Ngành năng lượng Nga chưa chịu lệnh trừng phạt
Khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi ngừng sử dụng dầu mỏ của Nga. Trong tuần trước, 465 tổ chức của 50 quốc gia đã yêu cầu chính phủ của họ ngừng sử dụng năng lượng của Nga.
Trong một phân tích thị trường dầu do Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford công bố vào tuần trước, Nga là nước sản xuất dầu thô lớn thứ hai trên thế giới, cung cấp khoảng 14% tổng sản lượng của thế giới vào năm 2021. Khoảng 60% lượng dầu thô của Nga xuất khẩu sang châu Âu và 35% sang châu Á.
Trong một bài đăng trên Twitter, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng nếu thế giới tiếp tục sử dụng dầu và khí đốt của Nga, điều này sẽ phủ nhận các lệnh trừng phạt được cho là nhằm thuyết phục Nga chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ả Rập Xê-út là nhà sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới. (Ảnh: Reuters)
Tầm quan trọng của dầu mỏ Nga là một phần lý do tại sao Moskva chưa bị giáng đòn trừng phạt vào lĩnh vực này. Ngay cả khi các quốc gia muốn cấm dầu từ Nga, họ cũng khó tìm nguồn cung thay thế và quan trọng nhất là khó tránh khỏi việc khiến giá giàu tăng chóng mặt.
Cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine và sự lo ngại thị trường tiếp tục bị gián đoạn đã khiến giá dầu đang tăng cao. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, các nhà phân tích dự đoán giá dầu trung bình sẽ rơi vào khoảng 116 USD/thùng trong năm nay.
Giá dầu cao rõ ràng sẽ có có lợi cho Nga và sẽ đem lại những tác động tiêu cực đối với các nền kinh tế phương Tây. Bởi vậy, việc tìm kiếm các sản phẩm thay thế cho dầu của Nga, cũng như cách ngăn chặn việc tăng giá năng lượng, càng trở nên cấp thiết hơn.
Ả Rập Xê-út có trở thành “vị cứu tinh”?
Theo hãng truyền thông Đức DW, một phần cách giải quyết có thể nằm ở nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, đó là Ả Rập Xê-út .
Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) được cho là hai nhà sản xuất dầu lớn duy nhất có thể tăng sản lượng dự phòng một cách khá dễ dàng.
Karen Young, người đứng đầu Chương trình Kinh tế và Năng lượng tại Viện Trung Đông, có trụ sở tại Washington, cho biết, dầu từ Trung Đông vẫn sẽ khó thay thế nhanh chóng nguồn cung từ Nga. “Tăng sản lượng không có nghĩa là tăng xuất khẩu trực tiếp sang châu Âu. Các thị trường dầu mỏ không dễ chuyển hướng như vậy”, bà Karen Young nói.
Bà Young cho biết, sự khác biệt lớn nhất mà Ả Rập Xê-út có thể tạo ra là sản xuất nhiều dầu hơn để hạ giá trên thị trường toàn cầu. Vào giữa tháng 2, ngay cả trước khi Nga tấn công Ukraine, chính phủ Mỹ đã yêu cầu Ả Rập Xê-út và UAE cung cấp thêm dầu để giảm giá dầu.
Tại cuộc họp gần đây của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), các thành viên đã nhất trí tuân theo kế hoạch sản lượng được đưa ra vào đầu năm 2022. OPEC+ muốn tăng từ từ sản lượng vào năm 2022 sau khi đại dịch Covid-19 dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu.
“OPEC đã có chính sách lâu đời là không thay đổi sản lượng hoặc nguồn cung trên cơ sở các sự kiện địa chính trị. Chính sách chỉ thay đổi để đáp ứng với những thay đổi trong các nguyên tắc cơ bản của thị trường”, Hasan Alhasan, chuyên gia nghiên cứu về chính sách Trung Đông của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, giải thích.
Ông Alhasan cho rằng sức ép của Mỹ có thể sẽ giúp thay đổi tình hình khi Washington là một đối tác an ninh truyền thống của các quốc gia vùng Vịnh.
Ả Rập Xê-út có thể tăng sản lượng dầu nếu chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine có diễn biến tồi tệ và các nước khác, thậm chí cả NATO, tham gia vào cuộc chiến này, hoặc nếu lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu của Nga được đưa ra.
Sức ép của Ả Rập Xê-út
Chuyên gia Alhasan nói rằng việc thiếu các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu năng lượng của Nga làm suy yếu sự thống nhất của châu Âu. “Nếu không có các biện pháp trừng phạt nhằm vào năng lượng, rất khó để các nước vùng Vịnh mạo hiểm đưa ra sự giúp đỡ”, ông nói.
“Tôi nghĩ rằng yêu cầu trực tiếp từ Tổng thống Joe Biden với Thái tử Mohammed bin Salman cũng có thể khuyến khích hoạt động sản xuất năng lượng của Ả Rập Xê-út . Nhưng Tổng thống Mỹ vẫn chưa nói chuyện trực tiếp với nhà lãnh đạo Ả Rập Xê-út ”, chuyên gia Young nói.
Một số nhà phân tích thị trường cho rằng Mỹ và Liên minh châu Âu nên giữ gìn mối quan hệ với các nước Trung Đông, đặc biệt trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga đã khiến các nhà sản xuất dầu trong khu vực trở nên quan trọng hơn.
“Ngay cả khi chính sách ngoại giao của phương Tây thành công trong việc đưa các nước này vào cuộc, các quốc gia Trung Đông lo lắng rằng điều này sẽ chỉ là tạm thời”, Cinzia Bianco, chuyên gia về khu vực vùng Vịnh tại văn phòng Hội đồng Châu Âu về Quan hệ đối ngoại tại Berlin, nhận định.
Dina Esfandiary, cố vấn cấp cao tại tổ chức Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho rằng tầm quan trọng của các quốc gia Ả Rập sản xuất dầu sẽ tăng rồi giảm. “Về dài hạn, tôi nghĩ các nhà sản xuất năng lượng này cũng nhận ra rằng giờ đây họ không còn quá quan trọng đối với thế giới”, bà Esfandiary nói.
Ông Alhasan cho rằng đây là lý do tại sao bất kỳ áp lực nào đối với các nhà sản xuất dầu Trung Đông đều phải được xem xét cẩn thận.