Trước đó, hôm qua hàng loạt các nước châu Âu khác như Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Đức và một số nước khác tuyên bố tạm ngừng hoạt động của Đại sứ quán và đưa nhân viên ngoại giao về nước. Một số quốc gia khác như Anh, Tây Ban Nha, Phần Lan... cũng đã bắt đầu sơ tán nhân viên và chuẩn bị cho khả năng đóng cửa các cơ quan đại diện ngoại giao.
Tình hình tại Afghanistan đang rất căng thẳng. (Ảnh: Getty Images)
Trong khi đó, các tay súng nổi dậy hôm qua (13/8) cũng đã chiếm thủ phủ tỉnh Logar chỉ cách thủ đô Kabul của Afghanistan 50km về phía nam, mở đường cho việc giành quyền kiểm soát thành phố quan trọng nhất nước này. Một số nhân chứng tại Kabul cho biết, Taliban dường như đã cắt nguồn điện cung cấp cho thủ đô, dần dần cô lập khu vực này. Cho đến nay, Taliban đã kiểm soát ít nhất 18/34 thủ phủ các tỉnh thành của Afghanistan.
Giới chức Liên hợp quốc cũng cảnh báo, diễn biến phức tạp tại Afghanistan đang đẩy nước này vào một thảm họa nhân đạo mới.
Người phát ngôn Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc, ông Thomson Phiri cho rằng: “Chúng tôi lo sợ rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và trận đói lớn hơn sắp nhanh chóng ập đến Afghanistan. Ai cũng biết, tình hình đang trở nên tồi tệ và ngày càng khó lường hơn. Xung đột diễn biến nhanh hơn chúng ta dự báo và thực tế hiện nay có đủ các dấu hiệu của một thảm họa nhân đạo.”
Theo số liệu của Liên hợp quốc, hiện cứ 3 người dân Afghanistan thì có 1 người không biết mình sẽ ăn gì vào ngày mai, trong khi 2 triệu trẻ em cần được bổ sung thức ăn. Đồng thời, sau đợt hạn hán thứ 2 trong năm, khả năng sản lượng thu hoạch vụ mùa sẽ ít hơn bình thường.