Trở nên nổi tiếng và giàu có sau một đêm là mong ước của nhiều nhà sáng tạo nội dung trẻ. Brian Hector đã thử hiện thực hóa giấc mơ này bằng cách phát trực tiếp giấc ngủ của mình. "Tôi thức dậy vào sáng hôm sau, tắt livestream và xuống khoe với mẹ rằng tôi thực sự có thể kiếm tiền khi ngủ", Hector nói.
Thông qua tính năng livestream của TikTok, người xem có thể ủng hộ nhà sáng tạo nội dung bằng những đồng xu ảo để quy đổi ra tiền thật. Trong buổi phát trực tiếp giấc ngủ đầu tiên, Hector nhận được 10 USD. Tài khoản TikTok của anh hiện có hơn 347.000 người theo dõi.
Video phát trực tiếp giấc ngủ của Twitter thu hút 3,6 triệu lượt xem đầu năm 2019. (Ảnh: Mashable)
Số người theo dõi là yếu tố mà hầu hết streamer đều quan tâm. "Video phát trực tiếp của tôi đạt khoảng hơn 6.000 người theo dõi", Oscar Reyes, 18 tuổi, nói. "Ngay khi tắt livestream, nhiều người bỏ theo dõi nên tôi không chắc họ có quay lại xem nữa hay không. Tuy nhiên, lượng theo dõi của tôi trên TikTok đã tăng đáng kể, từ 12.000 lên 18.000 người".
Theo Jasmine Stephens, 16 tuổi, TikTok thường gợi ý các video trực tiếp giấc ngủ cho cô. "Khi xem nội dung trên TikTok, tôi thấy ngày càng nhiều video như vậy", Stephens nói. "Tôi thấy một số video trực tiếp giấc ngủ có hơn một triệu lượt thích".
Phát trực tiếp giấc ngủ trở thành xu hướng gần đây, nhưng không phải khái niệm mới. Từ 2015, giới trẻ bắt đầu livestream giấc ngủ trên nền tảng YouNow, kèm hashtag #sleepingsquad.
Twitch, nền tảng phát trực tiếp trò chơi, coi livestream giấc ngủ là nội dung "không được giám sát" và bị cấm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ngủ trước camera. Đầu năm ngoái, một streamer vô tình ngủ quên và thức dậy với 200 người theo dõi mới. Video này sau đó thu hút 3,6 triệu lượt xem và trở thành video được theo dõi nhiều nhất của Twitch.
Ngày 9/2, 18,5 triệu người xem một người đàn ông ngủ trên Douyin, phiên bản TikTok dành cho thị trường Trung Quốc.
Năm 2017, một streamer tuyên bố nhận được 5.000 USD khi phát trực tiếp giấc ngủ. (Ảnh: Ice Poseidon)
Trước khi lên sóng, các streamer thường đăng video quảng cáo về buổi livestream ban đêm. Khi đến giờ, họ đặt điện thoại lên giá đỡ, chui vào chăn rồi nhấn nút phát trực tiếp. "Tôi thấy nhiều người livestream giấc ngủ", Hector nói. "Điều đó kỳ lạ nhưng cũng rất tuyệt vời".
Với khán giả, sự hấp dẫn của buổi livestream giấc ngủ đến từ cộng đồng, thay vì nhà sáng tạo nội dung. Một số video phát lại trên TikTok chỉ là khung hình trống trơn và tăm tối, nhưng cung cấp thời gian và địa điểm cụ thể để mọi người gặp. "Tôi nghĩ nhiều người muốn tìm kiếm bạn bè trực tuyến qua các buổi livestream của mình", Stephens nói.
Todd Neer (32 tuổi) là khán giả của vài buổi livestream giấc ngủ và thậm chí tự mình thực hiện. Ông tin phòng livestream tạo cơ hội để mọi người trò truyện trực tiếp với nhau, khác với bất kỳ nơi nào trên TikTok. "Livestream không lưu lại nội dung bình luận, người dùng có thể bắt chuyện với bất cứ ai ở đó. Nó như cuộc đối thoại thời gian thực, thú vị hơn việc bình luận dưới bài đăng trên mạng xã hội", Neer giải thích.
Brian Mandler, nhà sáng lập công ty Network Effectm, cho rằng khán giả của các buổi livestream thực sự quan tâm đến hậu trường và cuộc sống của nhà sáng tạo nội dung. "Người xem muốn nội dung thực tế và hấp dẫn. Việc xem người khác ngủ có phần kỳ lạ, nhưng nếu hiểu về mục đích cơ bản của mạng xã hội thì điều đó thực sự có ý nghĩa", Mandler nhận định.
Livestream một ly sữa trên YouTube thu hút hơn 1,7 triệu lượt xem.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ngủ ngon khi đang phát trực tiếp. Reyes kể anh tỉnh giấc nhiều lần trong livestream. Vào một đêm, Reyes dậy và thấy khoảng 600 người xem đang trò chuyện. "Khi tôi thức dậy, một số người thốt lên: Anh ấy đã tỉnh mất rồi".
Livestream giấc ngủ, giống như các video bị chỉnh sửa khác trên TikTok, cũng tiềm ẩn nguy cơ bảo mật thông tin cá nhân. Rylee Breann, 21 tuổi, lo lắng những thứ mà khán giả có thể nhìn thấy. "Tôi không muốn họ trông thấy căn phòng của mình bởi có quá nhiều hình ảnh riêng tư", cô nói. "Tôi không muốn người xem biết nơi tôi sống. Bạn chỉ có thể nhìn thấy tôi đang nằm trên giường".
Dale Adam (21 tuổi) thường tắt livestream giấc ngủ sau vài giờ. "Tôi sợ hacker có thể tấn công smartphone và tìm ra nơi ở của tôi", Adam chia sẻ. Các streamer giấc ngủ cũng lo lắng về việc người xem tìm cách lưu lại video phát trực tiếp.
"Tôi đã chứng kiến một số phòng livestream giấc ngủ trên sân thượng thu hút hơn 10.000 khán giả, hoặc livestream một cốc sữa khi họ ra ngoài", Reyes nói. "Tất cả người trong phòng livestream chỉ muốn trò chuyện với nhau".
Thay vì phát trực tiếp giấc ngủ của mình, Joe Fay (24 tuổi) quyết định livestream chiếc Tesla màu trắng "ngủ" bên đường. Anh đặt smartphone cạnh cửa sổ và cắm sạc. Vào buổi sáng, Fay nhận được số xu ảo trị giá 50 USD. "Một cách kiếm tiền dễ dàng", Fay nhận xét. Anh dự định tiếp tục livestream đến khi xu hướng này kết thúc.
NYTimes nhận định, livestream có thể đóng vai trò như liều thuốc an thần. Một số streamer phát trực tiếp giấc ngủ kèm theo bản nhạc nhẹ, giúp họ và khán giả có khoảng thời gian thư giãn. "Khi làm điều đó, tôi thấy an toàn hơn vì tất cả người xem đang theo dõi tôi", Reyes nói. "Vì vậy, tôi có thể ngủ ngon hơn".