Một lần ghé ngang huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định, du khách không quá khó để bắt gặp một quầy bún rạm, tuy đơn sơ nhưng chất lượng thì không đùa được. Thoạt nhìn, nhiều người sẽ tưởng đây là bún riêu, nhưng phải nếm thử mới biết, hương vị của hai món ăn hoàn toàn khác nhau.
Bún rạm thoạt nhìn trông như bún riêu với lớp thịt rạm hấp dẫn trên mặt. (Ảnh: cukhoaiiiiiiii)
Bún rạm có nguồn gốc từ vùng đầm Châu Trúc thuộc huyện Phù Mỹ, sau được phổ biến rộng rãi hơn và dần trở thành món ăn nổi tiếng ở thành phố Quy Nhơn. Như cái tên của món ăn, "linh hồn" tạo nên sức hấp dẫn của bún rạm chính là phần nước dùng béo ngậy được nấu từ rạm.
Món ăn bắt nguồn từ vùng đầm Châu Trúc, huyện Phù Mỹ, Bình Định. (Ảnh: imkhanhha)
Rạm hay còn gọi là đam, là một loài thuộc họ nhà cua với vẻ ngoài tương đồng với con vật này. Rạm sau khi mua về phải được ngâm rửa cho sạch bùn đất, sau đó xay nhuyễn, lọc nước rồi đun trên lửa liu riu. Nước dùng khi đun sẽ được nêm thêm hành phi, chút dầu ăn, và nêm nếm gia vị, đến khi sôi, phần thịt rạm vàng nâu sẽ nổi lên bề mặt, dậy mùi thơm phức.
Phần thịt ram thơm phức hấp dẫn. (Ảnh: titcuano)
Nếu như bún riêu được nấu với đậu hũ, mắm ruốc, huyết, ăn kèm chả, thịt heo… thì với bún rạm, người bán không thêm quá nhiều gia vị hay nguyên liệu để nấu kèm.
Tất cả những gì tinh túy của món ăn tập trung vào phần nước dùng với thịt rạm. Cũng vì vậy, chất ngọt và hương thơm đặc trưng của rạm sẽ được giữ nguyên vẹn, để thực khách thưởng thức trọn vị.
Nguyên liệu ăn kèm bún rạm khá đơn giản với rau sống và chút bánh đa, đậu phộng. (Ảnh: uncoindefood)
Tất nhiên, để tăng thêm sự ngon miệng, bún rạm cũng như các món bún khác ở Việt Nam không thể thiếu thành phần rau sống ăn kèm. Bên cạnh đó, nhiều hàng quán còn điểm xuyết cho món ăn thêm chút đậu phộng rang nguyên hạt thơm thơm, miếng bánh đa giòn tan và xoài xanh chua chua.
Một tô bún rạm chuẩn vị còn không thể thiếu xoài xanh bào sợi. (Ảnh: mason.bear.94)
Một trong những điểm khác biệt nữa của bún rạm đó là khi phục vụ, người bán sẽ để tô bún riêng, nước dùng riêng, khi ăn, thực khách sẽ tự chế từ từ nước rạm vào tô và thưởng thức.
Vị ngọt béo của nước rạm hòa cùng sợi bún dai dai, thêm chút chua chua, thanh thanh của xoài và rau thơm, đan xen tiếng vỡ giòn tan của bánh đa, đậu phộng, tất cả tạo nên một bữa tiệc vị giác khiến bất kỳ ai có dịp thưởng thức lần đầu cũng muốn có lần thứ 2, thứ 3...
Bún rạm được chia thành tô bún và nước riêng, ăn đến đâu chan đến đó. (Ảnh: trangpinkyy)
Món ăn bình dị ấy vì vậy đã chinh phục được dạ dày của biết bao người dân xứ Bình Định, và rộng hơn là du khách từ khắp mọi miền.
Thực khách giờ đây có thể thưởng thức bún rạm nóng hổi thơm ngon ở nhiều nơi tại Quy Nhơn. Dẫu vậy, việc ăn một tô bún rạm ở chính nơi mà nó được sinh ra - vùng quê Phú Mỹ chắc chắn sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ hơn cả.