Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vaccine cứu sống 3 triệu người mỗi năm. Chúng không chỉ dành cho trẻ em, mà người lớn cũng nên tiêm phòng.
Đây là một trong những điều quan trọng mà bạn có thể làm để bảo vệ bản thân tránh khỏi những căn bệnh nguy hiểm, thậm chí một số căn bệnh gây chết người. Đồng thời, bạn cũng có thể bảo vệ những người không thể tiêm vaccine do một số vấn đề sức khỏe hoặc các yếu tố khác.
Để duy trì một sức khỏe tốt, các chuyên gia chia sẻ trên kênh Bright Side về một số loại vaccine khuyến cáo mỗi người nên tiêm phòng khi trưởng thành nhằm hạn chế tối đa sự tác động bởi những căn bệnh có thể gây nguy hiểm.
1. Cúm
Virus cúm thay đổi thường xuyên và không ai có thể đoán trước được mức độ nguy hiểm của nó. Đó là lý do tại sao các chủng vaccine mới được ra đời, phát triển mỗi năm. Tiêm phòng cúm hàng năm có thể bảo vệ bạn chống lại căn bệnh này.
Các triệu chứng của bệnh cúm thường gặp như: Ho, đau họng, sốt, chảy nước mũi, nhức đầu và mệt mỏi.
Bệnh cúm có thể đặc biệt nguy hiểm đối với một số người như những người có tình trạng sức khỏe liên quan đến bệnh phổi mãn tính hoặc bệnh tiểu đường, phụ nữ có thai và người từ 65 tuổi trở lên.
2. Virus u nhú ở người
HPV là một trong những căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục phổ biến nhất. Nó có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung, cũng như các loại ung thư khác và mụn sinh dục.
Thuốc chủng phòng ngừa HPV có hiệu quả nhất khi bạn khoảng 11-12 tuổi, tốt hơn ở lứa tuổi trước giai đoạn quan hệ tình dục lần đầu.
Tuy nhiên, nếu bạn qua độ tuổi này và đã quan hệ tình dục, bạn vẫn nên tiêm phòng. Vaccine ngăn ngừa HPV thường được tiêm 3 liều trong khoảng thời gian 6 tháng.
3. Phế cầu
Nhiễm trùng phế cầu có thể gây viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Để ngăn ngừa các bệnh này, các chuyên gia khuyến cáo những người từ 65 tuổi trở lên nên đi tiêm phòng.
Nếu đang trong độ tuổi từ 19 đến 64 tuổi, bạn nên cân nhắc việc tiêm phòng nếu bạn có các yếu tố nguy cơ nhất định.
Chúng bao gồm các bệnh mãn tính, các tình trạng làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn, điển hình như HIV/AIDS và ung thư, cấy ghép ốc tai điện tử hoặc rò rỉ dịch não tủy, hen suyễn và hút thuốc.
4. Uốn ván, bạch hầu, ho gà (Tdap, Td vaccine)
Uốn ván là một căn bệnh gây ra những cơn co cứng cơ gây đau đớn và có thể gây chết người. Bệnh bạch hầu có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp, tim và tê liệt. Ho gà gây ra những cơn ho dữ dội có thể kéo dài hàng tuần và thậm chí có thể dẫn đến gãy xương sườn.
Nếu bạn chưa từng tiêm vaccine Tdap (hoặc DTaP khi còn nhỏ) thì bạn cần phải tiêm chủng ngừa này. Sau đó, bạn cần tiêm một liều tăng cường Tdap cứ 10 năm/lần.
Nếu đang mang thai, bạn nên tiêm Tdap trong quý 3 của thai kỳ để bảo vệ thai nhi tránh khỏi những bệnh này.
5. Zona thần kinh
Bệnh zona thần kinh thường được gọi tắt là zona, là một bệnh phát ban trên da gây đau đớn với các nốt phồng rộp. Nó sẽ biến mất sau 2-4 tuần, nhưng đối với một số người, cơn đau có thể kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm.
Tình trạng này được gọi là đau thần kinh zona (PHN-Postherpetic neuralgia) và đây là biến chứng phổ biến nhất của căn bệnh này. Khi bạn già đi, nguy cơ mắc bệnh zona và PHN sẽ cao hơn. Nếu bạn từ 50 tuổi trở lên, bạn nên đi tiêm phòng.
Bệnh có thể xảy ra nhiều lần, vì vậy cần phải tiêm phòng ngay cả khi bạn đã bị bệnh zona trước đó.
6. Thủy đậu
Thủy đậu là một căn bệnh rất dễ lây lan. Các biến chứng có thể bao gồm viêm phổi, tổn thương não và nhiễm trùng da.
Nếu bạn chưa bao giờ bị thủy đậu, chưa từng chủng ngừa hoặc chỉ tiêm một lần, bạn nên tiêm 2 liều vaccine thủy đậu. Đặc biệt, điều này khá quan trọng đối với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ em.
7. Sởi, quai bị và rubella
MMR (viết tắt của bệnh sởi (measles), quai bị (mumps) và rubella) là một loại vaccine phòng ngừa 3 loại bệnh trên.
Bệnh sởi có thể gây viêm phổi, tổn thương não, thậm chí tử vong. Quai bị có thể dẫn đến điếc, viêm màng não và viêm não. Còn rubella có thể dẫn đến viêm dây thần kinh.
Các chuyên gia khuyến cáo, người lớn nên tiêm ít nhất một liều vaccine MMR. Một số đối tượng nhất định như sinh viên đại học, những người đi du lịch nước ngoài và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, nên tiêm đủ 2 liều.
8. Viêm màng não mô cầu
Bệnh viêm màng não mô cầu vô cùng nguy hiểm đến tính mạng, trong một số trường hợp có thể gây tử vong hoặc dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương não.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo nên tiêm chủng phòng ngừa cho những người bị tổn thương lá lách, HIV, những người đi du lịch đến các quốc gia có bệnh phổ biến và sinh viên đại học năm thứ nhất sống trong khuôn viên trường.
9. Viêm gan A và B
Viêm gan A là một bệnh về gan. Bạn có thể mắc bệnh nếu ăn phải đồ ăn hoặc uống nước bị nhiễm bệnh hoặc do tiếp xúc với người bị bệnh.
Bạn cần tiêm chủng ngừa viêm gan A nếu phát hiện một số yếu tố nguy cơ, ví dụ như bạn đi du lịch đến các quốc gia - nơi có bệnh này phổ biến hoặc tiếp xúc trực tiếp với những người mắc bệnh.
Viêm gan B cũng là một bệnh về gan. Bạn có thể bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch cơ thể khác của người bị bệnh.
Tiêm phòng là điều đặc biệt quan trọng đối với những người thường xuyên tiếp xúc với máu tại nơi làm việc và những người sống chung với người bị nhiễm bệnh.