Tết Đoan ngọ lại về. Trong mỗi gia đình, chắc hẳn đã xuất hiện một vài quả mận, một ít cơm rượu nếp hoặc vài cái bánh gio để các thành viên thưởng thức, đồng thời “diệt sâu bọ” theo quan niệm từ lâu đời.
Với người Huế (và một số tỉnh miền Trung), trong ngày đặc biệt này không thể thiếu vắng chén chè kê vàng, dẻo thơm và ngọt ngào. Kê là loại hạt thực dưỡng, thanh đạm, dễ ăn. Vì vậy, sau mỗi mùa thu hoạch kê vào tháng 4 Âm lịch, người Huế lại giữ lại một ít, để dành cho ngày Tết Đoan ngọ.
Chè kê là món ăn đặc trưng cho ngày Tết Đoan ngọ ở Huế. (Ảnh minh họa)
Chè kê nhìn đơn giản nhưng phải biết cách nấu, nếu không sẽ làm mất đi mùi hương dịu dàng của hạt kê và vị ngọt lịm của đường. Những hạt kê tròn mẩy, vàng óng đem đi xay sao cho tróc vỏ nhưng vẫn giữ nguyên lớp cám mỏng bao bọc bên ngoài. Sau đó, kê được ngâm trong nước lạnh khoảng 1 giờ đồng hồ cho đến khi mềm thì đem đi nấu.
Hạt kê phải tròn, mẩy thì khi nấu chè mới ngon. (Ảnh minh họa)
Chè kê thường nấu cùng nước đường pha gừng, ăn với bánh tráng vừng. Kê chín dẻo quánh, nhuyễn mịn, có hương thơm của gừng tỏa ra ngan ngát. Bánh tráng giòn tan, ăn bùi bùi, ăn kèm với chè kê thì thật hợp nhau hết sức. Nếu muốn món này thơm ngon, thanh mát hơn, bạn có thể cho thêm đậu xanh tách vỏ trong lúc chế biến.
Chè kê có màu vàng đẹp mắt, vị ngọt - bùi xen kẽ với hương thơm của gừng. (Ảnh minh họa)
Người Huế thường dùng bánh tráng để ăn chè chứ không dùng thìa để xúc. (Ảnh minh họa)
Thời gian qua đi, nhiều thứ biến đổi nhưng Tết Đoan ngọ vẫn là ngày quan trọng với mỗi người con xứ Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung. Món chè kê bình dị, dân dã nhưng chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với các ngũ cốc khác, đồng thời có tác dụng bồi bổ khí huyết, quả là một món ăn thích hợp để ăn vào ngày đặc biệt này.