Trong buổi tọa đàm “Phan Kế An - Kho tàng ẩn giấu” thuộc khuôn khổ triển lãm cùng tên được tổ chức tại Viện Pháp (Hà Nội) cuối tuần qua, con gái thứ của cố họa sĩ, bà Phan Mai Thanh Thúy, chia sẻ nhiều điều về cuộc đời và sự nghiệp của bố với công chúng yêu nghệ thuật.
Kể về giai đoạn họa sĩ Phan Kế An nhận nhiệm vụ ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc, bà Thanh Thúy cho biết: “Trong khoảng 2 tuần, bố đi theo Bác Hồ để ký họa Người trong tất cả các tư thế từ lúc làm việc, nghỉ ngơi, chăm cây, lao động…Lúc ấy Bác Hồ có nói với ông: ‘An cứ tự nhiên nhé, đừng coi mình là lãnh tụ gì cả mà chỉ là một người bình thường thôi’.
Có một câu chuyện vui là mỗi lần vẽ tranh, bố tôi thường được Bác Hồ san sẻ cho ít thuốc lá để hút. Ông rút đi một vài điếu, tích góp vào rồi sau này mang về cho các bạn. Thấy vậy, Bác Hồ nói: ‘Thôi An không cần phải làm như thế’ và đến khi ông về, Bác Hồ đưa ông vài bao thuốc lá để mang cho các bạn. Sau khi bố tôi hoàn thành xong những bức ký họa, Bác Hồ đã mời tất cả mọi người đến để cùng chiêm ngưỡng. Những tác phẩm khi đó đều được kẹp trên một sợi dây và treo ngay tại chiến khu Việt Bắc. Đây cũng là triển lãm đầu tiên của ông, do Bác Hồ tổ chức”.
Bức ký họa “Bác Hồ làm thơ ở Pác Bó” (30/11/1969) của họa sĩ Phan Kế An
Trong dòng ký ức về cha mình, bà Thanh Thúy tâm sự, hồi xưa bà không theo nghề hội họa như bố mong muốn vì nghề này nghèo quá. Bây giờ có thời gian tập vẽ tranh, bà mới mới hiểu, thông cảm và thương bố.
“Thuở bé, tôi thường thấy bố cặm cụi vẽ, mẹ thì chăm sóc bố từ cốc nước. Bố gẩy gẩy vài nét cọ, thỉnh thoảng lại nhấp ngụm bia, lại thuốc lá rồi trầm ngâm ngắm lúc xa lúc gần. Ông sáng tác một cách thong thả chứ không vội vã kiểu kiếm tiền ‘vẽ lấy được thì thôi’ như bây giờ. Có bức tranh vẽ trong vài năm, có bức chỉ một năm nhưng thường thường ông kết thúc bức tranh để trả cho người đặt vào 30 Tết”, con gái cố họa sĩ hồi tưởng.
Bà cho biết, bố mình là người điềm tĩnh, biết kìm nén những cảm xúc nóng giận, uất ức: “Ông thường nói với bạn bè và gia đình rằng, cáu giận cái gì chỉ đúng 15 phút thôi, sau đó phải bình tĩnh trở lại mới có thể sống và làm việc được...
Đối với bố An, cuộc đời như là một cuộc rong chơi, cống hiến nhưng rất đơn giản. Khoảng thời gian vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh, ông có làm mấy câu thơ: 'Thôi thế cũng qua một kiếp người/Thời gian ngang dọc đủ mà chơi/Có không không có phù vân cả/ Nhát cọ đưa nhanh gửi lại đời”..
Bức tranh nổi tiếng “Nhớ một chiều Tây Bắc”.
Bức "Thiếu nữ bên hoa sen".
Chia sẻ góc nhìn của mình về họa sĩ Phan Kế An trong buổi tọa đàm, nhà báo Trương Uyên Ly nói: “Chúng ta hãy hình dung ông ở trong căn nhà kiểu Pháp cổ, xung quanh ông là đồ đạc giản dị, ông có một bể cá bên cạnh. Dù lúc ông có bệnh rồi và không đi lại được nữa nhưng đời sống vẫn rất phong lưu. Ông có một ly rượu vang đặt bên cạnh, tờ báo, bể cá, lọ hoa…Mọi người hãy hình dung về họa sĩ như thế”.
Điều khiến công chúng bất ngờ là một tên tuổi lớn như họa sĩ Phan Kế An mà đến bây giờ mới có một triển lãm cá nhân được tổ chức tại Hà Nội. Con gái họa sĩ giải thích, ngoài lý do điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, một phần cũng vì không tập hợp đủ tranh: “Cứ có bức tranh nào vừa ráo mực là khách hàng đặt tranh lại mang đi hết, trong nhà hầu như không còn gì cả và nhiều khi hẹn trả tranh vào 30 Tết. Đến khi triển lãm, chỉ cần 1-2 bức thôi, bố tôi cũng phải đi mượn. Thậm chí nhiều lãnh đạo muốn mua tranh của bố tôi ở triển lãm nhưng bố tôi trả lời là không bán, vì thực ra có phải của bố tôi đâu, mà đó là tranh của những người bạn đã mua”.
Phan Kế An (1923 –2018) là một trong những cây đại thụ của nền hội họa Việt Nam thế kỷ 20. Ông sinh tại Sơn Tây (Hà Nội), là con của cụ Phan Kế Toại (Khâm sai đại thần của Chính phủ Trần Trọng Kim, sau Cách mạng Tháng Tám giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Họa sĩ Phan Kế An từng là sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, một trong những thành viên đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông là người đầu tiên được ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và là họa sĩ vẽ biếm họa nổi tiếng của báo Sự Thật. Ông thành công ở thể loại tranh sơn mài, sơn dầu, nổi tiếng nhất là bức Nhớ một chiều Tây Bắc được vẽ vào mùa đông năm 1950. Ngoài hội họa, Phan Kế An còn giỏi viết văn, làm thơ, viết báo.
Họa sĩ Phan Kế An.
Vì những đóng góp cho nền nghệ thuật Việt Nam, Phan Kế An được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật năm 2001.
Triển lãm “Phan Kế An – Kho tàng ẩn giấu” tổ chức tại Viện Pháp (Hà Nội) từ ngày 11/3 đến 16/4 sẽ giới thiệu chuỗi di sản nghệ thuật của họa sĩ, bao gồm các tác phẩm hội họa đa chất liệu, các tác phẩm học tập và nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Repin (Liên Xô cũ) và những ký họa văn nghệ sĩ, danh nhân nửa cuối thế kỷ 20. Tất cả đều được gia đình bảo quản, lưu giữ cẩn trọng qua nhiều năm tháng tới tận ngày nay.