Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mang thai, sinh con khi đã lên chức bà nội, bà ngoại

(VTC News) -

Gần đây, nhiều trường hợp sản phụ mang thai, sinh con khi ngoài 50 tuổi, đều đã lên chức bà nội, bà ngoại.

Tháng 7/2023, bác sĩ Nguyễn Trung Đạo, khoa Sản bệnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mổ sinh cho một sản phụ 50 tuổi, quê Sơn La. Bé trai chào đời nặng 3,6kg, khoẻ mạnh, sức khoẻ mẹ cũng ổn định.

Theo bác sĩ Đạo, sản phụ đã lên chức bà ngoại gần hai năm nay. Cách đây vài tháng, khám sức khỏe định kỳ, bà ngỡ ngàng khi bác sĩ thông báo mang thai 18 tuần. Để giữ thai, hai vợ chồng tuổi ngũ tuần phải vượt qua nhiều khó khăn về sức khỏe, tinh thần.

Mang thai sau tuổi 35 có thể gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: BV 354)

Bác sĩ Đạo cũng từng đỡ đẻ thành công cho các sản phụ 47-48 tuổi mang thai tự nhiên, nhưng trên 50 thì rất hiếm. "Tuổi ngoài 50 buồng trứng đã suy giảm rất nhiều, gần như khó để mang thai", bác sĩ Đạo nói. Độ tuổi cùng với chất lượng trứng kém khiến thai nhi đối diện nguy cơ dị tật cao, quá trình mang thai khó khăn dễ gây sảy thai, thai lưu, đẻ non, nhẹ cân, thai chậm tăng trưởng.

Khi mãn kinh, phụ nữ không thể mang thai. 3-5 năm trước thời kỳ này, họ thường trải qua giai đoạn tiền mãn kinh với nhiều rối loạn về thể chất, nội tiết, tâm sinh lý. Phụ nữ giai đoạn này có sự thay đổi về chu kỳ và tính chất của kinh nguyệt. Chu kỳ bị rối loạn, vòng kinh thay đổi, ít dần, kéo dài và thưa dần, có thể bị rong kinh hoặc cường kinh.

Giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ hoàn toàn có thể mang thai, vì thế không nên chủ quan, vẫn cần thực hiện các biện pháp tránh thai phù hợp. Trường hợp có biểu hiện mất kinh, trễ kinh, nên thử thai và đến bác sĩ chuyên sản phụ khoa khám.

Tháng 4/2023, Bệnh viện 354 Hà Nội cũng đỡ đẻ thành công cho người phụ nữ 51 tuổi, quê Bắc Giang, đã có cháu nội. Thai phụ này cảm thấy bất thường trong bụng, đi khám thì phát hiện thai đã ở tuần thứ 22.

Ngoài các trường hợp phụ nữ lớn tuổi có thai tự nhiên kể trên, gần đây tại các bệnh viện cũng ghi nhận nhiều phụ nữ mang thai và sinh con ở độ tuổi 50 – 60 nhờ y học hiện đại. Điển hình như trường hợp sản phụ sinh năm 1963, quê Hải Phòng.

Vợ chồng người phụ nữ này đã có hai con, một trai, một gái. Con lớn đang định cư ở nước ngoài, người con trai không may tai nạn qua đời năm 20 tuổi. Sau biến cố của con trai, vợ chồng bà mong có thêm con bên cạnh khi về già. Do lớn tuổi nên bà khó có khả năng mang thai tự nhiên.

Năm 2022, khi bà ở tuổi 59, chồng ở tuổi 62, hai người đến bệnh viện để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm IVF. Bà đậu thai sau lần chuyển phôi thứ 2. Thai kỳ diễn ra thuận lợi, ngày 1/6/2023 người phụ nữ chuyển dạ, mổ đẻ tại bệnh viện. Bé gái nặng 3,1 kg chào đời khoẻ mạnh.

Theo ThS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, phụ nữ 60 tuổi nằm trong độ tuổi mãn kinh, vì thế không thể mang thai tự nhiên. Cách duy nhất để phụ nữ trong độ tuổi này mang thai là xin trứng và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ châu Âu sau 35 tuổi chất lượng trứng suy giảm, còn ở châu Á phụ nữ sau 30 tuổi chất lượng trứng bắt đầu sụt giảm.

Các bác sĩ khuyến cáo, từ 20 đến 30 tuổi là giai đoạn vàng về sức khoẻ, kinh tế, tri thức để sinh con khoẻ mạnh. Tuy nhiên, chúng ta không cổ vũ phụ nữ mang thai quá sớm, trước 18 tuổi bởi tăng nhiều yếu tố nguy cơ.

Từ sau 30 tuổi, khả năng có thai của người phụ nữ sẽ giảm dần và đến 45 tuổi giảm rất nhanh, chất lượng trứng giảm theo tháng. Rất nhiều chị em trong nhóm tuổi này mong con nhưng rất khó khăn. Thực tế có rất nhiều trường hợp thất bại, không thể có con bằng chính trứng của mình, buộc phải xin trứng mới có thể có con.

AN BÌNH

Tin mới