Theo báo cáo do Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, doanh số toàn thị trường Việt Nam trong tháng 2 đạt 23.040 xe, tăng trưởng 33% so với tháng đầu năm.
Trong số đó, doanh số của xe du lịch (16.970 xe), xe thương mại (5.760 xe) và xe chuyên dụng (300 xe) đều tăng trưởng tốt so với kỳ báo cáo tháng 1. Mức tăng trưởng lớn nhất thuộc về xe chuyên dụng, trong khi doanh số xe du lịch cũng cao hơn 21% so với tháng đầu năm.
Sức mua ô tô có phần cải thiện trong tháng 2.
Nhiều khuyến mại
Trở lại tháng đầu năm, thị trường ô tô Việt Nam từng bất ngờ lao dốc với doanh số toàn ngành chỉ đạt 17.314 xe, giảm 51% so với tháng 12/2022 và thấp hơn 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau cú ngã bất ngờ về doanh số trước thềm Tết Nguyên đán, nhiều hãng xe cũng như đại lý đã triển khai hàng loạt chương trình ưu đãi thông qua nhiều hình thức khác nhau, với tổng giá trị tối đa cả trăm triệu đồng.
Thời điểm đó, chương trình ưu đãi 100% phí trước bạ mà Honda triển khai cho City và CR-V đã bước sang tháng thứ ba. Nhờ chương trình hỗ trợ kéo dài, doanh số của 2 mẫu xe này liên tục ở mức tốt. Trong số đó, Honda City đang tạm vươn lên trở thành mẫu sedan hạng B bán chạy thứ hai thị trường Việt Nam, xếp sau Hyundai Accent.
Song song với đó, nhiều mẫu xe sản xuất trong năm 2022 cũng được các đại lý triển khai ưu đãi với hình thức hỗ trợ phí trước bạ, đưa giá xe thực tế xuống thấp hơn giá niêm yết từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Nhờ hàng loạt ưu đãi kể trên, không ít mẫu xe đã ghi nhận sức bật doanh số khá đáng kể trong tháng 2. Có thể liệt kê một số đại diện nổi bật như Toyota Vios (tăng gấp 3 doanh số), Mazda CX-5 (tăng trưởng 144,5%) hay Mitsubishi Xpander (tăng trưởng 102,4%).
Dù chỉ đạt sức tiêu thụ 101 xe trong tháng 2, Mitsubishi Pajero Sport lại sở hữu mức tăng trưởng hơn 1.100%, cao nhất toàn thị trường ô tô Việt Nam. Nhờ vậy, mẫu xe này đã thoát khỏi nhóm ô tô bán chậm nhất tháng.
Nguồn cung dồi dào
Các báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng lượng ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước ước đạt 52.000 xe trong 2 tháng đầu năm. Đồng thời, báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc vào nước ta trong cùng kỳ đã đạt 26.780 xe, giá trị kim ngạch ở mức 570 triệu USD.
Tính chung, thị trường ô tô nước ta đã được bổ sung thêm 78.780 xe mới. Nguồn cung dồi dào không những là cơ sở để các hãng xe, đại lý mạnh tay ưu đãi nhằm kích thích thị trường mà còn đảm bảo phục vụ mọi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng ở giai đoạn sau Tết Nguyên đán.
Tuy vậy, báo cáo bán hàng của VAMA lại phản ánh sức mua hiện tại của thị trường ô tô nước ta vẫn tương đối trầm lắng.
So sánh với kỳ báo cáo 2 tháng đầu năm ngoái, doanh số ô tô lắp ráp trong nước tại Việt Nam chỉ đạt 20.518 xe, sụt giảm 38%. Trong khi đó dù chịu mức giảm 3%, doanh số ô tô nhập khẩu cũng chỉ đạt 19.836 xe.
Điều này dẫn đến thực trạng mất cân bằng cung-cầu của thị trường ô tô Việt Nam. Hiện tại, cán cân này nghiêng khá nhiều về phía cung khi thị trường ô tô nước ta đang “dư” 38.426 xe.
Vẫn tồn tại thách thức
Mới đây, Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/3.
Động thái này diễn ra sau khi VAMA cùng với Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Ninh Bình có văn bản gửi đến Thủ tướng, các Bộ Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan, trong đó kiến nghị, đề xuất Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất và lắp ráp nội địa.
Đề xuất triển khai chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô lắp ráp trong nước.
Ngoài ra, Thông tư 02 vừa có hiệu lực từ 22/3 cũng mở ra cơ hội phục hồi cho thị trường ô tô trong nước. Cụ thể, các ô tô mới có thời gian lưu kho dưới 2 năm sẽ được miễn kiểm định lần đầu, đồng thời được hưởng chu kỳ kiểm định mới kéo dài 36 tháng.
Trao đổi với Zing, nhiều nhân viên bán hàng tại các đại lý ô tô cho biết dù chi phí lăn bánh chỉ giảm 250.000 đồng, việc rút ngắn quy trình hoàn thiện hồ sơ nhờ miễn đăng kiểm lần đầu được kỳ vọng sẽ giúp người mua cảm thấy hứng khởi hơn.
Ngoài ra, việc kéo dài chu kỳ kiểm định cho ô tô không đăng ký kinh doanh cũng khiến số lần đăng kiểm trong 7 năm đầu sử dụng được rút ngắn xuống còn 2 thay vì tổng cộng 4 lần như quy định cũ.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực vừa nêu, thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn trở ngại khá lớn mang tên lãi suất cho vay.
Qua trao đổi, các nhân viên bán hàng tiết lộ lượng khách hàng chọn mua ô tô theo hình thức trả góp chiếm tỷ trọng khá lớn, có thể lên đến 60% tại một đại lý.
Do đó khi lãi suất cho vay mua ô tô chưa thể kéo xuống thấp như hiện tại, nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự lo ngại trước khi đưa ra quyết định chi tiền để sở hữu ô tô.
Ngoài ra, báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước ta đã tăng thêm 0,45% so với tháng trước.
Sức ép về chi phí sinh hoạt do vậy cũng trở thành yếu tố khiến không ít khách hàng Việt băn khoăn trước khi chi một khoản tiền lớn để mua sắm ô tô.