Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mẹ Hồ Duy Hải gửi đơn kêu cứu đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

(VTC News) -

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải, gửi đơn kêu cứu đến Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao và đại biểu Lê Thanh Vân.

Trong đơn, bà Loan khẩn thiết mong Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Trả lời PV VTC News, chị Hồ Thị Thu Thuỷ (em gái tử tù Hồ Duy Hải) cho biết, sau phiên giám đốc thẩm, gia đình đã có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi bà Lê Thị Nga (Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội), ông Lê Minh Trí (Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) và ĐBQH Lê Thanh Vân.

Vì thời gian gấp gáp nên hiện tại gia đình mới gửi đơn được đến 3 địa chỉ trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi thêm đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng cũng như các vị ĐBQH có tiếng nói khác”, chị Thuỷ cho hay.

Bà Nguyễn Thị Loan (phải) suốt 12 năm đi kêu oan cho con.

Liên quan đến vụ việc này, trả lời PV VTC News, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cho biết, quyết định bác kháng nghị của TAND Tối cao chưa thật sự hợp tình, hợp lý.

"Ví dụ như nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc thứ 2 là phải dựa trên cơ sở tranh tụng và chứng cứ. Với chứng cứ như thế mà kết tội là không được", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng phân tích.

Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, ông sẽ nói vấn đề này trước Quốc hội.

"Cần thực hiện cuộc giám sát tối cao của Quốc hội, ở đây là Ủy ban Tư pháp đã giám sát rồi. Rất cần giám sát tối cao vấn đề này, nếu không sẽ trở thành một tiền lệ xấu cho nền tư pháp Việt Nam chứ không chỉ là vấn đề hình sự", ông Nhưỡng nói.

Video: ĐBQH đề xuất Quốc hội giám sát tối cao vụ án Hồ Duy Hải

Cùng chung quan điểm với ông Lưu Bình Nhưỡng, ĐBQH Lê Thanh Vân đồng tình việc phải thực hiện ngay một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội cho vụ án.

"Chính tôi là người đề nghị có giám sát tối cao của Quốc hội theo điều 404 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bởi vì Quốc hội hoàn toàn có quyền giám sát tối cao hoạt động xét xử của tòa án. Chỉ có cách nhìn nhận rộng hơn mới nhìn thấy được vi phạm hay không vi phạm của quá trình tố tụng hình sự do các cơ quan nhà nước được giao trách nhiệm thực hiện.

Khi đã xác định những dấu hiệu về bản chất vụ án làm thay đổi kết quả ấy, Quốc hội yêu cầu Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mở phiên tòa xét xử lại xem xét lại tố tụng", ông Vân nói.

Ngoài ra, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng 17/17 thành viên biểu quyết “không thay đổi bản chất vụ án” là chủ quan.

Ông Vân bày tỏ, ông không bàn luận về bản chất vụ án nhưng theo ông trong phiên tòa Giám đốc thẩm vừa rồi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vẫn chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về tố tụng.

“Điều 31 Hiến pháp và Điều 13 của Luật Tố tụng hình sự ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội, có nghĩa là một người không thể bị kết tội khi chưa có bằng chứng buộc tội, trong khi ở đây tòa kết tội chỉ dựa vào lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải.

Căn cứ vào lời khai mà lời khai đó không phù hợp với logic của hiện trường, logic của những diễn biến vụ án, chẳng hạn như thời gian phạm tội, các công cụ gây án... nó mâu thuẫn như thế mà vẫn nói vì Hồ Duy Hải đã nhận tội là thiếu thuyết phục", ông Vân bày tỏ.

Đặc biệt, ĐBQH Lê Thanh Vân còn bày tỏ băn khoăn trước việc 17/17 thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết bằng hình thức giơ tay.

Ông Vân cho rằng đây là một quyết định liên quan đến tính mạng của con người, có thể tước bỏ tính mạng của một con người mà lại lựa chọn hình thức giơ tay thì không phù hợp, thậm chí là phản cảm, huống chi là thẩm phán hiện nay về mặt tổ chức chưa hoàn toàn độc lập so trong quan hệ với người đứng đầu tòa án là Chánh án TAND Tối cao. Cho nên hình thức lựa chọn hoặc bỏ phiếu bằng giơ tay là không hợp lý.

* Tiếp tục cập nhật 

Xuân Trường

Tin mới