Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lý do TP.HCM khó giải ngân gần 17.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

(VTC News) -

TP.HCM có 3 nhóm dự án với tổng vốn gần 17.000 tỷ đồng dự báo không thể giải ngân trong năm 2023 gồm chống ngập do triều, bồi thường và một số dự án ở TP Thủ Đức.

Thông tin trên được Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai trao đổi trong buổi thảo luận tại hội trường kỳ họp HĐND TP.HCM sáng 7/12. 

Theo bà Mai, năm 2023, tổng vốn đầu tư công của TP.HCM là hơn 68.000 tỷ đồng. Đây là số vốn cao nhất từ năm 2014 đến nay.

Tính đến ngày 6/12, thành phố đã giải ngân 35.157/68.638 tỷ đồng, đạt tương đương hơn 51% kế hoạch. 

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM.

TP.HCM đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cải cách về thể chế và thực hiện các quy định để tháo gỡ các vướng mắc liên quan thủ tục đầu tư, tăng trách nhiệm các đơn vị được giao đầu tư công. Đồng thời, tăng cường phân quyền, rút bớt các quy trình trong thủ tục đầu tư.

Thành ủy và HĐND TP.HCM cũng tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát các công trình để đôn đốc địa phương, chủ đầu tư và các cơ quan ban ngành cùng vào cuộc.

Hồi tháng 10 vừa qua, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề, thống nhất nhiều giải pháp để tăng tốc trong những tháng còn lại. Ngay sau đó, UBND TP.HCM phát động đợt thi đua 60 ngày với mục tiêu giải ngân số vốn cao nhất có thể và không thể thấp hơn 80%.

Dù vậy, qua rà soát, còn 3 nhóm khó khăn vướng mắc lớn, khó giải ngân hết trong năm 2023. Cụ thể, nhiều dự án chưa tính toán kỹ phương án giải phóng mặt bằng, còn 5.440 tỷ đồng khó giải ngân. 

Tương tự, nhóm thứ hai là các dự án trên địa bàn TP Thủ Đức cũng vướng mắc, chủ yếu về giải phóng mặt bằng, chiếm 5.683 tỷ đồng. 

Thứ ba là dự án chống ngập do triều. Năm nay, TP.HCM bố trí vốn 5.771 tỷ đồng nhưng cũng chưa thể giải ngân do các vướng mắc thuộc thẩm quyền Trung ương.

"3 nhóm này có tổng số vốn 16.900 tỷ đồng, chiếm 25% tổng số vốn năm 2023 toàn TP.HCM", bà Mai cho hay.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai cho rằng giải ngân đầu tư công không chỉ phụ thuộc vào chủ đầu tư mà còn có sự phối hợp chặt chẽ các sở ngành, thủ tục hành chính, bồi thường giải phóng mặt bằng.

"Vốn bồi thường lớn nên cần đồng thuận của người dân trong chính sách bồi thường và tái định cư. Sự đồng hành của người dân sẽ góp phần vào đầu tư công của TP.HCM", bà Mai nói thêm.

Hoàng Thọ

Tin mới