Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vừa thi hành kỷ luật nguyên Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - Trung tướng Nguyễn Quang Đạm cùng hàng loạt lãnh đạo đơn vị này bằng các hình thức từ khiển trách đến khai trừ Đảng. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị Ban Bí thư kỷ luật Tư lệnh Cảnh sát biển cùng 8 tướng lĩnh khác.
Những cán bộ này được đánh giá là gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tổn hại uy tín của tổ chức đảng và quân đội, gây bức xúc trong cán bộ, chiến sĩ.
Trả lời VTC News, ông Lê Việt Trường - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng những sai phạm của lực lượng Cảnh sát biển là cực kỳ nghiêm trọng, không chỉ tổn hại đến uy tín quân đội mà còn cả hình ảnh quốc gia.
Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
- Ông đánh giá thế nào khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vừa kỷ luật, đề nghị kỷ luật một loạt tướng lĩnh cấp cao của Cảnh sát biển Việt Nam?
Tôi cho rằng đây là việc làm rất cần thiết và kịp thời của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Điều này một lần nữa cho dư luận thấy được không có "vùng cấm" trong đấu tranh xử lý vi phạm, như quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khẳng định.
Trước đây những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh thông thường nhiều người cho rằng “nhạy cảm”, có nhiều yếu tố đòi hỏi cần thiết phải có cách thức riêng.
Thế nhưng hiện nay chúng ta thấy lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại trừ những nội dung, kế hoạch, phương án thuộc phạm vi tuyệt mật, tối mật theo quy định của pháp luật thì các hoạt động còn lại đều phải tuân thủ quy định chung.
Tôi cho rằng Uỷ ban Kiểm tra Trung ương lần này xem xét, kết luận kỷ luật cũng như đề nghị kỷ luật một loạt vị giữ các chức vụ cao nhất của Cảnh sát biển Việt Nam là rất cần thiết, để bảo đảm không có "vùng cấm", làm trong sạch lực lượng, ngay cả những lực lượng có tính chất, môi trường đặc thù như Cảnh sát biển Việt Nam.
- Ông vừa nói đến môi trường hoạt động đặc biệt của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, môi trường mà vốn nhân dân, báo chí cũng như các lực lượng khác gần như không thể có thông tin để góp phần giám sát hoạt động, thưa ông?
Cảnh sát biển hoạt động trên môi trường đặc thù là trên biển, mà đã trên biển thì tức là lực lượng đó độc lập thực hiện các quy định của pháp luật.
Cho nên nếu không tăng cường các biện pháp thì môi trường này rất dễ để xảy ra trường hợp làm trái quy định của pháp luật. Không thể chỉ phụ thuộc vào sự trung thực và bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên và người đứng đầu.
Môi trường đặc thù, trọng trách lớn, phạm vi hoạt động rộng, nếu không có phương thức để tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát thì rất khó để quản lý và giữ được cán bộ, chiến sỹ, rất khó để bảo đảm họ thực thi công vụ đúng pháp luật mà không để xảy ra chuyện này chuyện kia.
- Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra một loạt vi phạm của những người đứng đầu lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Phải chăng đây là những sai phạm lớn và chưa có tiền lệ, thưa ông?
Khi chúng ta khi mới thành lập lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, chúng tôi là người đầu tiên giúp việc cho Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khoá IX, thẩm tra pháp lệnh Cảnh sát biển để thành lập lực lượng này.
Khi đó, chúng ta cũng đặt rất nhiều hy vọng, niềm tin vào lực lượng Cảnh sát biển để tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển.
le viet truong.jpeg
Phải kỷ luật số lượng cán bộ lớn trong một thời gian rất ngắn với một lực lượng tuổi đời chưa nhiều như Cảnh sát biển thì đây là việc vô cùng đau xót và nghiêm trọng.
Ông Lê Việt Trường
Ban đầu lực lượng Cảnh sát biển được đặt nằm trong thành phần của Hải quân, khi còn khó khăn về lực lượng, phương tiện cũng như con người. Sau đó khi lực lượng này tương đối phát triển, có thể đảm đương được sức mạnh của mình thì họ được chuyển về trực thuộc trực tiếp Bộ Quốc phòng, không còn dưới sự quản lý của Hải quân nữa.
Lực lượng Hải quân là lực lượng vũ trang được sử dụng vào vấn đề khác. Khi xử lý vấn đề trên biển mang tính chất dân sự hay hình sự hành chính thì phải có lực lượng chấp pháp theo thông lệ quốc tế.
Khi thành lập lực lượng Cảnh sát biển, Nhà nước đã giao họ trọng trách rất lớn cùng với kỳ vọng và tin tưởng rất nhiều. Tuy nhiên, rõ ràng việc giao và tin tưởng là một chuyện, vấn đề là phải kiểm tra, giám sát.
Chúng ta thấy Cảnh sát biển là lực lượng có tuổi đời chưa nhiều, chỉ mới được thành lập từ năm 1998 mà đến nay đã phải kỷ luật đội ngũ cán bộ lớn.
Phải kỷ luật số lượng cán bộ lớn trong một thời gian rất ngắn với một lực lượng tuổi đời chưa nhiều như Cảnh sát biển thì đây là việc vô cùng đau xót và nghiêm trọng.
Đây là lần đầu tiên những vi phạm lớn như thế này được phát hiện ở lực lượng cảnh sát biển, tôi cho rằng công tác thanh kiểm tra ở một giai đoạn dài có thể hơi lỏng lẻo.
- Bên cạnh việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng chỉ ra những vi phạm của nhiều cán bộ, lãnh đạo Cảnh sát biển trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư, trang bị kỹ thuật và trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển, thưa ông?
Cảnh sát biển là lực lượng chấp pháp trên biển. Cảnh sát biển không trực tiếp làm kinh tế mà tham gia, phối hợp cùng các lực lượng Hải quân, Biên phòng… để làm tấm lá chắn để bảo về kinh tế biển, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại.
Thông báo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương không nêu chi tiết, cụ thể vụ việc nhưng tôi cho rằng rất có thể ở đây là họ đã vô tình hay hữu ý bỏ qua, lờ đi chuyện buôn lậu trên biển, để xảy ra gian lận thương mại mà không xử lý.
Bên cạnh đó, Cảnh sát biển sử dụng lượng tài sản nhà nước giao có giá trị rất lớn bao gồm tàu và xăng dầu. Tàu thì có thể họ không dám làm gì nhưng lượng xăng dầu tiêu thụ hàng năm là vô cùng lớn, nếu không cẩn thận sẽ có chuyện không trong sáng trong tiêu thụ.
Lực lượng Cảnh sát biển thì không có công ty để làm kinh tế nhưng sai phạm của họ sẽ liên quan đến thuế, buôn lậu, gian lận thương mại làm hại đến nền kinh tế và có thể sử dụng xăng dầu không hợp lý làm thất thoát xăng dầu, tài sản của nhà nước.
Và những vi phạm về kinh tế, việc kiếm tiền quá dễ tất nhiên cũng sẽ kéo theo những vi phạm về đạo đức lối sống.
- Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đánh giá những vi phạm của lực lượng Cảnh sát biển gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tổn hại uy tín của tổ chức đảng và quân đội, gây bức xúc trong cán bộ, chiến sĩ...
Điều này là rõ ràng, đây là lực lượng rất đặc biệt. Khi lực lượng Cảnh sát biển để xảy ra chuyện lớn như vậy thì không chỉ ảnh hưởng ghê gớm đến uy tín của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà còn ảnh hướng đến uy tín quốc gia.
Đây là bài học rất lớn bởi lực lượng Cảnh sát biển là lực lượng thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân quản lý hơn 1 triệu km2 biển, một phần về quyền chủ quyền, quyền tái phán quốc gia.
Cảnh sát biển Việt Nam khi vừa ra đời cũng đã được lực lượng Cảnh sát biển thế giới kết nạp, mời tham gia các cơ chế song phương và đa phương. Vì vậy, lượng Cảnh sát biển không chỉ duy trì việc tuân thủ pháp luật Việt Nam trên biển mà còn cả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cảnh sát biển là lực lượng chấp pháp trên biển, tham gia bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà lại yếu kém, nhiều khuyết điểm từ người đứng đầu, để xảy ra những chuyện tày trời như vậy thì đây là những sai phạm tôi cho là cực kỳ nghiệm trọng và cần thiết phải xử lý.
- Vậy thì ở đây, công tác kiểm tra, giám sát đòi hỏi phải có những bài học gì để sớm phát hiện và ngăn ngừa những vụ việc tương tự?
Tôi cho rằng hiện nay, khi Bộ Quốc phòng đã quản lý lực lượng Cảnh sát biển rồi thì sau vụ việc này dứt khoát phải có giải pháp.
Chẳng hạn về giám sát quản lý xăng dầu, tất nhiên không thể nào khi tàu Cảnh sát biển ra khơi lại có tàu khác đi theo để giám sát, nhưng có thể gắn thiết bị giám sát hành trình để biết được tàu đó đi bao nhiều km, từ đó sẽ tính toán được tiêu thụ bấy nhiêu xăng dầu.
Bên cạnh đó, lịch trình để ra lệnh cho tàu đi hoạt động phải được phê duyệt bởi cấp trên. Trừ những việc đột xuất được Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao thì việc hoạt động phải theo kế hoạch, lịch trình hàng năm và phải được Bộ Quốc phòng phê duyệt.
Cần giám sát hành trình đi kèm với lịch trình cụ thể để quản lý hoạt động trên thực tế của các tàu như thế nào, đi những đâu, tiêu thụ ra sao, chứ để tự lên kế hoạch, tự thống kê số lượng xăng dầu tiêu thụ thì vô cùng lỏng lẻo.
Việc cơ quan quản lý không chặt chẽ cũng tạo cơ hội cho họ làm sai và làm hỏng cán bộ.
- Bên cạnh các chế tài thì còn biện pháp nào kiểm soát quyền lực của lực lượng này nữa, thưa ông?
Tất nhiên công tác giáo dục con người là quan trọng.
Chúng ta đã xây dựng ra họ, đào tạo, rèn luyện bồi dưỡng họ, củng cố phát triển và trao cho họ trong tay rất nhiều tài sản của nhà nước, phải giáo dục làm sao để đảm bảo lực lượng này có phẩm chất chính trị, lòng trung thành tuyệt đối.
Đối với lực lượng Cảnh sát biển, từ vụ việc này có thể thấy việc rèn luyện đội ngũ cán bộ phải kết hợp thanh tra kiểm tra. Kết hợp giáo dục con người với các biện pháp kỹ thuật để chúng ta quản lý tốt, bảo đảm họ hoàn thành chức năng nhiệm vụ của họ.
Chúng ta thấy trên biển, chỉ một mình lực lượng Cảnh sát biển làm chức năng chấp pháp về mặt quản lý hành chính, không thể dùng Hải quân, Biên phòng và các lực lượng khác.
Ở trong môi trường như vậy, với điều kiện cuộc sống hiện tại thì cần phải giám sát, ràng buộc để “không thể” và “khống dám” vi phạm, còn để “không muốn” thì phải đảm bảo đời sống của họ phải cao.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh cho rằng những cán bộ Cảnh sát biển trong thời điểm nào đó không giữ được bản lĩnh, chất của người lính và mắc khuyết điểm thì phải xử lý kỷ luật dù người đó là ai. Đặc biệt thời điểm này, Đảng và Nhà nước đang quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Ông Vinh cho rằng các cựu lãnh đạo Cảnh sát biển dù được trưởng thành trong môi trường kỷ luật quân đội nhưng vẫn mắc sai phạm thì cần xử lý nghiêm để làm gương cho các đơn vị khác trong quân đội. Việc xử lý kỷ luật nghiêm minh sẽ giúp làm tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao, xứng đáng là anh Bộ đội Cụ Hồ.
Nguyễn Huệ