Mặc dù đã đến nhiều buôn làng, tham quan các khu triển lãm tượng gỗ Tây Nguyên nhưng hiếm khi chúng tôi được ngắm cụm tượng cây lạ mắt như trong vườn tượng “Thiên đường Tây Nguyên” ven hồ Xuân Hương (TP Đà Lạt). Là người đồng chế tác và là nhà sưu tập, bài trí khu vườn tượng này, thượng tá Đặng Minh Tâm (ngụ phường 3, TP Đà Lạt) cho biết, vì tâm đắc với bộ tượng cây nên ông sắp đặt ở ngay lối vào khu trưng bày. “Để người ta biết văn hóa Tây Nguyên phong phú như thế, tượng gỗ vùng đất này đẹp ra sao”, ông chia sẻ.
Nghệ nhân ưu tú A Gông (phải) cùng học trò tạc tượng
Tượng cây
Với câu hỏi “Tượng cây là gì?”, ông Tâm giải thích: Đó là cụm tượng cùng một chủ đề, mô tả khát vọng hay chu trình nào đó và điều đặc biệt là chúng được chế tác trên một cái cây nguyên khối, tượng nọ chồng lên tượng kia. Chẳng hạn, với tượng cây mô tả vòng đời của con người thì dưới cùng là tượng đôi trai gái yêu nhau, kế đến là phụ nữ mang bầu, sau đó là tượng sinh con, đội con lên đầu, con trưởng thành... Trong số các tộc người bản địa Tây Nguyên thì người Ê Đê rất thích dòng tượng này.
Một chu trình trồng lúa, gặt hái kéo dài hàng mấy tháng ròng cũng được gói gọn trong một cây tượng: Đầu tiên là tượng cắt cỏ, phát rẫy; kế đến là cảnh chồng chọc lỗ - vợ tra hạt, rồi thì gặt và gùi lúa về nhà và trên cùng là tượng dân làng ăn lễ mừng lúa mới. Các bức tượng sống động đến mức khiến tôi nhớ lại lễ hội mừng lúa mới tưng bừng đã được dự mấy năm trước: Bài chiêng mừng cơm mới với tiếng chiêng rộn ràng đuổi nhau, tiếng trống păhgơnăng trập trùng vang vọng từ vách núi hợp tấu cùng điệu kèn rơkel du dương và nhịp chiêng ngân nga lan tỏa khắp khu rừng. Cứ thế lễ ăn cơm mới kéo dài từ nhà này sang nhà khác. Mọi người vui say thỏa thích, ca hát và múa xoang thâu đêm để rồi sau đó hăng hái chuẩn bị mùa trồng tỉa mới với nhiều hy vọng mới.
Sơn nữ bên cụm tượng cây
Ấn tượng nhất là tượng cây mô tả lễ hội hóa trang với những chiếc mặt nạ để “chiến đấu” hoặc lừa phỉnh ác ma. “Bởi mặt nạ là bộ phận quan trọng nhất làm nên hình ảnh của những chú hề hoặc chiến binh trong lễ hội nên phải trông thật ngộ nghĩnh, gây cười khiến người xem thích thú hoặc thật quái dị để tạo cảm giác sợ hãi. Đó có thể là mặt người nhưng mang cái mũi của quái vật và cái lưỡi thật dài hoặc mắt ti hí, còn miệng thì méo xệch, ngoác ra trông rất hài hước”, ông Tâm mô tả.
Tượng cây
Tại lễ hội cầu an hay lễ bỏ mả, đến giờ linh, chủ lễ bước ra trước giàn hiến tế khấn nguyện: “Ơi thần núi thần sông. Ơi ma ông ma bà! Hãy đến vui cùng buôn làng chúng tôi! Đến uống rượu cần làm từ hạt lúa mẹ, từ dòng suối nguồn ngọt ngào! Phù trợ cho mùa màng tươi tốt, cho chúng tôi nhiều heo bò gà trâu”.
Khấn xong, chủ lễ đặt đầu trâu lên giàn hiến tế và lấy máu con vật hiến sinh bôi lên cây nêu với ngụ ý gửi thông điệp mời các thần linh và ma quỷ đến nhận lễ vật; mong các vị hãy thụ hưởng, vui chơi và đừng làm hại dân làng. Sau đó mọi người tấu chiêng, thổi khèn, ăn uống no say, nhảy múa tưng bừng. Tiệc tàn, chủ lễ đọc bài văn tiễn các thế lực siêu nhiên trở về những đỉnh núi cao, khu rừng rậm rạp, hang thẳm khe sâu hiểm trở. Nếu các ác ma và linh hồn vất vưởng không chịu rời đi mà quẩn quanh hại người thì dân làng sẽ hóa trang thành ma quỷ để chiến đấu đẩy đuổi ra khỏi buôn làng.
Đoàn người đeo mặt nạ ghê rợn, quái dị, tay lăm lăm giáo mác, đi từ đầu buôn đến cuối buôn, vừa đi vừa hú hét làm các động tác như đang đánh nhau để dồn đuổi thế lực đen về làng ma. Sau đó, đoàn người tắm rửa, lội hoặc bơi theo con suối, con sông để xóa dấu vết rồi mới về tới nhà. Thế lực đen bị mất dấu nên không thể theo về buôn nữa, đành trở về làng ma ở chốn rừng núi thâm u.
“Vượt ra khỏi ranh giới của tâm linh, ngày nay tượng gỗ Tây Nguyên không chỉ hiện diện ở nhà mồ mà còn được trưng bày, trang trí ở những nơi sinh hoạt cộng đồng như nhà dài, nhà rông, bến nước hoặc các thắng cảnh, khu du lịch… nhằm phục vụ đời sống thường nhật của con người, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của du khách”, nhà dân tộc học Đinh Thị Nga nhận xét.
Bàn tay vàng
Tháng trước, chúng tôi được xem nghệ nhân ưu tú A Gông (43 tuổi, ngụ làng Kon Du, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, Kon Tum) cùng học trò là A Ia (34 tuổi) tạc tượng gỗ giữa rừng thông tuyệt đẹp ở thị trấn Măng Đen (Kon Plông); nay lại chứng kiến hai thầy trò trổ tài tại không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên”, bên bờ hồ Xuân Hương.
Tượng gỗ Tây Nguyên
Ở nơi nào cũng vậy, mặc những ồn ào, náo nhiệt của phố phường cùng tiếng lao xao của du khách vây quanh, đôi bàn tay của nghệ nhân A Gông cùng học trò vẫn thao tác thuần thục trên thớ gỗ thô ráp hòa nhịp với âm thanh “cốc, cốc” đều đều của rìu “phá” thân gỗ, xà gạc tạo hình thô và đục để tạo hình chi tiết. “Nhát chặt bằng rìu, xà gạc; vết khoét của dùi, đục và dao đều có sự tính toán và cần độ chính xác cao. Tạc sai một lần có thể phá hỏng hình dáng tổng thể của cả pho tượng đã mường tượng trước đó”, nghệ nhân A Gông cho biết.
Chỉ trong một buổi, với những công cụ thô sơ, anh A Gông đã tạo nên hình hài bức tượng mẹ bồng con. Các già làng ở Kon Plông cho biết, A Gông là người tạc tượng tài hoa bậc nhất của tộc người Xơ Đăng. Hơn 20 năm qua, anh đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm độc đáo, mỗi bức tượng mang một dáng vẻ khác nhau, rất có hồn, thể hiện bối cảnh và cảm xúc rất riêng.
Theo ông Đặng Minh Tâm, tượng của người Ba Na khá đơn giản, chỉ thể hiện những đường nét cơ bản nhất như mặt người sẽ được vạt phẳng, chỉ có sống mũi là nhô cao, còn mắt và miệng được nhấn sâu vào trong, lỗ tai luôn có dạng hình chữ C. Tượng của dân tộc Gia Rai thì hiện đại hơn một chút khi trên mặt đã có khấc ở trán và mắt để tạo điểm nhấn cho chân mày. Tượng của người Ê Đê thì có tính tả thực hơn. Đến các dân tộc Nam Tây Nguyên như Mạ, K’Ho, S’Tiêng, các chi tiết đã bắt đầu rõ nét hơn với gò má nhô ra, trán cao lên…