Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ung thư da: Cách tự phát hiện triệu chứng sớm nhờ quan sát nốt ruồi bất thường

(VTC News) -

Ung thư da là căn bệnh nguy hiểm, nhưng có thể chữa trị được nếu phát hiện sớm nhờ tầm soát ung thư chỉ với những dấu hiệu nhỏ nhất.

Theo Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ, ung thư da có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và là loại ung thư phổ biến nhất ở Mỹ. Một số bệnh ung thư da, như ung thư tế bào hắc tố thường gặp ở nam giới hơn so với nữ giới. Mặc dù ung thư hắc tố là loại ung thư gây tử vong cao nhất trong các loại ung thư da, nhưng nếu được phát hiện sớm thì có thể chữa khỏi.

Gặp bác sĩ da liễu để tầm soát ung thư da thường xuyên có thể giúp bạn phát hiện các dấu hiệu ban đầu của ung thư da. Phát hiện và điều trị ung thư da sớm giúp bạn có nhiều cơ hội giảm hoặc phòng tránh các biến chứng của bệnh ung thư da do không được điều trị.

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Bạn nên tự kiểm tra cơ thể mình mỗi tháng. Khi kiểm tra, hãy quan sát tất cả các vùng da trên cơ thể, bao gồm da đầu, bẹn, bàn tay và bàn chân. Bằng cách đó, bạn có thể dễ dàng nhận thấy những thay đổi trên cơ thể mình như một chiếc nốt ruồi mới hoặc sự thay đổi nốt ruồi bất kỳ, các đốm màu đỏ, các vết ngứa, chảy máu, vết loét không lành...

Trước khi gặp bác sĩ, bạn cũng nên trao đổi vấn đề này với các thành viên trong gia đình (cha mẹ, anh chị em hoặc con cái) và hỏi về tiền sử ung thư da, đặc biệt là những khối u ác tính vì u ác tính có thể di truyền.

Khi đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ da liễu có thể hỏi bạn một số câu hỏi như thời gian bạn phát hiện những thay đổi trên da, các triệu chứng thường gặp, tiền sử gia đình, thói quen chăm sóc da hàng ngày như bôi kem chống nắng hay từng bị cháy nắng khi tắm nắng...

Quy trình khám sàng lọc ung thư da

Khám sàng lọc ung thư da thường mất từ ​​10 - 15 phút, tùy từng trường hợp.

Khi bắt đầu khám, bác sĩ da liễu sẽ kiểm tra hết các vùng da từ đầu xuống ngón chân của bệnh nhân. Nếu nhận thấy bất kỳ nốt tiền ung thư (dày sừng quang hóa) nào, các bác sĩ sẽ điều trị các nốt đó bằng nitơ lỏng. Trong trường hợp phát hiện những vết tổn thương nặng hơn, bác sĩ sẽ tiến hành làm sinh thiết.

Nếu sau khi kiểm tra và không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến ung thư da, buổi kiểm tra sẽ kết thúc.

Tại sao phải làm sinh thiết?

Sinh thiết là một xét nghiệm y khoa thường được thực hiện bằng phẫu thuật, với mục đích lấy mẫu tế bào hoặc mô từ một tổn thương được chẩn đoán rằng có khả năng chứa tế bào ung thư. Không phải ai được chỉ định làm sinh thiết cũng đồng nghĩa họ bị ung thư da.

Mẫu sinh thiết sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi và phân tích hóa học để tìm ra sự hiện diện của các tế bào ung thư.

Để bắt đầu qua trình sinh thiết, bác sĩ sẽ gây tê khu vực này bằng cách tiêm chất gây tê tại chỗ. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng một lưỡi dao sắc hoặc một công cụ chuyên dụng để cắt hoặc cạo các tế bào tổn thương đó.

Kết quả sinh thiết thường có trong khoảng thời gian 2 tuần. Nếu đã hơn 2 tuần mà bạn vẫn chưa nhận được phản hồi từ bác sĩ, bạn có thể gọi đến bệnh viện để hỏi về kết quả của mình.

Nên đi khám bác sĩ da liễu bao lâu một lần?

Bạn nên kiểm tra ung thư da ít nhất mỗi năm một lần, đặc biệt nếu nghi ngờ mình có nhiều nguy cơ mắc ung thư da.

Bạn có thể thực hiện tầm soát ung thư da khi khám sức khỏe hàng năm để nắm rõ được tình hình sức khỏe tổng thể của mình. Nếu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư da như tế bào đáy hoặc tế bào vảy, bạn nên đi khám 6 tháng một lần.

Nếu được chẩn đoán mắc bệnh u ác tính, bạn sẽ cần kiểm tra da toàn thân 3 tháng một lần trong vài năm.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư da

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư da, bao gồm:

  • Tuổi cao
  • Màu da sáng hoặc da dễ bị bỏng
  • Mắt có màu xanh lam hoặc xanh lục
  • Tóc vàng hoặc hơi đỏ
  • Có nhiều nốt ruồi trên cơ thể
  • Tiền sử gia đình mắc u ác tính hoặc ung thư da khác (cha mẹ hoặc anh chị em từng bị ung thư da)
  • Từng đi nhuộm da
  • Từng điều trị ung thư bằng xạ trị
  • Suy giảm miễn dịch.

Theo nghiên cứu, người từng bị cháy nắng có có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư da.

Mặc dù màu da sáng hơn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, nhưng những người có làn da sẫm màu cũng có thể bị ung thư da. Đó là lý do tại sao điều quan trọng đối với tất cả mọi người là phải khám da thường xuyên, hạn chế thời gian tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và thường xuyên thoa kem chống nắng.

Làm thế nào để giảm nguy cơ ung thư da?

Dưới đây là một số cách giúp phòng ngừa nguy cơ ung thư da:

  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nên hạn chế tiếp xúc với mặt trời trong thời gian từ 10h sáng đến 4h chiều - khi tia nắng mặt trời hoạt động mạnh nhất.
  • Mặc áo chống nắng khi ra ngoài. Nên chuẩn bị thêm mũ cùng kính râm để hạn chế tia nắng.
  • Bôi kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 15 trở lên. Tránh kem chống nắng hóa học chứa các thành phần có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác. Thoa lại kem chống nắng sau 2 tiếng.
  • Không sử dụng thiết bị thuộc da trong nhà (bao gồm việc sử dụng một thiết bị phát ra bức xạ tia cực tím để tạo ra làn da rám nắng thẩm mỹ) khiến bạn tiếp xúc trực tiếp với tia UV. Bạn càng rám nắng, bạn càng làm tổn thương da và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da.

Nên làm gì nếu thấy xuất hiện nốt ruồi hoặc vết tàn nhang mới bất thường?

Hãy đi kiểm tra ngay nếu thấy các nốt ruồi hoặc tàn nhang mới có dấu hiệu:

  • Không đối xứng: Các đốm không tròn hoặc không đối xứng có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư da.
  • Đường viền xung quanh khu vực có vết răng cưa hoặc bất thường.
  • Màu sắc không giống nhau trên cùng 1 vết. Các khu vực có nhiều sắc nâu, đen hoặc rám nắng có thể cho thấy dấu hiệu của bệnh ung thư da đáng lo ngại.
  • Đường kính các nốt ruồi hoặc tàn nhang lớn hơn khoảng 6mm. Các đốm có đường kính lớn hơn mức này nhiều khả năng phát triển thành ung thư, đặc biệt nếu chúng tiếp tục lan rộng.
  • Phát triển to ra. Vết tàn nhang hoặc nốt ruồi lớn hơn có thể là kết quả của sự phát triển không đều của các tế bào ung thư.

Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy những dấu hiệu dưới đây:

  • Vết thương không lành
  • Tự chảy máu
  • Có màu hồng, có vảy và không khỏi
  • Phát triển bất thường

Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh ung thư da không phải khối u ác tính, chẳng hạn như tế bào đáy hoặc tế bào vảy.

Bạn cũng có thể trao đổi với bác sĩ về bất cứ điều gì bạn thấy có liên quan đến bệnh ung thư da, kể cả khi thấy những vết nốt ruồi hay tàn nhang trên người không có những biểu hiện trên.

Bảo Anh (Theo Healthline)

Tin mới