Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mở lối cho hàng Việt trong tâm ‘bão’ COVID-19

(VTC News) -

Nhà quản lý và doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang xây dựng nhiều kịch bản chống chọi với dịch bệnh, tìm ra những đột phá mới nhằm chiếm lĩnh thị trường.

Dịch COVID-19 bùng phát và lan nhanh khắp cả nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành bán lẻ. Theo đánh giá, dịch bệnh đã khiến số lượng người mua sắm giảm, nhiều cửa hàng đóng cửa, cắt giảm nhân viên, doanh số bán hàng sụt giảm nghiêm trọng…

Tiếp sức giữa đại dịch

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động thương mại trong nước và được phản ánh qua chỉ số về tổng mức bán lẻ hàng hóa.

 Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).

Trong bối cảnh đó, để giúp hàng Việt chiếm lĩnh thị phần, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp tức thời và lâu dài để hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt. Cụ thể, Bộ hướng dẫn, đề nghị các địa phương sớm xây dựng kế hoạch, kịch bản tiêu thụ hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng, kịp thời ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh, nhằm đẩy mạnh lưu thông, tiêu thụ để hạn chế hiện tượng ùn ứ hàng hóa, đứt gãy nguồn cung phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Tăng cường hỗ trợ, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và các mặt hàng nông sản của địa phương sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn thông qua hoạt động kết nối với hệ thống phân phối, các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp logistics có biện pháp hỗ trợ giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân; và phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch truyền thông nhằm quảng bá năng lực cung ứng các sản phẩm nông sản có chất lượng, uy tín.

Ngoài ra, triển khai Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2021 - “Vietnam Grand Sale 2021” (dự kiến diễn ra từ ngày 1 - 30/9/2021 trên phạm vi toàn quốc) nhằm tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực hướng tới mục tiêu kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước.

Nhằm đưa sản phẩm hàng hoá đến gần hơn với người tiêu dùng, Bộ cũng tăng cường tổ chức các hoạt động bán hàng Việt lưu động tại khu đô thị, khu công nghiệp và vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để gia tăng khả năng tiếp cận của người tiêu dùng.

Đồng thời chỉ đạo các sàn thương mại điện tử tăng cường hiển thị các sản phẩm nông sản Việt, tổ chức các hoạt động thúc đẩy tiêu dùng đặc biệt là tiêu dùng nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương.

“Những giải pháp này giúp thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đồng thời quảng bá cho hàng Việt Nam có chất lượng và các doanh nghiệp Việt Nam uy tín, sản xuất xanh, áp dụng truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm; khuyến khích doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt. Từ đó nâng cao nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt của người tiêu dùng Việt”, bà Nga nhấn mạnh.

Hướng tới xuất khẩu

Bên cạnh khâu phân phối, kết nối tiêu thụ thì tuyên truyền để người tiêu dùng Việt trẻ tự hào về sản phẩm hàng hóa Việt Nam cũng rất quan trọng. Theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội, đặc biệt là hàng Việt không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu.

“Trên nhiều sàn giao dịch quốc tế, sản phẩm của Việt Nam cũng đã lên được sàn và đến với nhiều nước trên thế giới. Điều đó cho thấy chỗ đứng hàng Việt vững chắc trên thị trường quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải cải tiến công nghệ, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm. Phải làm sao cho ra được sản phẩm ngon, chất lượng”, bà Hậu nhấn mạnh.

Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam.

Thời gian qua, theo bà Hậu, các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều chương trình cùng nhiều nhà sản xuất, nhất là nhà sản xuất nông sản, để không xảy ra tình trạng “được mùa rớt giá”. Thực tế, hai năm trở lại đây, sản phẩm nông sản, sản phẩm thiết yếu phát triển mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho biết các hệ thống siêu thị hiện đang bán hàng theo nhiều hình thức khác nhau như bán hàng qua điện thoại hay online. Các nhà bán lẻ cũng tăng cường đầu tư vào con người và công nghệ. Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi cả về thói quen mua sắm của người dân đến cách bán hàng của hệ thống siêu thị.

“Các siêu thị đẩy mạnh bán hàng online nhiều hơn, và bản thân khách hàng cũng chủ động mua sắm online nhiều hơn. Trước đây việc mua sắm online chỉ tập trung vào ngành đồ khô và phi thực phẩm, điện máy, hàng gia dụng nhưng giờ các siêu thị đã đáp ứng được nhu cầu mua hàng đa dạng của khách hàng”, bà Hậu nói.

Đáng chú ý, theo bà Hậu, không chỉ nhà bán lẻ nắm bắt xu hướng online hóa qua việc thúc đẩy mô hình app bán hàng trên điện thoại mà nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng lấn sân qua hình thức này.

“Hiện bà con nông dân đã biết dùng công nghệ để đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử và việc bán trên các trang mạng ngày càng thân quen với người tiêu dùng”, bà Hậu khẳng định.

Kinh doanh trực tuyến bùng nổ

Theo VnDirect, dịch COVID-19 góp phần thúc đẩy nền kinh tế trực tuyến phát triển mạnh mẽ và điều này có lợi rất lớn cho ngành bán lẻ Việt Nam. Theo Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế trực tuyến Việt Nam đang bùng nổ với doanh thu tăng trưởng 38% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015 - 2019 để đạt giá trị 12 tỷ USD, chiếm hơn 5% GDP của cả nước, chủ yếu được thúc đẩy bởi phân khúc thương mại điện tử đang phát triển mạnh.

Báo cáo thống kê của WeAreSocial cho thấy tại thời điểm tháng 1/2020, Việt Nam có hơn 68 triệu người sử dụng dịch vụ Internet, tương đương hơn 2/3 dân số và hơn 146 triệu kết nối mạng dữ liệu di động. Như vậy, kênh trực tuyến sẽ trở nên quan trọng hơn trong giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế bán lẻ.

Năm 2020, ngoài các nhà bán lẻ như Saigon Co.op, Vinmart & Vinmart+ nhanh chóng nắm bắt xu hướng online hóa qua việc thúc đẩy mô hình app bán hàng trên điện thoại thì nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng lấn sân qua hình thức này.

Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam tới đây vẫn sẽ tiếp tục bật tăng giống như các lần trước đó khi làn sóng COVID-19 được đẩy lùi. Động lực chủ yếu nằm ở lực cầu vững chắc, tâm lý thói quen tiêu dùng, và sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Những động lực cốt lõi này vẫn được duy trì trong giai đoạn vừa qua bất chấp tác động của đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, tâm lý hoang mang, lo lắng đang dần bị xóa bỏ, thay vào đó là thói quen tiêu dùng an toàn. Ngoài ra việc Việt Nam chính thức tiêm vaccine kể từ tháng 3 năm nay cũng tạo tâm lý cởi mở hơn cho nhiều hoạt động.

VnDirect tin rằng, sự ngăn chặn thành công đại dịch của Việt Nam sẽ là yếu tố giúp duy trì tăng trưởng doanh thu bán lẻ vào năm 2021, trước khi tăng mạnh khi vaccine COVID-19 được phổ biến rộng rãi.

Chúng tôi tin rằng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ, bất động sản của Việt Nam sẽ nhanh chóng trở lại mức trước COVID-19 khi đại dịch được kiểm soát và đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ sau đó, trong bối cảnh Việt Nam có diện tích trung tâm thương mại trên đầu người và giá thuê bất động sản bán lẻ thấp nhất trong khu vực Asean”, VnDirect đánh giá.

Hoà Bình

Tin mới