Không có nghỉ hè, không có tiếng trống tựu trường, cũng không có tiếng chuông báo hiệu bắt đầu giờ học, nhưng cứ đúng 18h hằng ngày, khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (quận 1, TP.HCM) lại rộn ràng tiếng các bệnh nhi gọi nhau í ới, tiếng cây truyền dịch lách cách theo những bước chân nhỏ xinh đến lớp học.
Lớp học của những niềm vui
Một buổi chiều tháng 9, chúng tôi tìm đến lớp học của chị Lê Thị Mai (50 tuổi) tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Đồng 2. Trong không gian rộng chừng 16m2. Chị Mai cùng các bạn tình nguyện viên đang cần mẫn lau dọn, sắp xếp bàn ghế để chuẩn bị chào đón những học sinh đặc biệt đến lớp.
Gọi là “đặc biệt” bởi các em đều là những “chiến binh đầu trọc” khi chỉ đang tuổi ăn tuổi ngủ đã phải chống chọi từng ngày, từng giờ với căn bệnh ung thư quái ác.
Các bệnh nhi tại lớp học của khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Đồng 2. (Ảnh: NVCC)
Tranh thủ xếp gọn vài quyển sách trong tủ, chị Mai khẽ nói với các bạn tình nguyện viên: “Chút nữa các bạn chuẩn bị cho chị một phần quà gồm sách, bút màu, sữa tươi, sữa bột, gối kê đầu và gấu bông nhé. Hôm nay trong lớp có một cô bé đến ngày sinh nhật đấy”.
17h30, phòng học đã được sắp xếp bàn ghế, đồ dùng học tập. Phía ngoài, dù chưa đến giờ học nhưng nhiều em nhỏ cùng bố mẹ đã đến chật cửa với sự háo hức hiện rõ trên khuôn mặt.
Sợ có em quên giờ học, chị Mai gọi một bạn tình nguyện viện lại và dặn dò: “Chinh ơi, em đến các phòng gọi các bé chuẩn bị tới lớp nhé”.
Đang ngồi trên giường bệnh, nghe thấy tiếng “thầy giáo” gọi đi học, cô bé Bùi Nguyễn Linh An (11 tuổi, ngụ Kon Tum) vội vàng tụt xuống dưới giường, nhanh nhảu nói: “Bố ơi con đi học đây, đến giờ vào lớp rồi ạ”. Nói xong, Linh An vội đến các giường bệnh xung quanh để rủ các bạn khác cùng đi.
Thấy con háo hức đến lớp, bố Linh An dặn dò: “Khi nào mệt thì về nghỉ con nhé, đến giờ truyền thuốc bố sẽ qua đón”. Biết bố lo lắng, Linh An tươi cười đáp lại: “Con nhớ rồi, đi học vui lắm, con không mệt chút nào cả”.
Với Linh An, được tiếp tục đi học là một điều hạnh phúc.
Đúng 18h lớp học bắt đầu, gần 20 em học sinh quây quần quanh các dãy bàn. Cứ 3 - 4 em sẽ được một tình nguyện viên tận tình hướng dẫn, cầm tay đưa từng nét chữ. Thỉnh thoảng lại có những cái nhíu mày nhăn nhó khi cơn đau chợt đến.
Đôi bàn tay nhỏ xinh còn cắm kim truyền đang chăm chỉ luyện chữ, tập làm văn, Linh An thỏ thẻ với chúng tôi: “Mẹ con là cô giáo dạy Văn nên con thích học môn này nhất. Hôm 5/9 buổi sáng con được đến trường khai giảng, chiều phải lên xe khách để xuống bệnh viện truyền thuốc. Con thèm được đi học như các bạn lắm”.
Khi được hỏi về ước mơ sau này, nữ “chiến binh nhí” khẽ xoa tay lên phần đầu đã rụng hết tóc vì xạ trị, trầm ngâm một lúc rồi trả lời: “Con ước mơ lớn lên sẽ trở thành công an và sau này có thể lo cho ba mẹ. Tại từ ngày con bệnh, ba mẹ vất vả lắm”.
Đối với các bệnh nhi tại đây, "Lớp học vui vẻ" như một đợt "hoá trị" tinh thần, đem lại nguồn an ủi, động viên rất lớn.
Đúng như tên gọi “Lớp học vui vẻ”, mặc dù còn hơi chật chội, thiếu thốn nhưng không vì thế mà ngăn được nụ cười, niềm hạnh phúc của các em nhỏ nơi đây khi được cầm trên tay cuốn sách, cây bút, được tập đọc, tập viết, vẽ tranh tô màu…
Niềm vui trong lớp học đặc biệt này không chỉ đến từ tiếng nói cười của trẻ thơ mà còn là những giọt nước mắt xúc động của các ông bố, bà mẹ khi nhìn thấy con của mình được hồn nhiên vui chơi, tới lớp như bao đứa trẻ khác.
“Cô hiệu trưởng” của những bệnh nhi ung thư
Trò chuyện với chúng tôi, chị Mai cho biết suốt nhiều năm, chị cùng các thành viên của câu lạc bộ Nét chữ xinh thường xuyên đi thăm, tặng quà cho các em nhỏ tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Cảm thương với những em nhỏ phải nghỉ học giữa chừng để chữa bệnh cùng những lời tâm sự "con muốn đi học" của các em, chị Mai cùng các tình nguyện viên quyết tâm mở lớp học ngay trong khoa Ung Bướu và nhận được sự ủng hộ của đội ngũ y bác sĩ.
Sau khi trình kế hoạch cho Ban Giám đốc bệnh viện và được đồng ý, chị Mai cùng 10 tình nguyện viên tự tay thu dọn, sơn sửa, làm kệ tủ và mua sắm từng quyển tập, cây bút, cục gôm... Sau gần 3 tháng, phòng bệnh đã trở thành lớp học và được ấp ủ với nhiều hy vọng.
Những học sinh đặc biệt trong lớp học ở bệnh viện.
Cuối tháng 12/2017, chị Mai cùng các “chiến binh nhí” đã có buổi lên lớp đầu tiên. Để đảm bảo từng em đều được quan tâm, chăm sóc, chị quy định mỗi lớp chỉ tối đa 30 em và dạy từ thứ Hai đến thứ Sáu vào khung giờ 18h - 20h. Hai ngày cuối tuần, chị Mai sẽ dành để dạy kỹ năng và cho các em vui chơi.
Thương các “chiến binh nhí” vừa học, vừa đeo dây truyền dịch khá bất tiện, chị Mai đã dành thời gian tìm hiểu và chọn mua những loại sách vở phù hợp để giảm tải sức đọc, sức viết cho các em cho dù giá thành cao hơn nhiều so sách vở thông thường.
“Biết có lớp học tại khoa, các em đã tự giác xếp hàng ở phía ngoài chờ để được vào lớp. Một số em khỏe còn vào phụ dẹp bàn ghế cùng các cô. Thương lắm”, chị Mai nói.
Theo chị Mai, lớp học được tổ chức nhằm tạo sự thoải mái, vui vẻ, giảm áp lực tâm lý và bệnh lý cho các bệnh nhi nên không nhất thiết phải theo chương trình SGK của Bộ GD&ĐT. Đến với lớp, ngoài học Tiếng Việt, Toán và Ngoại ngữ, các em sẽ được dạy thêm các kỹ năng trong cuộc sống, học âm nhạc, học hát, học vẽ... tùy thuộc vào sở thích và khả năng của từng bạn nhỏ.
Chị Mai (áo xanh) luôn tự nhận mình may mắn khi nhận được sự ủng hộ, góp sức từ gia đình, mạnh thường quân và các tình nguyện viên... (Ảnh: NVCC)
Chia sẻ thêm về những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình dạy học, chị Mai cho biết có nhiều em ngại đến lớp vì bị rụng tóc. Để động viên các em, chị đã tự cắt đi một phần mái tóc dài của mình và kêu gọi mọi người cùng hiến tóc, làm thành những bộ tóc giả từ tóc thật, giúp các bệnh nhi tự tin hơn khi đến lớp.
“Mấy đứa nhỏ thường gọi tôi là cô hiệu trưởng. Bởi các em bảo đã là trường học thì phải có hiệu trưởng, thế là tôi vui lắm. Có những bệnh nhi may mắn bình phục cũng thường xuyên gọi điện khoe kết quả học tập và kể về cuộc sống của mình với tôi. Thấy các con vượt qua bệnh tật và trưởng thành, đó là điều tôi mãn nguyện nhất”, chị Mai kể.
Chị Mai (bên trái) luôn đều đặn tổ chức sinh nhật cho các bệnh nhi tại khoa Ung Bướu.
Nhìn lại hành trình nhiều năm đứng lớp, chị Mai khiêm tốn nói mình chưa làm được gì nhiều, chỉ mong “còn sức khỏe để tiếp tục dạy cho các em nhỏ”. Bởi với chị, niềm vui mỗi ngày là nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ khi biết đọc, biết viết, biết tính những bài toán đơn giản đầu đời.
Ròng rã suốt 5 năm qua, “cô hiệu trưởng” của các bệnh nhi ung thư vẫn lặng lẽ làm cái việc mà một số người gọi là "bao đồng” và “không có tương lai”. Nhưng với chị Mai, sự “bao đồng” này khiến chị thấy tự hào và hạnh phúc. Và hơn thế nữa, cái “không có tương lai” này cũng đã và đang giúp các em nhỏ vốn chỉ biết đến sự đau đớn của kim tiêm, dịch truyền được thả hồn trong thế giới tuổi thơ vô tư, trau dồi kiến thức và tận hưởng những phút giây bên bạn bè một cách hạnh phúc và trọn vẹn nhất.
Dành thời gian và tâm huyết cho lớp học, chị Mai cũng nhận được không ít món quà tinh thần từ ba mẹ và học sinh. Khi thì mấy quả bơ, túm gạo nương, lúc thì mớ cá biển, chục trứng gà... Nhưng nhiều nhất có lẽ là những bức tranh đầy cảm xúc mà các em nhỏ tay vẫn còn thâm tím vết tiêm truyền vẽ tặng chị.
Mỗi bức tranh, nét vẽ của học sinh đều được chị cất giữ cẩn thận.
Ngoài việc dạy học, chị thường xuyên phối hợp với bệnh viện và mạnh thường quân tổ chức các hoạt động trong những dịp lễ Tết, nhằm tạo không gian cho các bệnh nhi được vui chơi. Bên cạnh đó, chị còn xây dựng một bếp yêu thương để nấu những món ăn hỗ trợ dinh dưỡng, dành riêng cho các bệnh nhi ung thư. Chị cũng phối hợp với nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng 24/24 thực hiện các chuyến xe 0 đồng đưa các em nhỏ kịp về quê nhà trong những giây phút cuối cùng.
Việc làm tình nghĩa của chị Mai đã ngày càng lan tỏa khi có nhiều tình nguyện viên sát cánh cùng chị duy trì lớp học để mang đến những niềm vui, gieo những ước mơ cho các em nhỏ nơi đây.