Chiều 2/4, tại Hội trường Diên Hồng, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước với ông Nguyễn Phú Trọng.
Nghị quyết miễn nhiễm chức vụ Chủ tịch nước với ông Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội thông qua với 91,25% đại biểu tán thành.
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944, quê quán ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ông là Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học, có trình độ lý luận chính trị Cao cấp.
Ông Nguyễn Phú Trọng là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX, X, XI, XII, XIII; Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV.
Ông có gần 30 năm (từ năm 1967 đến 1996) công tác tại Tạp chí Cộng Sản, trải qua các chức vụ Cán bộ Phòng Tư liệu, Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Trưởng ban Xây dựng Đảng, Phó Tổng Biên tập rồi Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Tháng 8/1996, ông là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng ban cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
Tháng 2/1998, ông phụ trách công tác tư tưởng-văn hóa và khoa giáo của Đảng.
Tháng 8/1999, ông tham gia Thường trực Bộ Chính trị.
Tháng 1/2000, ông làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Tháng 6/2006, ông Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.
Tháng 1/2011 đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (các khóa XI, XII, XIII), Bí thư Quân ủy Trung ương.
Tháng 10/2018 đến nay, ông là Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh nhiệm kỳ 2016-2021.
Sau khi miễn nhiệm Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu tân Chủ tịch nước.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, người vừa được miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng sẽ được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước.
Sáng 5/4, Quốc hội sẽ bầu tân Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.