Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hồi 6h ngày 27/10, tâm bão số 9 (Molave) ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 222km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.
Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão, bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, tâm bão số 9 ở trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên, giật cấp 17.
Từ hôm qua và sáng nay, các tỉnh nằm trong vùng dự báo bão khẩn trương triển khai công tác phòng chống, người dân chạy đua với thời gian để gia cố, chằng chống nhà cửa, di chuyển đồ đạc ứng phó.
Người dân Đà Nẵng đóng các bao cát để chèn mái tôn trước khi bão dự báo đổ bộ ngày 28/10.
Tại Bình Định, phương án sơ tán dân được triển khai và thành lập đội tàu lai ứng trực sẵn sàng cứu hộ khi mưa bão đổ bộ. Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng và người dân không được chủ quan trong việc đối phó với bão số 9, yêu cầu các huyện miền núi, các địa phương có điểm xảy ra sạt lở, khu vực biển bị ảnh hưởng triều cường… phải rà soát, di dời người dân sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trong hôm nay (27/10).
Quá trình sơ tán dân ở vùng nguy hiểm, ai không đi sẽ cưỡng chế nhằm đảm bảo an toàn, giảm tối thiểu thiệt hại về người và tài sản. Người dân khẩn trương chằng chống nhà cửa, các cơ quan, trường học… Người dân dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để đối phó với mưa bão dài ngày, chấm dứt tình trạng “sáng mưa, chiều ngập, tối kêu cứu”.
Cùng đó, các lực lượng quân sự, biên phòng, công an lên phương án sẵn sàng ứng phó với bão số 9, bố trí lực lượng tại các địa phương để sẵn sàng đối phó khi có tình huống xảy ra.
Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định cũng cho học sinh trên địa bàn nghỉ học từ chiều nay (27/10) cho đến khi có thông báo mới. Từ ngày 27/10, các cơ quan, đơn vị ở Bình Định sẽ dừng tất cả các cuộc họp để lo ứng phó với bão số 9.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định, số lượng tàu cá tỉnh Bình Định đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa có 5 tàu, vùng biển Trường Sa 256 tàu, khu vực giữa Hoàng Sa - Trường Sa 62 tàu.
“Khi bão số 9 đổ bộ, không để bất kỳ người nào trên tàu, kể cả trên tàu cá và tàu hàng, bắt buộc lên bờ hết để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra”, ông Dũng nói và cho biết thêm Bình Định thực hiện lệnh cấm biển từ 17h ngày 26/10 cho đến khi hết bão và biển đã an toàn.
Tại Phú Yên, UBND tỉnh Phú Yên có công điện yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 9.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển (rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện; thông báo, hướng dẫn tránh trú an toàn, tổ chức sắp xếp, neo đậu để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu). Thời gian hoàn thành trước 18h ngày 27/10.
Người dân miền Trung chạy đua với thời gian để chằng chống nhà cửa chống bão.
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên, địa phương này có 227 tàu cá/1.322 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó hoạt động xa bờ (khu vực giữa biển Đông và đông nam quần đảo Trường Sa) 163 tàu cá/962 lao động, hoạt động gần bờ 124 tàu cá/570 lao động (từ Quảng Ngãi - Bình Thuận).
Hiện trên địa bàn Phú Yên có khoảng 74.660 ô lồng/1.861 bè nuôi thủy sản. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông.
Các huyện thị khẩn trương tổ chức triển khai ngay các biện pháp chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, công trình khác,… đảm bảo an toàn hạn chế thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra.
Đặc biệt, phải sẵn sàng các phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão.
Tất cả công tác di dời dân, phương án phòng chống bão, tìm kiếm cứu nạn phải hoàn thành trước 18h ngày 27/10. Tạm hoãn các cuộc họp không thật sự cấp thiết, không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống bão, mưa lũ sau bão cho đến khi bão tan.
Tại Quảng Ngãi, lệnh cấm biển đươc ban hành, các phương án di dời dân được lên chi tiết, đặc biệt là những khu vực ven biển và những vùng có nguy cơ sạt lở ở miền núi.
Theo đó, nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 20h ngày 26/10 cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi.
Dân biển miền Trung khẩn trương di chuyển đổ đạc, lều quán chạy bão.
Chính quyền các địa phương hướng dẫn nhân dân di dời, sơ tán, chằng chống nhà cửa theo phương thức “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, đảm bảo tất cả người dân đều thường xuyên nắm được thông tin, chủ động phòng chống bão.
Trong đó, đặc biệt lưu ý phải sẵn sàng kế hoạch và tổ chức sơ tán, di dời dân đến nơi tránh trú bão an toàn, kiên quyết di dời, sơ tán những hộ có nhà yếu, đơn sơ không đảm bảo an toàn.
Đối với trường hợp không hợp tác thì thực hiện cưỡng chế nếu cần thiết và tổ chức kiểm tra nhà, trụ sở... phải đảm bảo an toàn trước khi đưa người dân đến sơ tán.
Trong hôm qua, du khách tại huyện đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi cũng đã được bố trí phương tiện để rời đảo trước khi bão đổ bộ.
Tại Đà Nẵng và Quảng Nam, công tác phòng chống bão cũng được chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt.
Theo ghi nhận của PV VTC News, người Đà Nẵng và Quảng Nam đang khẩn trương gia cố, chằng chống nhà cửa và mua sắm nhu yếu phẩm chuẩn bị ứng phó với bão số 9.
Từ chiều tối qua, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố chủ trì cuộc họp khẩn bàn phương án ứng phó với bão số 9.
Các địa phương cho biết đã rà soát, lên danh sách và lập kế hoạch sơ tán dân theo phương án được Chủ tịch UBND quận, huyện duyệt.
Dự kiến số lượng sơ tán với kịch bản bão gió cấp 8-11 là 19.215 hộ với tổng số người khoảng hơn 72.000 người.
Dự kiến số người sơ tán với kịch bản bão gió cấp 12-13 là 35.229 hộ với tổng số người là 140.868.
Ngư dân Đà Nẵng đưa phương tiện hành nghề về điểm tập kết trong sáng 27/10.
Những người phải sơ tán là người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiên cố, nhà tạm. Tuy nhiên, Đà Nẵng ưu tiên sơ tán tại chỗ, đến các nhà kiên cố, an toàn, gần nhất trong khu vực. Với những điểm sơ tán tập trung thì chính quyền quận, huyện lựa chọn và phải được Sở Xây dựng thẩm định.
Ông Quảng yêu cầu UBND thành phố ban hành thông báo cấm người dân và các phương tiện lưu thông trên đường từ chiều, tối nay (27/10).