Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mất bao lâu để vaccine COVID-19 kích hoạt hệ thống miễn dịch?

Sau liều vaccine đầu tiên, cơ thể cần thời gian để kích hoạt hệ thống miễn dịch nên nguy cơ lây nhiễm của người được tiêm vẫn rất cao.

Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy sau 4 tuần kể từ liều đầu tiên, vaccine COVID-19 có thể bảo vệ, giúp giảm nguy cơ phải nhập viện. Hai tuần sau liều thứ 2, cơ thể đã tạo được khả năng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2.

Điều này có nghĩa vaccine giúp bảo vệ khỏi bệnh nặng và nguy cơ tử vong rất lớn. Chúng cũng giảm đáng kể khả năng xuất hiện các triệu chứng của COVID-19. Hơn thế, các loại vaccine này giảm khả năng nhiễm virus và lây cho người khác. Một vài bằng chứng gần đây cho thấy số lượng virus được tạo ra không đủ nhiều để có thể lây cho người khác, tuy nhiên vẫn còn cần nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Có sự khác biệt về vaccine mRNA (Pfizer, Moderna) và vaccine vector virus (AstraZeneca), nhưng cả hai đều cần một khoảng thời gian tương tự để tạo ra kháng thể phản ứng. Khi các nhà nghiên cứu theo dõi phản ứng của kháng thể với liều vaccine đầu tiên, họ nhận thấy phải mất ít nhất 10 ngày để hệ thống miễn dịch bắt đầu tạo ra các kháng thể có thể nhận diện protein gai của SARS-CoV-2. Đây là một loại protein trên bề mặt virus mà nó sử dụng để xâm nhập vào các tế bào trong cơ thể chúng ta.

Chúng cũng phải mất ít nhất một tuần để tế bào T, loại tế bào bạch cầu quan trọng trong phản ứng miễn dịch, bắt đầu phản ứng với vaccine. Các phản ứng này sẽ mạnh dần trong vài tuần sau đó.

TP.HCM tổ chức đợt tiêm chủng diện rộng với hơn 800.000 liều vaccine trong 7 ngày. (Ảnh: Zing)

Ngược lại, sau khi tiêm liều thứ hai, hệ thống miễn dịch được kích hoạt nhanh hơn, nồng độ kháng thể tăng gấp 10 lần chỉ trong một tuần. Bạn được tăng khả năng và thời gian bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm bệnh.

Vì vậy, liều đầu tiên của vaccine COVID-19 tạo đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, liều thứ hai là điều cần thiết để đảm bảo khả năng miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài hơn.

Sau liều vaccine đầu tiên, cơ thể cần thời gian để kích hoạt hệ thống miễn dịch nên trong vòng 2, thậm chí là 3 tuần, nguy cơ lây nhiễm của người được tiêm vẫn rất cao. Nhiều báo cáo ghi nhận bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 sau liều đầu tiên. Các nhà nghiên cứu không hề ngạc nhiên với điều này. Kể cả khi đã tiêm đủ 2 liều, bạn vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh dù xác suất này không nhiều.

Trong hai ngày liên tiếp (24-25/6), điểm tiêm vaccine lớn nhất TP.HCM tại nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) liên tục trong tình trạng đông đúc, không đảm bảo các nguyên tắc 5K. Sự việc này rất nguy hiểm. Trường hợp có người mang virus ở trong đám đông sẽ dễ dàng lây nhiễm cho những người khác đứng gần đó. Với người vừa được tiêm, do hiệu lực của vaccine chưa được kích hoạt, virus sẽ xâm nhiễm, nhân lên trong những người này. Họ sẽ lây nhiễm tiếp cho người khác trong cộng đồng.

Đến nay, các biến chủng mới của COVID-19 tiếp tục xuất hiện trong khi hiệu quả các loại vaccine đang được nghiên cứu và cập nhật. Hiện nay, Việt Nam chưa đạt được đủ số lượng người tiêm chủng cần thiết trong cộng đồng. Do đó, nguy cơ lây nhiễm vẫn chưa thể giảm xuống.

Vì vậy, dù bạn tiêm phòng vaccine COVID-19 hay chưa, hãy tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa như duy trì thông điệp "5K: Khẩu trang -Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế". Đây chính là biện pháp cấp thiết hơn cả vaccine trong cuộc chiến chống dịch.

Nguồn: Zing News

Tin mới