Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mức lương ngành Điện tử viễn thông lên đến hơn 300 triệu đồng/năm

(VTC News) -

Điện tử viễn thông là một trong những ngành học dẫn đầu về nhu cầu nhân lực hiện nay, mang đến cho người trẻ nhiều cơ hội việc làm.

Kỹ thuật điện tử viễn thông là ngành khoa học kỹ thuật ứng dụng điện tử để tạo ra thiết bị xử lý thông tin mà cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu.

Mức lương ngành Điện tử viễn thông 

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp bán dẫn, nhu cầu nhân lực chất lượng cao khoảng 1.000 kỹ sư mỗi năm. Điện tử - Viễn thông là một trong những ngành học cung cấp nhiều nhân lực nhất cho lĩnh vực này.

Sinh viên ngành Điện tử viễn thông.

Theo khảo sát của Đại học Bách khoa Hà Nội, mức lương kỹ sư Điện tử viễn thông mới ra trường dao động từ 12 - 20 triệu đồng/tháng, sau 5 năm là khoảng 30 triệu đồng/tháng.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành học này có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau: thiết kế sản xuất vi mạch bán dẫn, bảng mạch điện tử; phát triển phần mềm; thiết kế lập trình các máy tính nhúng; thiết kế vận hành, tối ưu mạng máy tính và mạng truyền thông; phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy.

Trong đó, mức lương của kỹ sư thiết kế chip trong năm đầu tiên có thể nhận về là gần 220 triệu đồng/năm, tức trung bình hơn 18 triệu đồng/tháng. Với 5 năm kinh nghiệm, người làm công việc này có thu nhập trên 330 triệu đồng/năm. Con số này tăng dần lên hơn 800 và 1,3 tỷ đồng nếu có 15 - 20 năm kinh nghiệm.

Ngoài ra, sinh viên ngành Điện tử viễn thông có thể lựa chọn ứng tuyển học bổng thạc sĩ, tiến sĩ tại Pháp, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể lựa chọn ở lại nước bạn làm việc hoặc về nước xin vào các công ty, doanh nghiệp nước ngoài với mức lương rất cao.

Một số trường tuyển sinh ngành Điện tử viễn thông

Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo ngành Điện tử viễn thông theo hai chương trình: giảng dạy bằng tiếng Anh và liên kết với Đại học Leibniz Hannover. Năm 2024, nhà trường tuyển sinh ngành học này theo 3 phương thức: xét tuyển tài năng, xét điểm thi đánh giá tư duy, xét điểm thi tốt nghiệp THPT. 

Năm học 2024 - 2024, mức học phí nhà trường quy định đối với ngành Điện tử viễn thông là 80 triệu đồng/năm học.

Học viện Bưu chính Viễn thông (phía Bắc) - năm 2024, tuyển sinh ngành Kỹ thuật Điện tử viễn thông theo 4 phương thức: xét tuyển tài năng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp, xét điểm thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy.

Nhà trường dự kiến dành 390 chỉ tiêu và xét tuyển 2 tổ hợp môn A00; A01 với ngành học này. Năm 2023, mức điểm chuẩn trúng tuyển của ngành Kỹ thuật Điện tử viễn thông là 25,68 điểm.

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) hiện đang đào tạo ngành Kỹ thuật Điện tử viễn thông và chương trình tiên tiến Việt - Mỹ ngành Điện tử viễn thông. Mức học phí trong năm học đầu tiên dao động từ 28,7 - 35 triệu đồng/năm.

Năm nay, trường tuyển sinh theo 5 phương thức: xét tuyển thẳng, xét tuyển theo phương thức riêng của trường,xét kết quả học tập THPT, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trường Đại học Công nghệ TP.HCM chia ngành Điện tử viễn thông thành 4 chuyên ngành đào tạo: Thiết kế vi mạch, Công nghệ IoT và mạng truyền thông, Công nghệ mạch tích hợp, Điện tử công nghiệp.

Năm 2024, nhà trường tuyển sinh theo 3 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, xét điểm học bạ.

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - năm 2024, tuyển sinh ngành Điện tử viễn thông theo 5 phương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên, xét thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài, xét tuyển kết hợp, xét tuyển tổng hợp bao gồm các tiêu chí về học lực.

Năm ngoái, ngành học này lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 66,59 điểm, xét tuyển 2 tổ hợp môn A00, A01.

Anh Anh (Tổng hợp)

Tin mới