Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mặt trận kinh tế - tiền thân của Báo Công Thương ra đời ở Việt Bắc 74 năm trước

Tờ tin Mặt trận Kinh tế là một trong những tờ báo tiền thân của Báo Công Thương đã ra đời giữa chiến khu Việt Bắc từ năm 1948, cách đây 74 năm, nay còn lưu giữ.

Những ngày này, trong không khí hướng tới mùa thu lịch sử, kỷ niệm Quốc khánh 2/9, chúng tôi tìm đến Thư viện Quốc gia với hi vọng sẽ được “chạm vào lịch sử”, tìm thấy những tờ báo tiền thân, ngọn nguồn của Báo Công Thương hôm nay.

Chạm vào lịch sử

Cảm xúc lúc lên đường thật đặc biệt vì lý do có cuộc đi tìm này bắt nguồn từ mấy hôm trước, các đồng chí trong Ban Biên tập Báo Công Thương, nhất là Tổng Biên tập Trương Thu Hiền, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh giao nhiệm vụ cho chúng tôi với những trăn trở, dặn dò: "Ngành Công Thương vừa kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống, khi Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cắt băng khánh thành phòng truyền thống vào ngày 17/6 vừa qua tại Hội trường Bộ Công Thương số 21 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội càng gợi cho những người làm báo Công Thương mong muốn đi tìm, tái hiện truyền thống vẻ vang của Báo Công Thương trong trang sử rất dày của ngành. Mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân phát động và triển khai Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”, càng thôi thúc lãnh đạo Báo Công Thương mong muốn tìm lại được những hiện vật, những câu chuyện để xây dựng được một "góc truyền thống" trong môi trường văn hoá ở toà soạn một cơ quan báo chí có bề dày truyền thống.

Lịch sử còn ghi, ít ngày trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 28/8/1945, Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã thành lập Bộ Quốc dân kinh tế, tiền thân của Bộ Công Thương ngày nay.

Theo sách 70 năm ngành Công Thương, ngày 2/3/1946, Chính phủ liên hiệp kháng chiến đổi tên Bộ Quốc dân Kinh tế thành Bộ Kinh tế và đến ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương.

Ngay từ những ngày đầu của chính quyền non trẻ đến những ngày kháng chiến trường kỳ giữa chiến khu Việt Bắc, công tác tuyên truyền luôn được Bộ Kinh tế, đơn vị tiền thân của Bộ Công Thương hết sức quan tâm. Tờ tin Mặt trận Kinh tế, một trong những tờ báo tiền thân của Báo Công Thương đã xuất bản hai số đầu tiên cuối năm 1948 giữa chiến khu Việt Bắc, đánh dấu mốc son và bề dày truyền thống vẻ vang của Báo Công Thương, một trong những tờ báo ra đời sớm nhất so với báo chí của các bộ ngành khác.

Nhưng 74 năm đã trôi qua, biết bao thăng trầm, biến cố thời gian, liệu những tờ báo ngày ấy có còn? Suy nghĩ ấy cứ đè nặng lên chúng tôi suốt hành trình từ toà soạn ở phố Phạm Văn Đồng lên thư viện Quốc gia ở phố Tràng Thi. Sau khi xuất trình giấy giới thiệu, nói rõ lý do, mục đích tìm tài liệu, chúng tôi hồi hộp bước vào kho tư liệu.

Nhà báo Cấn Dũng lăm lăm máy ảnh, máy quay phim, mắt chăm chú hướng về phía các đồng chí thủ thư đang tìm kiếm. Anh cũng như chúng tôi rất hồi hộp, cứ hỏi đi hỏi lại: "Có thấy tờ tin Mặt trận Kinh tế không, có thấy tập san Công Thương không?"...

5 phút, 10 phút, rồi 15, 30 phút...cứ chầm chậm trôi qua!

Thấy rồi! Thấy rồi các anh chị ơi! Đã tìm thấy một số tờ tin Mặt trận Kinh tế! - tiếng cô thủ thư vang lên khiến chúng tôi bật dậy, cùng chạy đến. Nhà báo Hồng Gấm run run cầm tập tài liệu lưu trữ. 74 năm, thời gian bằng cả một đời người, vậy mà những số báo đầu tiên tiền thân của Báo Công Thương dù ngả màu thời gian vẫn hiện lên sáng rõ. Chúng tôi xúc động lật từng trang, từng trang như chạm vào những mạch nguồn lịch sử, lịch sử của đất nước những ngày đầu non trẻ và khó khăn, thiếu thốn, lịch sử nghĩ suy, hành động của những lớp tiền bối ngành công thương đã khai thiên lập địa, dựng xây nền móng kinh tế đất nước...

Từ "Mặt trận Kinh tế" đến "mùa xuân kinh tế"

Cũng dễ hiểu vì sao ngày ấy, tờ báo tiền thân của Báo Công Thương lại có một cái tên đầy ý nghĩa, gợi đến chiến trường, đến cuộc chiến thầm lặng cùng cả nước đang trường kỳ kháng chiến và kiến quốc: "Mặt trận Kinh tế".

Thư viện Quốc gia hôm nay vẫn còn lưu trữ được hàng chục số đầu tiên của Tờ tin Mặt trận Kinh tế, nhưng thật đáng tiếc số đầu tiên đã thất lạc, chỉ có từ số 2, xuất bản tháng 12/1948. Giai đoạn đầu tờ tin xuất bản khoảng 2-5 tháng một số, từ tháng 1/1950 tờ tin Mặt trận Kinh tế xuất bản đều đặn tháng một số. Lật giở những số đầu tiên, chúng tôi xúc động thấy đầy ắp những thông tin, như được sống trong mặt trận kinh tế của một thời toàn quốc kháng chiến.

Trang bìa tờ tin Mặt trận Kinh tế số 2 xuất bản tháng Chạp năm 1948.

Tờ tin Mặt trận Kinh tế xuất bản mỗi số từ 16 đến 24 trang, với các trang, mục như: Địa lý kinh tế các tỉnh; ABC Kinh tế học; Trên mặt trận kinh tế có gì lạ?; Nói chuyện kinh tế, Luật kinh tế hiện hành…

Trong trang bìa tờ tin Mặt trận Kinh tế số 2 xuất bản tháng Chạp năm 1948, với 4 câu thơ “Tặng chàng chiếc áo em may/Vải này em dệt, sợi này em xe/ Chàng đi em vội trở về/Thi đua sản xuất lo bề nông trang” đã khắc họa cho người đọc hiểu được toàn bộ nội dung mặt trận kinh tế nước ta thời bấy giờ “tiền tuyến lo đánh giặc, hậu phương chăm lo sản xuất…”.

Trang nhất của tờ tin Mặt trận Kinh tế số 2 trích nội dung bức thư “Hồ Chủ Tịch gửi ngành Tơ sợi Trung ương”: “Gởi ngành Tơ sợi Trung ương Bộ Kinh tế. Cảm ơn các bạn đã gởi biếu tôi bộ áo dừa. Tôi mong các bạn xung phong THI ĐUA ÁI QUỐC làm sao cho ngành Tơ sợi phát triển cho mau, cho tốt, cho nhiều để giải quyết vấn đề mặc cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ của các bạn trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc”.

Trang nhất của tờ tin Mặt trận Kinh tế số 2 lại trích nội dung bức thư “Hồ Chủ Tịch gửi ngành Tơ sợi Trung ương”.

Cũng trong số này, bài viết “Tiến mạnh trên chiến - tuyến sản - xuất” đã viết rất rõ về tầm quan trọng của sản xuất trong thời kỳ bấy giờ. Với nội dung cụ thể: “Sản xuất là căn bản của kinh tế. Không sản xuất thì không buôn bán, không phân phối, không tiêu thụ. Nói hẹp là một nhà, nói rộng là một nước muốn có ăn, có mặc thì phải làm. Một nước muốn sống, muốn tự túc, không nhờ cậy ai thì ít nhất phải tự làm ra đồ ăn, đồ mặc, đồ dùng.

Nước ta trong hoàn cảnh kháng chiến bị phong tỏa cần phải tự túc thì càng phải cố gắng. Trước nhất là làm ra cho có ăn, có mặc và có đồ đề đánh giặc. Vì một số người bận đánh giặc, bận đào hầm cắt đường, bận sản xuất những đồ đánh giặc nên thiếu tay làm; vì vậy cần phải cố gắng sản xuất thật nhiều đồ ăn, thức mặc thì mới mong đủ ăn, đủ dùng… Tăng gia sản xuất theo lối cá nhân năm xưa đã đem lại kết quả thắng giặc đói. Tăng gia sản xuất theo lối làm việc tập thể mà ta cố gắng bắt đầu phát động năm nay sẽ giúp ta mau thắng giặc Pháp xâm lăng…” - Nội dung bài báo đăng.

Đáng chú ý, có nội dung “Bộ trưởng Bộ Kinh tế gửi Hội đồng Sản xuất kỹ nghệ Liên khu 4”: “Nhân dịp đại hội nghị lần thứ sáu của Hội đồng sản xuất kỹ nghệ Liên khu IV, tôi gửi lời chào thân ái các vị tới dự hội nghị và chúc hội nghị đạt được nhiều kết quả tốt để khuếch trương công kỹ nghệ nước nhà, thực hiện chính sách kinh tế kháng chiến kiến quốc”.

Ngoài ra, trong tờ tin số 2 còn có các bài viết: “Đồng bào Nam bộ thi đua sản xuất và tự túc” của tác giả Ngô Lang; hay bài “Vài ý kiến về vấn đề Tiểu công nghệ hóa miền Thương ban Trung châu và Việt bắc”.

Trang nội dung tờ tin Mặt trận Kinh tế số 2 xuất bản tháng Chạp năm 1948.

Ngoài những nội dung về kinh tế, tờ Mặt trận Kinh tế số 2 còn đăng tải những phóng sự ngắn, bài vấn đáp như: “Từ Bờ Lờ… đến Bờ Vờ” của tác giả Lưu Ngọc; hay bài vấn đáp “Bài trừ xa xỉ phẩm trước?” của tác giả Sơn Đạo.

Các chuyên tranh: ABC Kinh tế học; Trên mặt trận kinh tế có gì lạ?; Nói chuyện kinh tế, Luật kinh tế hiện hành… đã cung cấp đầy đủ các thông tin về kinh tế trong nước và quốc tế; pháp luật về kinh tế đến bạn đọc thời bấy giờ.

Cũng nhân dịp ra mắt độc giả, Mặt trận Kinh tế đã mở cuộc thi làm thơ, ca dao, phóng sự về các vấn đề kinh tế và Thi đua phá hoại kinh tế địch.

Số 3 xuất bản tháng Giêng Hai là số Xuân của tờ tin Mặt trận kinh tế. Trên trang nhất số báo này có bài “Năm 1949 trên mặt trận kinh tế chúng ta phải làm gì đây?” của tác giả Bùi Công Trung.

Số 3 xuất bản tháng Giêng Hai là số Xuân của tờ tin Mặt trận kinh tế.

Nội dung bài báo viết: “Tình hình quốc gia và quốc tế đang thuận lợi cho ta, chúng ta bước nhanh trên giai đoạn thứ 2, chúng ta chuẩn bị tổng phản công. Khẩu hiệu năm nay là: Tất cả để chiến thắng. Trong thời kỳ mới của lịch sử, trong giai đoạn mới của thời kỳ kháng chiến, chúng ta phải có một chương trình kế hoạch kinh tế toàn diện. Chương trình kế hoạch ấy phải theo đường lối nào?”.

Tác phẩm “Mùa Xuân kinh tế” của tác giả Xuân Long.

Tác phẩm “Mùa Xuân kinh tế” của tác giả Xuân Long viết: “Xuân đã về trên những bông hoa tươi thắm. Mưa phùn lác đác bay, vạn vật hơn hở trong làn không khí ấm áp của mùa xuân mới. Sau mấy ngày nghỉ tết, từng đoàn nông dân tấp nập ra đồng làm việc, chỗ sới mầu, nơi nhổ cỏ, những câu hát trong vắt của các cô thôn nữ vút trong không gian như giữa lúc thanh bình. Tiếng đe búa ở các lò, các xưởng lanh lảnh vang dội khắp nơi báo trước một ngày mai kiến thiết sán lạn.Nền kinh tế của Việt Nam cũng đi vào một con đường mới. Dưới sự dìu dắt sáng suốt của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam đã thành ra một kinh tế nhân dân, tổ chức và phát triển theo nguyên tắc “bởi dân và vì dân”. Nên Quốc gia có can thiệp vào những tổ chức kinh tế, sự can thiệp đó chỉ có mục đích bảo vệ quyền lợi của Quốc gia và của nhân dân, chứ không phải để cạnh tranh với nhân dân, để bóc lột nhân dân, để phụng sự một nhóm người nào”.

Ngoài ra, trong số báo Xuân này còn có bài viết “Một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng về Bắc Ninh tự túc ăn mặc” nhằm hưởng ứng phong trào thi đua tự túc của Chính phủ; hay tác phẩm “Sự hưng thịnh của chế độ Dân chủ mới và sự suy đồi của Đế quốc chủ nghĩa” cung cấp nhưng con số cụ thể để người dân có thể nắm rõ kinh tế của các nước theo chế độ Dân chủ mới đã phát triển như thế nào và kinh tế của các nước Đế quốc chủ nghĩa đã suy đồi như làm sao…

Tính chiến đấu và... tính kinh tế, tổ chức sự kiện ngay từ số đầu

Có thể thấy ngay trong bối cảnh giữa chiến khu Việt Bắc, thiếu thốn nhiều bề, nhưng tờ báo ngay từ đầu đã thể hiện tính tư tưởng, tính chiến đấu rất rõ với nhiều bài viết mang tính chính luận, phân tích sắc sảo tình hình chính trị, kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong nền kinh tế thời chiến, báo đã tập trung cho nhiệm vụ chính trị hàng đầu là chỉ rõ những mặt trái kinh tế xã hội của chủ nghĩa tư bản và tập trung cho nhiệm vụ trước mắt: Phá hoại kinh tế của địch.

Tờ tin số 1 (theo thông tin đăng trên số 2) cho biết đã ngay lập tức phát động hai cuộc thi gồm:

Cuộc thi “Thi đua phá hoại kinh tế của địch” cho các cá nhân, đơn vị bộ đội, dân quân du kích và đoàn thể trong 3 tháng 11, 12/1948 và tháng 1/1949. Giải nhất sẽ là một chiếc áo quý giá do Hồ Chủ tịch gửi tặng. Giải nhì sẽ là 500 đồng và một sản phẩm nội hoá của Bộ Kinh tế.

Cùng với đó, tờ tin Mặt trận Kinh tế còn tổ chức cuộc thi sáng tác thơ, ca dao, phóng sự về các vấn đề kinh tế với 3 giải thưởng 500 đồng và một sản phẩm nội hoá toà soạn Mặt trận Kinh tế tặng cho 3 tác phẩm hay nhất.

Tờ số 4 xuất bản tháng 3 và tháng 4 với những bài viết nổi bật như “Phá mưu mô giặc Pháp, đánh bại bọn đầu cơ”; “Bài trừ xa xỉ phẩm”; “Nạn hiếm nhân công”; “Nước Phi Luật Tân có được độc lập thật sự hay không?”; “Sự tiến triển của nghề làm giấy”;…

Với tác phẩm “Bài trừ xa xỉ phẩm” điểm nhấn là bài ca dao “Không dùng hàng của địch”: “Răng em trong ngọc trắng ngà/ Tóc em chải chuốt mượt mà có duyên/ Trắng ngà, em đánh than đen/ Mượt mà em chải bấy niên lược sừng/ Yêu anh em nói thưa cùng/ Dùng chi hàng địch thẹn thùng lắm anh!”.

Tác phẩm cũng nêu rõ, Chính phủ cấm xa xỉ phẩm để phá tan mưu giặc, củng cố kinh tế quốc gia, giữ vững giá trị cho đồng bạc Việt Nam. “Nói tóm lại muốn đánh quỵ quân thù, dùng chính trị và quân sự chưa đủ. Phải đánh mạnh về kinh tế nữa. Triệt để bài trừ xa xỉ phẩm tức là đánh một đòn nặng nề để phá tan âm mưu lấy chiến tranh nuôi chiến tranh của địch”, bài báo viết.

Tờ Mặt trận Kinh tế số 11 xuất bản tháng 5/1950, số ra ngày kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ Tịch.

Tờ Mặt trận Kinh tế số 11 xuất bản tháng 5/1950, số ra ngày kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ Tịch. Trên trang bìa số báo này, bài viết “1890 - 1950 Lễ thượng thọ của Hồ Chủ Tịch” có nội dung: “Hồ chủ Tịch trước đây 30 năm, là người Việt Nam đầu tiên thấy rõ muốn giải phóng dân tộc Việt Nam phải có một sự liên kết chặt chẽ với phòng trào thợ thuyền thế giới và phong trào giải phóng của các thuộc địa và bán thuộc địa dưới ách đế quốc chủ nghĩa.

Người cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận thấy nước Việt Nam muốn thoát khỏi tình trạng phụ thuộc về kinh tế tất phải nỗ lực chiến đấu giành độc lập về chính trị. Muốn cuộc chiến đấu có kết quả phải có một Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Năm 1930, Người đứng ra thống nhất các nhóm tiền phong cách mạng của thợ thuyền thành một Đảng tiền phong duy nhất của giai cấp vô sản để lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc và thực hiện dân chủ thực sự.

Năm 1941, đứng trước nạn phát xít thống trị thế giới Người chủ trương lập mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, tập trung và thống nhất moin lực lượng của dân tộc thành một trào lưu mạnh mẽ để đánh bại phát xít chủ nghĩa, và chủ nghĩa thực dân phản động, nhờ đó mà cuộc Cách mạng tháng 8 thành công rực rỡ”.

Trang bìa số 14 xuất bản tháng 8/1950 đã đăng nguyên văn “Lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh độc lập 1950”.

Trang bìa số 14 xuất bản tháng 8/1950 đã đăng nguyên văn “Lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh độc lập 1950”.

“Cùng đồng bào trong và ngoài nước/ Cùng các chiến sĩ Vệ Quốc Quân, bộ đội/ Địa phương và dân quân du kích xã/ Cùng các cán bộ Chính quyền và Đoàn thể/ Cùng các cháu Thanh niên và Nhi đồng.

Lần này là lần thứ 5 chúng ta kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh độc lập. Cuộc kháng chiến của ta cũng đã 5 năm. Chúng ta hãy kiểm điểm qua tình hình trong 5 năm, để ấn định công việc những ngày sắp đến.

Trước ngày Cách mạng tháng 8, chúng ta có 2 kẻ địch trực tiếp là đế quốc Nhật và thực dân Pháp và 1 kẻ địch gián tiếp là phản động Quốc dân đảng Trung Quốc. Nghĩa là sức địch rất to lớn.

Trong ngày Cách mạng tháng 8, chúng ta chưa có chính quyền, chưa có quân đội chính quy, Mặt trận dân tộc còn nhỏ hẹp và bí mật. Nghĩa là sức ta rất thiếu thốn.

Nhưng vì ta khéo lợi dụng điều kiện quốc tế ở ngoài, vì ta khéo đoàn kết và khéo tổng động viên trong nước, cho nên ta đã đổi thế yếu thành thế mạnh, đã thắng 3 kẻ địch, đã đưa Cách mạng đến thắng lợi, độc lập đến thành công”.

Có thể nói, dù đã trải qua gần 75 năm, nhưng những nội dung của tờ Mặt trận Kinh tế vẫn còn vẹn nguyên giá trị với thời gian. Đây cũng là hành trang vô giá cho thế hệ những người làm ngành công nghiệp, thương mại ngày hôm nay phát huy giá trị truyền thống của thế hệ trước để lại.

Nguồn: Công Thương

Tin mới