Bộ trưởng Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm Malaysia, ông Datuk Seri Ronald Kiandee nói các biện pháp như bãi bỏ một số hạn chế, mở cửa nhập khẩu và tạm ngừng xuất khẩu thịt gà để ổn định nguồn cung trong nước đã "có hiệu quả".
"Tại thời điểm này, chúng tôi đang chứng kiến tình trạng dư thịt gà khiến giá gà trên thị trường thấp hơn giá trần", ông nói hôm 1/8.
(Ảnh minh họa: Reuters)
Theo Bộ trưởng, thời điểm này, Malaysia có thể sản xuất lượng thịt gà lên tới 106% tỉ lệ tự cung tự cấp. Ông nói thêm: “Chúng tôi có khả năng xuất khẩu thịt gà".
Theo Datuk Kiandee, chính phủ Malaysia sẽ xem xét giá trần thịt gà và phê duyệt cho phép xuất khẩu thịt gà sau khi việc thực hiện giá trần gần nhất kết thúc vào ngày 31/8. Malaysia áp đặt lệnh cấm xuất khẩu thịt gà tạm thời từ ngày 1/6 để ổn định nguồn cung và giá cả trong nước.
Lệnh cấm được đưa ra sau khi có khiếu nại về tình trạng thiếu nguồn cung và giá gà tăng, một số thương nhân bán gà của họ trên giá trần để bù đắp chi phí.
Để giải quyết vấn đề giá gà tăng, chính phủ Malaysia đã đặt mức giá trần mới là 9,40 RM/kg (gần 50.000 đồng) đối với thịt gà tiêu chuẩn từ ngày 1/7.
Các công ty trong ngành chăn nuôi gia cầm của Malaysia đã thúc giục chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thịt gà, cho rằng nếu không họ sẽ bị thua thiệt trên thị trường Singapore.
Đáp lại lệnh cấm xuất khẩu, Singapore, quốc gia nhập khẩu khoảng 1/3 nguồn cung gà từ Malaysia, đã thông báo rằng họ sẽ mua gà từ những nơi khác bao gồm Indonesia và Thái Lan. Vào ngày 30/6, Cơ quan Thực phẩm Singapore đã phê duyệt Indonesia là nguồn cung cấp thịt gà đông lạnh, ướp lạnh và chế biến mới, bổ sung vào danh sách hơn 20 quốc gia được công nhận bao gồm Brazil, Thái Lan và Australia.
Năm 2021, Malaysia cung cấp gần 73.000 tấn thịt gà cho Singapore.
Dù vậy, sau khi dỡ bỏ lệnh cấm, chỉ có một số loại gà tại Malaysia được xuất khẩu trở lại như gà đen và gà kampung. Lệnh cấm đối với gà thịt thương mại, chiếm phần lớn nhất trong nhập khẩu gà của Singapore từ Malaysia, vẫn còn hiệu lực.