Mua bán tiền seri đẹp giá cao có vi phạm pháp luật?
Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
- Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
- Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Theo Điều 192 Bộ luật Dân sự 2015, người chủ sở hữu "Tiền có số seri đẹp" có quyền định đoạt tài sản của mình, cụ thể là quyền "chuyển giao quyền sở hữu tài sản".
(Ảnh minh họa)
Như vậy, tiền là là một loại tài sản. Hiện nay pháp luật không ngăn cấm việc mua bán các loại tiền có số seri đẹp với giá cao hơn giá trị của tờ tiền. Tuy nhiên, việc mua bán tiền seri số đẹp không được vi phạm điều cấm của luật như: mua bán tiền có số seri đẹp nhưng là tiền giả, mua bán với mục đích vi phạm pháp luật...
Trên thực tế, phần lớn những tờ tiền có seri số đẹp với số lượng lớn thường là tiền giả. Người mua cần lưu ý, cảnh giác để tránh bị lừa đảo.
Đổi tiền lẻ đi chùa giá cao có vi phạm pháp luật không?
Khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ như sau:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật;
- Không bảo quản tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá trong thời gian nghỉ buổi trưa theo quy định của pháp luật;
- Sử dụng và bảo quản chìa khóa cửa kho tiền, gian kho, két sắt, chìa khóa thùng đựng tiền trên xe chuyên dùng không theo quy định của pháp luật;
- Vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá không sử dụng xe chuyên dùng nhưng không có văn bản quy định về quy trình vận chuyển, bảo vệ, các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản của cấp có thẩm quyền;
- Không quy định bằng văn bản điều kiện, quy trình nhận, giao trả tài sản cho khách hàng, trách nhiệm của các bộ phận có liên quan trong việc đảm bảo an toàn tài sản khi làm dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn và các dịch vụ ngân quỹ khác.
Theo Điểm b Khoản 3 Điều 3 Nghị định trên quy định như sau:
- Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;
Hiện nay, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng chênh lệch là không đúng quy định pháp luật. Do đó, nếu cá nhân thực hiện đổi tiền không đúng quy định bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng. Nếu hành vi này thực hiện bởi tổ chức thì mức phạt là từ 40 - 80 triệu đồng.