Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lý do Mỹ quyết rút quân khỏi Afghanistan dù biết trước các rủi ro an ninh

(VTC News) -

Bối cảnh chính trị trong nước khiến Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan sau cuộc chiến kéo dài gần 20 năm, bất chấp vô số rủi ro về an ninh và nhân đạo.

Cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan là cuộc chiến ở nước ngoài dài nhất của Mỹ trong thế kỷ 21, trải qua 4 đời tổng thống Mỹ, bắt đầu từ Chiến dịch bảo vệ tự do vào tháng 10/2001 thời Tổng thống George W. Bush. Người kế nhiệm Barack Obama tiếp tục chiến dịch này và số lượng binh sỹ Mỹ tại Afghanistan lên tới 100.000 người vào năm 2010.

Sau khi tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, Mỹ bắt đầu giảm dần số binh sỹ tại Afghanistan. Chính quyền sau đó của Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh rút hàng nghìn binh sỹ về nước, thậm chí muốn rút toàn bộ lực lượng trước Giáng sinh năm 2020 nhưng đã không thực hiện được điều này.

Trước thời điểm Tổng thống Joe Biden tuyên bố lộ trình rút quân hồi tháng 4/2021, Mỹ có khoảng 2.500 binh sỹ tại Afghanistan.

Mỹ sẽ hoàn tất quá trình rút quân khỏi Afghanistan trong tháng 8/2021. Ảnh: ABC News

Mỹ rút quân dù biết trước các rủi ro an ninh

Theo cây bút Gerald F. Seib của Wall Street Journal, Mỹ đã không “chiến thắng” trong cuộc chiến chống lại các phần tử cực đoan Taliban, nhưng Washington tạo ra sự ổn định (ít nhất bề ngoài có vẻ là như vậy) và đảm bảo quyền lực không rơi vào tay cho Taliban cùng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan chống phương Tây của lực lượng này.

Gắn liền với bức tranh đó là những rủi ro rất dễ thấy khi Mỹ rút khỏi quốc gia Nam Á này. Những rủi ro đó bắt đầu với khả năng cao là sự sụp đổ cuối cùng của một chính phủ thân Mỹ, quân đội Afghanistan, từ đó dẫn tới việc Taliban có thể sẽ trở lại nắm quyền kiểm soát. Hệ lụy của điều này là Afghanistan có thể một lần nữa trở thành nơi trú ẩn an toàn và là trung tâm hoạt động cho các nhóm Hồi giáo cực đoan, bao gồm cả al Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng... – những nhóm khủng bố vẫn luôn muốn gây tổn hại tới các lợi ích của Mỹ.

Sự quay trở lại quyền lực của Taliban cũng có khả năng tạo ra một thảm họa nhân đạo, bao gồm việc trả thù nhằm vào những người Afghanistan ủng hộ Mỹ và những người chống lại chế độ Hồi giáo cực đoan, đồng thời đảo ngược những lợi ích, tiến bộ đáng kể mà phụ nữ Afghanistan đạt được trong những năm gần đây.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cho rằng, “chừng nào Mỹ vẫn còn là nước ủng hộ tự do và dân chủ, việc Taliban trở lại kiểm soát Afghanstan sẽ giống như một bước lùi đáng kể, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Cũng có cả chi phí chiến lược trong việc Mỹ rút khỏi Afghanistan. Sự hiện diện của Mỹ ở các vị trí chiến lược tại Afghanistan, bao gồm cả ở căn cứ không quân lớn ở Bagram, đã giúp ngăn chặn Iran ở phía Tây và Trung Quốc ở phía Đông. Hơn nữa, các căn cứ của Mỹ ở Afghanistan cũng cung cấp nền tảng cho lực lượng tình báo theo dõi tốt hơn các hoạt động trong khu vực. Cùng với việc Mỹ rút khỏi đây, nền tảng đó cũng sẽ biến mất.

Lầu Năm Góc tuần trước cho biết việc rút quân sẽ hoàn tất vào cuối tháng 8, sớm hơn vài tuần so với dự kiến khi Tổng thống Biden tuyên bố các lực lượng sẽ rút hết vào dịp kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố ngày 11/9/2001 nguyên nhân thúc đẩy Mỹ đưa quân tới Afghanistan.

Cuối tuần trước, lực lượng Mỹ đã rút khỏi Bagram, căn cứ không quân lớn nhất ở Afghanistan vào ban đêm mà không thông báo cho chỉ huy mới của căn cứ này. Thậm chí căn cứ này đã bị “bỏ không” và bị cướp phá trước khi lực lượng Afghanistan tới tiếp quản.

Quân đội Mỹ không ghi nhận thương vong nào ở Afghanistan kể từ tháng 2/2020, tức là 16 tháng liên tiếp. Vì thế, chi phí hữu hình của việc tiếp tục đồn trú ở quốc gia Nam Á này, với ở mức quân số đã giảm đáng kể, sẽ tương đối thấp.

Trong khi đó, những rủi ro vô hình của việc rút quân, trên cơ sở nhân đạo cũng như chiến lược, lại tương đối cao. Các đánh giá tình báo mới đây cho rằng, chính phủ Afghanistan có thể sụp đổ trong vòng 6 tháng sau khi Mỹ hoàn tất quá trình rút quân khỏi nước này. Trong khi đó, lực lượng Taliban cũng đã chiếm được hàng chục quận ở miền Bắc Afghanistan.

Vậy điều gì khiến Mỹ vẫn quyết định rút quân dù lường trước được nguy cơ bạo lực gia tăng cùng sự trở lại của các nhóm vũ trang, đặc biệt là Taliban?

Mỹ chỉ theo đuổi mục tiêu riêng ở Afghanistan?

Mỹ có thể  sẵn sàng tiếp tục hiện diện quân sự đáng kể ở châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ để duy trì sự ổn định, nhưng lại không sẵn sàng làm điều tương tự ở Afghanistan.

Thứ nhất, về mặt tài chính, chi phí ngân sách cho việc tiếp tục duy trì binh sỹ ở Afghanistan vẫn rất đáng kể, nhất là khi thâm hụt liên bang đang tăng vọt. Về mặt con người, không có gì đảm bảo tổn thất của quân Mỹ vẫn sẽ duy trì ở mức thấp như thời gian qua.

Các cuộc tấn công của Taliban nhằm vào binh lính Mỹ giảm xuống là do một thỏa thuận hòa bình được ký kết vào tháng 2/2020 tại Doha, Qatar, trong đó kèm theo điều khoản Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan. Nếu Mỹ không thực hiện, các cuộc tấn công có thể sẽ quay trở lại. Không giống như ở châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, ở Afghanistan luôn có một bộ phận đáng kể phản đối gay gắt sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Điều mà Mỹ muốn là “chiến thắng” trong bất cứ thách thức nào, dù là quân sự hay khía cạnh khác, chứ không phải là cứ mãi “tiếp tục cuộc chơi”. Tuy nhiên trên thực tế, một chiến thắng quân sự ở Afghanistan lại thực sự khó nắm bắt. Thậm chí, phần lớn các nhà phân tích từ lâu đã kết luận rằng điều đó là không thể. Bất kỳ “chiến thắng” nào ở Afghanistan cũng sẽ là chính trị, chứ không phải quân sự.

Mặt khác, theo ông Nazif Mohib Shahrani, giáo sư về Trung Đông và Trung Á tại trường nghiên cứu quốc tế và toàn cầu, Đại học Indiana, Mỹ không thất bại trong các mục tiêu của mình ở Afghanistan vì Washington theo đuổi các lợi ích riêng hơn là hòa bình cho Afghanistan.

“Mỹ ở đó là để bảo vệ lợi ích của chính họ - đáp trả cho các vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, tiêu diệt Al-Qaeda chứ không phải là đem lại hòa bình và và sự điều hành hiệu quả ở Afghanistan, họ không coi đó là một thất bại”, ông Shahrani nói.

Theo giáo sư Shahrani, Mỹ “chỉ làm những gì có lợi cho chính mình”. Ông viện dẫn kinh nghiệm chiến tranh mà các binh sỹ Mỹ có được cũng như cơ hội để Mỹ thử nghiệm các loại vũ khí. Mỹ từng triển khai bom chùm GBU-43/B, loại bom phi hạt nhân lớn nhất mà Mỹ từng sử dụng trong các cuộc xung đột, ở tỉnh Nangarhar hồi tháng 4/2017.

“Ngành công nghiệp quốc phòng [Mỹ] có thêm nhiều việc làm. Vậy thất bại ở đâu? Afghanistan mới là bên nhận lấy thất bại và sự tàn phá”, ông Shahrani nói.

Khủng bố không còn là thách thức hàng đầu đối với nước Mỹ. Do đó, Afghanistan cũng không còn là ưu tiên của Mỹ nữa và bất cứ quyết định nào kéo dài thời gian triển khai lực lượng tại đây cũng khó được chấp nhận về mặt chính trị.

Hoàng Phạm (VOV.VN)

Tin mới