Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lực lượng an ninh đột kích trong đêm, biểu tình càng lớn hơn ở Myanmar

(VTC News) -

Người biểu tình Myanmar tuyên bố sẽ có các cuộc biểu tình lớn sau đợt đột kích trong đêm của quân đội nhằm vào các quan chức thuộc đảng của bà Aung San Suu Kyi.

Những người biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar đã tuyên bố sẽ có các cuộc biểu tình lớn sau khi quân đội tăng cường trấn áp và đột kích trong đêm nhằm vào các quan chức thuộc đảng của bà Aung San Suu Kyi.

Hàng chục nghìn người ra đường tại Myanmar hôm 7/3, một trong những ngày biểu tình lớn nhất phản đối cuộc đảo chính hồi tháng trước.

Người biểu tình Myanmar tạo lá chắn tại Nyaung-U. (Ảnh: Reuters)

Cảnh sát đã dùng hơi cay và lựu đạn gây choáng ở thị trấn Lashio phía Bắc của đất nước, theo video trực tiếp được đăng trên Facebook. Một nhân chứng cho biết cảnh sát nổ súng để giải tán một cuộc biểu tình ở thị trấn Bagan nhưng không rõ họ sử dụng đạn cao su hay đạn thật.

Cuộc biểu tình lớn nhất là ở thành phố Mandalay, nơi những người biểu tình dành hai phút im lặng để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng. Đám đông hô vang: "Đừng phục vụ quân đội".

Các cuộc biểu tình ở khoảng 6 thành phố khác diễn ra trong hòa bình. Tại thị trấn Bắc Okkalapa, Yangon, cuộc biểu tình mang "hương vị" âm nhạc khi các nghệ sĩ guitar, tay trống và các ca sĩ mặc áo phông in hình bà Suu Kyi và hát.

Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi xác nhận một số quan chức bị bắt trong các cuộc đột kích trong đêm, nhưng không rõ số lượng.

Nghị sĩ NLD Sithu Maung đăng trên Facebook rằng lực lượng an ninh đêm 6/3 đã tìm kiếm đảng viên U Maung Maung tại nhà của ông nhưng không tìm thấy ông.

"Anh trai của U Maung Maung đã bị cảnh sát và binh lính đánh đập và bị treo ngược lên vì không có ai để bắt giữ", nghị sĩ này nói.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Myanmar trong khi đó cảnh báo các nhà lập pháp liên quan đến một nhóm - được gọi là Ủy ban đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw, vốn tự xưng là chính phủ được bầu hợp pháp của Myanmar - rằng họ đang phạm tội "phản quốc" và có thể bị kết án tử hình hoặc 22 năm tù giam.

Ông Maung Saungkha, người biểu tình tại Yangon cho biết có các cuộc biểu tình phối hợp trên nhiều thành phố và khu vực vào 7/3. "Chúng tôi sẵn sàng chết vì đất nước của mình", ông nói với AFP.

"Tình hình hiện tại còn tồi tệ hơn trước. Vậy chúng tôi nên chấp nhận tình trạng này hay chiến đấu? Lần này chúng tôi phải chiến đấu để giành chiến thắng. Chúng tôi tin rằng chiến đấu cùng với thế hệ trẻ sẽ giúp chúng tôi chiến thắng".

Người Myanmar trước trụ sở văn phòng Liên hợp quốc ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: Reuters)

Hôm 6/3, các phương tiện truyền thông nhà nước Myanmar thông báo rằng nếu các công chức tiếp tục đình công, họ sẽ bị sa thải từ ngày 8/3. Chính phủ đang thúc đẩy các ngân hàng mở cửa trở lại vào ngày này.

Nhưng những người biểu tình khẳng định họ sẽ tiếp tục thách thức chính quyền trong hai ngày tới.

Mỹ và một số nước phương Tây khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar. Trong khi đó, Trung Quốc cho biết ưu tiên hiện tại nên là ổn định và các nước khác không nên can thiệp.

Những người biểu tình yêu cầu quân đội trả tự do cho bà Suu Kyi và tôn trọng cuộc bầu cử vào tháng 11 - mà đảng của bà đã giành chiến thắng. Quân đội cho biết họ sẽ tổ chức bầu cử dân chủ vào một ngày khác chưa xác định.

Myammar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2, khi quân đội bắt giữ bà Suu Kyi và khiến quần chúng phản đối bằng hàng loạt các cuộc biểu tình quy mô lớn.

Liên hợp quốc cho biết ít nhất 38 người bị bắn chết khi lực lượng an ninh giải tán đám đông hôm 3/3, một số người bị bắn vào đầu. Ít nhất 54 người chết kể từ cuộc đảo chính, hơn 1.700 người bị bắt giữ.

Người biểu tình phản ứng khi cảnh sát dùng hơi cay tại Yangon. (Ảnh: EPA-EFE)

Người biểu tình tại Mandalay. (Ảnh: EPA-EFE)

Lực lượng an ninh Myanmar cầm tấm chắn tại Nyaung-U. (Ảnh: Reuters)

Người biểu tình tránh hơi cay ở Mandalay. (Ảnh: Reuters)

(Ảnh: Reuters)

Phương Anh

Tin mới