Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mạ vàng là gì?

(VTC News) -

Mạ vàng là quá trình phủ một lớp vàng mỏng lên bề mặt của các vật liệu khác như bạc, đồng hoặc kim loại khác để tạo ra các sản phẩm trang sức sáng bóng, sang trọng.

Quá trình này thường được thực hiện bằng cách sử dụng các kỹ thuật điện phân hoặc hóa học, do nhà hóa học người Ý, Luigi Brugnatelli phát minh vào năm 1805. Trong quá trình mạ điện phân, những vật cần mạ phải là vật nhiễm điện, được gắn với cực âm catôt. Những kim loại mạ vàng được gắn với cực dương của nguồn điện.

Mạ vàng là kỹ thuật phủ vàng lên bề mặt của đồ vật. (Ảnh minh hoạ).

Hiện nay có rất nhiều công nghệ mạ vàng: Mạ điện phân, mạ Nano, mạ sơn hiệu ứng, mạ PVD, mạ hóa học…

Mạ vàng điện phân: Công nghệ mạ điện phân được thực hiện trong bể dung dịch chứa vàng và thông qua dòng điện dựa trên nguyên tắc điện hoá: dùng dòng điện để các nguyên tử vàng bám vào âm cực (sản phẩm cần mạ). Phương pháp này giúp vàng bám đều trên bề mặt, mang lại độ bóng đẹp cao cho sản phẩm.

Mạ vàng Nano: Thường được sử dụng cho các vật liệu không cần nhiễm điện. Vì vậy, mạ Nano rất phù hợp khi cần mạ những đồ vật kích thước lớn, khó di chuyển như mạ kiến trúc, nhà…Tuy nhiên, phương pháp này rất tốn kém về nguyên liệu và nhân lực.

Mạ vàng PVD: Phương pháp này sử dụng một chất lớp phủ nhiều tầng gồm các kim loại, hợp kim khác như nhôm, titan, thép…để tạo nên tông màu giống vàng. Bằng công nghệ này, người ta có thể tạo ra những màu sắc mong muốn bằng cách kết hợp với các kim loại khác nhau.  Ví dụ, ZnN cho ra màu vàng sáng – màu vàng ý, CrC cho ra màu xám, màu vàng hồng, màu xanh nước biển. Các sản phẩm mạ PVD thường không sử dụng vàng thật.

Bạn có thể bắt gặp các sản phẩm nhìn như mạ vàng thật tại các khách sạn, phòng khách, căn hộ… Các sản phẩm thường được mạ PVD bao phổ biến như tay nắm cửa, thang máy, tay vịn cầu thang, xe đẩy, các vật dụng trang trí trong gia đình. Tuy nhiên đó chỉ là màu sắc nhìn như vàng, chứ không phải là lớp mạ vàng thật.

Mạ sơn hiệu ứng: Công nghệ mạ sơn hiệu ứng bao gồm 5 lớp lót, gương tráng, phủ vàng sau đó sơn nhũ vàng lên sản phẩm. Công nghệ này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí nhưng không giữ được những chi tiết nhỏ tạo nên độ sắc nét của sản phẩm.

Quy trình mạ vàng

Chuẩn bị bề mặt: Trước khi mạ vàng, bề mặt của vật liệu cần được làm sạch hoàn toàn để loại bỏ bất kỳ bụi bẩn, dầu mỡ hoặc các tạp chất khác.

Mạ nền: Một lớp mạ nền được áp dụng lên bề mặt vật liệu, thường là một lớp mạ đồng hoặc nickel, để tăng cường độ bám của lớp mạ vàng chính.

Mạ vàng chính: Sau khi có lớp mạ nền, lớp mạ vàng chính được áp dụng bằng cách sử dụng các phương pháp điện hóa hoặc hóa học.

Tinh chỉnh: Sau khi mạ vàng chính, quá trình tinh chỉnh có thể được thực hiện để tạo ra một bề mặt mạ vàng mịn và sáng bóng.

Phân biệt mạ vàng và dát vàng

Nhiều người nhầm lẫn giữa kỹ thuật mạ vàng và dát vàng. Thực chất, đây là hai kỹ thuật khác nhau và cũng cho ra các sản phẩm có độ hoàn thiện, độ bền khác nhau:

Khác với mạ vàng là dùng công nghệ hiện đại để phủ lớp vàng lên sản phẩm thì dát vàng là sử dụng những lá vàng (14k, 18k hoặc 24k) được cán rất mỏng để dát vào sản phẩm một cách thủ công.

Mức độ hoàn thiện cũng như thẩm mỹ phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của thợ thủ công trong khi các sản phẩm mạ vàng thường có bề mặt trơn mịn và láng bóng, độ bền cao hơn so với dát vàng.

PHƯƠNG NAM (Tổng hợp)

Tin mới