Ở ấp Hòa Định (Tân Hòa, Lai Vung, Đồng Tháp), có một gia đình sinh tới 17 người con và nhận nuôi hơn 10 người con nuôi. Tất cả 27 người con đều mang những cái tên rất lạ như: Lù, Ú, Tùa, Mập… rồi đến việc đặt tên theo ngôi nhà như: Vách, Phên, Ván, Nhà, Bào, Lộng, Tiện, Chạm…
Điều khiến nhiều người nể phục là gia đình này dù xuất thân từ nghèo khổ, nhưng với ý chí kiên trì, chịu khó làm ăn đã tạo nên cuộc bứt phá ngoạn mục khi hầu hết con cháu hiện nay đều giàu có, nổi tiếng nhất vùng.
Dựng nghiệp nơi đồng hoang
Về xã Tân Hòa hỏi đại gia đình của cụ Nguyễn Văn Lấc (SN 1903) và bà Nguyễn Thị Chính (SN 1905) ai cũng biết, bởi khắp xứ này không gia đình nào có số lượng con cháu nhiều như gia đình cụ Lấc.
Ông Nguyễn Văn Cắt, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa tỏ ra khoái chí khi giới thiệu về chúng tôi về gia đình đặc biệt này: “Nếu dựa theo qui định về dân số kế hoạch hóa hiện nay thì gia đình cụ Lấc “vượt ngưỡng”, tuy nhiên thời điểm trước đây chưa có chủ trương kế hoạch hóa nên cụ Lấc mới sinh con nhiều như vậy. Song, điều hiếm thấy là các con cháu của cụ được dạy dỗ chu đáo, làm ăn đàng hoàng và sống tốt… Chính vì thế mà gia đình cụ Lấc rất có uy tín ở địa phương”.
Để chứng minh thực tế, ông Cắt đưa chúng tôi về ấp Hòa Định gặp gia đình cụ Lấc. Tiếp chúng tôi trong căn nhà “cổ” do cha mẹ mình để lại, ông Nguyễn Văn Vách, 58 tuổi, là con thứ 14 của cụ Lấc cho biết: “Tui dù chưa phải là con út nhưng được cha mẹ và các anh chị giao nhiệm vụ tiếp quản nhà thờ, đây là niềm vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề”.
Căn nhà thờ do cụ Lấc để lại |
Đưa chúng tôi đi một vòng xung quanh nhà thờ, ông Vách kể: “Hồi trước lúc mới 17 tuổi, mẹ tui gặp ba tui rồi sau đó 2 người lấy nhau trong điều kiện thiếu trước hụt sau. Do cả 2 bên gia đình đều nghèo khó nên cha mẹ ra ở riêng chẳng có tài sản, cũng không nghề nghiệp gì.
Thời đó, vùng này đất đai hoang hóa, trong khi cha tui là người rất siêng năng nên ông ra sức phát hoang và thuê thêm đất của người khác để làm ruộng. Cần cù chịu khó, nên sau mỗi vụ mùa, cha tui tích lũy được bao nhiêu lúa thì dồn hết vào chuyện mua đất đai để mở rộng diện tích canh tác.
Cá tôm ở vùng này ngày xưa nhiều vô kể, thế là hàng đêm ông xuống xuồng đi giăng câu, thả lưới… bắt được rất nhiều cá đem bán kiếm thêm tiền. Có đêm mẹ tui bán cá mua được tới 1 chỉ vàng.
Không chỉ làm ruộng, đi bắt cá… cha tui còn là người đầu tiên ở địa phương nẩy sinh ý định mua trâu về làm dịch vụ cày đất thuê, trục đất, kéo lúa… cho người dân xung quanh. Đến khi có phong trào cơ giới hóa trên đồng ruộng thì cha tui cũng đi đầu trong việc mua máy xới, máy tuốt lúa… để làm thuê. Nhờ đó mà thu nhập của gia đình tăng thêm đáng kể”.
Tiếp lời em trai của mình, ông Nguyễn Văn Dồi (con thứ 11 của cụ Lấc) cho biết thêm: “Cha tui là người làm ruộng số một vùng này. Ông có thể ra đồng làm quần quật từ sáng sớm đến 21-22h đêm mới chịu về nhà, những chuyện nặng nhọc ông đều làm tuốt luốt một mình mà không cần ai phụ.
Nhờ ông giỏi, siêng năng mà gia đình tui từ nghèo đói đã vươn lên khá giả, mua sắm đất đai khá nhiều. Bởi cha tui luôn quan niệm không bằng lòng với nghèo đói, mà phải vươn lên để con cái không thua thiệt với người ta”.
Ông Nguyễn Văn Vách |
Những người con mang tên “một ngôi nhà”
Nếu như khắp làng trên xóm dưới đều nể phục tài làm ruộng của cụ Lấc, thì chuyện sinh con của cụ cũng tạo nên một kỳ tích mà ít gia đình theo kịp.
Bà Nguyễn Thị Hai (con gái lớn của cụ Lấc) nhớ lại: “Cái ngày tôi mới chập chững biết đi thì gia đình còn nghèo lắm, thế nhưng cứ mỗi năm trong nhà lại đón thêm một thành viên mới ra đời. Cái ăn, cái mặc thiếu thốn nên cha mẹ tôi suốt ngày phải bám chặt ngoài đồng, vì vậy chuyện trông em phải áp dụng theo hình thức “đứa lớn giữ đứa nhỏ”. Tôi là con lớn nên chịu trách nhiệm chính trông em”.
Cứ như thế, con cái cụ Lấc liên tục ra đời theo từng năm và sự lạ lùng là cả 17 người con đều được cụ bà Nguyễn Thị Chính tự một mình sinh tại nhà, mà không cần đi nhờ các bà mụ vườn như những người khác.
Anh Dương Văn Nghĩa |
Bà Hai cho biết thêm, ban đầu cha mẹ đặt tên con là Nguyễn Thị Hai, Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Văn Lù, Nguyễn Văn Ú, Nguyễn Thị Tùa… Song, nhà lúc đó vẫn còn tạm bợ, thế là những người con tiếp theo được ông bà đặt là: Nguyễn Văn Vách, Nguyễn Văn Ván, Nguyễn Văn Bào, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Lộng, Nguyễn Văn Chạm, Nguyễn Văn Phên, Nguyễn Văn Nhà… với hy vọng là cất được căn nhà khang trang, và sau này khi các con lớn lên cũng có được nhà ở đàng hoàng.
Thoạt đầu nghe những cái tên lạ lùng như vậy hàng xóm cười ồ bảo cụ Lấc vì quá mơ căn nhà nên mới làm vậy. Thế nhưng, sau thời gian nỗ lực dãi nắng dầm sương, tích lũy dần và cụ Lấc đã xây được căn nhà thuộc dạng to nhất xóm.
“Mẹ tui kể lại, khi cất được căn nhà lớn, không chỉ gia đình vui như tết mà bà con xa gần và nhiều người dân địa phương cũng đến chia vui, đồng thời học cách làm của ba tui. Lúc này ai cũng cho rằng, nhờ đặt tên con cái theo từng bộ phận của căn nhà nên trời phật phù hộ “ăn nên làm ra” và làm được nhà”, bà Nguyễn Thị Hai tâm sự.
Có được nhà ở đàng hoàng, cụ Lấc tiếp tục công việc đồng áng và có dư tiền là mua thêm ruộng nhằm mở rộng diện tích canh tác. Đối với hàng chục đứa con được đặt tên theo căn nhà rồi cũng đến lúc không còn tìm ra bộ phận nào nữa để đặt, trong khi con cái lại tiếp tục ra đời. Thế là cụ Lấc nẩy sinh ý định đặt tên con theo số thứ tự như: Nguyễn Thị Mười Bảy, Nguyễn Thị Mười Tám…
Không chỉ nuôi đàn con ruột đông đúc tới 17 người, vợ chồng cụ Lấc còn làm chuyện khiến cả xã thán phục là nhận hơn 10 người con nuôi đem về dưỡng dục. Những gia đình nào nghèo khó, hoàn cảnh trắc trở, hoặc khó nuôi con… nếu tin tưởng và có ý định cho con là cụ Lấc vui vẻ nhận về nuôi.
Bởi thế, những “số thứ tự” tiếp sau đã lần lượt ra đời. Nguyễn Văn Mười Chín, Nguyễn Văn Hai Mươi, Nguyễn Thị Hai Mốt, Nguyễn Văn Hai Hai… là những người con tiếp sau ấy.
Đường vào đại gia đình của cụ Lấc |
Không thể biết hết mặt con cháu…
Theo ông Nguyễn Văn Vách, đến nay “đại” gia đình họ tộc thân thuộc gồm con, cháu, chắt… của dòng họ đã lên đến con số hàng trăm người. Cụ Lấc đã qua đời cách nay hơn 13 năm, còn cụ bà Nguyễn Thị Chính thì ra đi trước đó.
Mỗi lần tới ngày giỗ cụ Lấc thì con cháu tề tụ về (dù không đầy đủ) nhưng cũng phải từ 8- 10 bàn (khoảng 100 người), đó là chưa kể mời khách bên ngoài.
“Tui dù ở nhà thờ và có điều kiện để tiếp xúc với nhiều con cháu trong họ tộc, bởi hàng năm có nhiều người về đây cúng ông bà. Tuy nhiên, đến giờ này tui cũng không tài nào biết mặt hết con cháu trong đại gia đình của mình”, ông Vách thừa nhận.
Điều đáng khâm phục là đàn con đông đúc của cụ Lấc khi lớn lên đều làm ăn đàng hoàng, nên ai cũng khá giả. Gia đình nào cũng nề nếp và được mọi người kính trọng.
Ông Nguyễn Văn Nhà (con thứ 16 của cụ Lấc) khẳng định: “Cha mẹ tôi con đông nhưng giáo dục rất căn bản, nghiêm khắt. Người lớn, người nhỏ đều rất trật tự, lễ phép… ông bà lo cho từng người con chu đáo và nghiêm cấm chuyện mất lòng nhau trong nội bộ anh chị em, nhất là không để nẩy sinh những mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế. Nhờ đó mà anh em rất thương nhau”.
Trao đổi với PV Báo GĐ&CS, anh Dương Văn Nghĩa, cháu ngoại của cụ Lấc, tâm sự: “Anh em tụi tui đều tự hào về đại gia đình của mình, bởi sự đoàn kết, hòa đồng, gương mẫu theo đúng truyền thống ông bà để lại. Ngoài chuyện chăm lo kinh tế gia đình, lo cho con cái học hành đàng hoàng thì tụi tui còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, đóng góp cho quê hương cũng là trách nhiệm.
Thú thật, sau đời ông ngoại và đời mẹ tui, thì hiện tại đến đời của tụi tui không ai sinh nhiều con như trước nữa, mỗi gia đình chỉ dừng lại ở 1 hoặc 2 con theo đúng chủ trương kế hoạch hóa”.
Theo Phương Uyên (GĐ&CS)