cường độ cao và dễ gây nóng.
Dù vậy, phương án này còn tùy vào biểu quyết của các đội, diễn biến dịch bệnh và chỉ thị từ trung ương. Dịch bệnh là yếu tố phát sinh chưa từng có, nên mọi phương án đều phải được xem xét kỹ lưỡng, kể cả thay đổi các tiêu chuẩn y tế hay xê dịch kết cấu giải đấu.
Bóng đá Việt những ngày tới sẽ còn chuyển động rất khó lường.