Hôm 17/3, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, cơ quan này đã tống đạt trát hầu tòa đối với nhiều công ty Trung Quốc cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tại Mỹ để làm rõ xem liệu những công ty này có gây ra rủi ro an ninh quốc gia hay không.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết: “Bắc Kinh có những hành vi cố gắng lấn át lợi thế công nghệ của Mỹ, đe dọa các liên minh của chúng tôi. Trát hầu tòa sẽ giúp chúng tôi thu thập thông tin, làm căn cứ ra các quyết định để bảo vệ tốt nhất cho các công ty, công nhân và an ninh quốc gia của Mỹ”.
Tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ không nêu tên bất kỳ công ty nào. Huawei và ZTE của Trung Quốc đã bị chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump trước đây nhắm tới nhằm loại bỏ khỏi hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông của Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết trát hầu tòa giúp tìm kiếm thông tin, xác định liệu các công ty Trung Quốc có gây ra mối đe dọa an ninh đối với lợi ích của Mỹ hay không. (Ảnh: Zuma Press)
Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) vừa liệt kê 5 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách mối đe dọa an ninh quốc gia với nước này. Danh sách này gồm Huawei, ZTE, Hytera, Hangzhou Hikvision và Dahua.
Tháng trước, chính quyền Biden cho biết sẽ cho phép tiếp tục quy tắc từ thời Tổng thống Trump nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc, vốn được coi là mối đe dọa đối với an ninh chuỗi cung ứng của Mỹ.
Trong những ngày cuối cùng của chính quyền Trump, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành quy tắc cuối cùng tạm thời nhằm giải quyết các mối quan tâm về chuỗi cung ứng công nghệ thông tin, truyền thông, và cho biết quy tắc này sẽ có hiệu lực sau 60 ngày lấy ý kiến công chúng.
Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến của công chúng về quy tắc này cho đến ngày 22/3, khi quy tắc có hiệu lực. Hôm 17/3, một quan chức của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, trát hầu tòa sẽ không ảnh hưởng đến thời gian của quy tắc cuối cùng tạm thời.
Trong tháng 1, Phòng Thương mại Mỹ (USCC) và các đại diện cho các ngành công nghiệp lớn nêu quan ngại trong lá thư gửi Bộ Thương mại. Họ cho rằng, quy tắc cuối cùng tạm thời trao cho chính phủ "quyền gần như vô hạn để can thiệp vào hầu như bất kỳ giao dịch thương mại nào giữa các công ty Mỹ và các đối tác nước ngoài của họ liên quan đến công nghệ".