Video: Lễ cúng sức khoẻ cho voi của người Ê đê
Nếu không có những biện pháp bảo tồn quyết liệt và hữu hiệu hơn, thì có lẽ trong thời gian không xa nữa, hình ảnh đàn voi vốn thân thuộc với người Tây Nguyên sẽ chỉ còn trong ký ức.
Anh Cao Xuân Ninh - Tổ trưởng Tổ chăm sóc voi cứu hộ - cho biết, chú voi được đặt tên Gold, nghĩa là “vàng”. Chuồng được đóng bằng những cây gỗ cỡ cổ tay, mỏng manh, nhưng Gold không đoái hoài đến việc phá chuồng mà mê mẩn với mấy món đồ chơi được các tình nguyện viên tự tạo.
Trụ sở của Trạm chăm sóc và điều trị voi sau cứu hộ (thuộc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk) là một căn nhà như nhà hoang nằm bên đường, nhưng bên trong thì vui đáo để. Đang dở việc, nhưng thấy khách là anh Ninh nhiệt tình, dẫn chúng tôi ra “nhà” của chú voi trẻ tuổi nhất Bản Đôn.
Chú voi Gold trẻ tuổi nhất Bản Đôn thích thú với món đồ chơi mà các tình nguyện viên tự tạo.
Anh Ninh kể, ngày 23/8/2016, người dân phát hiện một con voi con khoảng 4 tháng tuổi kêu la thảm thiết dưới một hố nước đào của người dân ở rừng Chư Ma Lanh (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) nên trình báo cơ quan chức năng. Nhận được thông tin, nhiều cán bộ của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk nhanh chóng có mặt để ứng cứu voi. Lúc đó, voi bị ngập trong bùn nên yếu ớt, chỉ có phần vòi là ở bên trên. Con voi kêu cứu đến khàn giọng.
Cán bộ cứu hộ cùng hàng chục người dân phải luồn dây thòng lọng xuống bụng để kéo Gold lên, sau đó nhanh chóng dội rửa thân mình voi và cho uống sữa để voi dần hồi phục. Gold còn quá nhỏ nên sau khi mang về sơ cứu, những cán bộ của Trung tâm Bảo tồn voi quyết định phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á thả về rừng, vì sợ ở với con người, voi sẽ không sống nổi.
Tuy nhiên, đó là một hành trình gian nan và nguy hiểm. 4 lần thả đều không thành công vì Gold không thể nhập được đàn. Có lần tưởng đã thành công, mọi người quay về chưa kịp ăn mừng thì nhận được tin báo của người dân thấy Gold đang lững thững đi theo... xe ô tô ngoài đường.
Trạm quyết định mang Gold về nuôi dưỡng. Từ đây, Gold ở lại với Bản Đôn, ở lại với con người. Anh em thay nhau làm “cha” làm “mẹ”, tìm kiếm sữa ngoài cho Gold uống. Chăm Gold như chăm một đứa trẻ, phải thức đêm thức hôm, cứ 2 - 3 tiếng đồng hồ lại phải cho voi uống sữa và theo dõi sức khỏe.
Phải xa mẹ khi còn quá nhỏ, tâm tính Gold cũng khác thường, hay giật mình và la rống giữa đêm. Vì vậy, ngoài cho voi ăn uống, “cha mẹ nuôi” phải làm đồ chơi để voi giảm stress. Khi voi vui vẻ, việc tiếp xúc sẽ dễ dàng hơn, không nguy hiểm cho những người chăm sóc chúng. Các tình nguyện viên nuôi dạy Gold nói rằng, vàng bây giờ có thể mua được, nhưng sinh mệnh những con voi như Gold thì có tiền cũng không thể sở hữu.
Sinh mệnh loài voi tại Bản Đôn nói riêng và tại Việt Nam nói chung như đứng bên bờ vực.
Việc Gold sống sót là minh chứng sống động về sự nguy cấp của đàn voi Tây Nguyên và cũng là nỗ lực vô bờ bến của tình yêu voi của đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk.
Anh Ninh cho biết thêm, voi nhà không sinh sản được vì chủ voi sẽ mất rất nhiều thời gian không kiếm được lợi nhuận, bởi thời gian mang bầu của voi cái là 2 năm, trong thời gian đó, voi cái phải được nghỉ ngơi hoàn toàn.
Chuyện “phòng the” của voi rất kín đáo, chỉ xảy ra ở những vùng rừng không một bóng người. Nếu được yêu nhau trọn một mùa, voi cái mới có thể đậu thai.Hai con voi cái ở Bản Đôn may mắn có con vì chúng và bạn đời cùng được nghỉ dưỡng thương trong rừng suốt một thời gian dài. Quá kỹ tính trong việc yêu đương, nên với 24 con voi hầu hết đã già của Buôn Đôn, việc voi nhà tiếp tục sinh sản cũng khó như voi... chui lỗ kim.
Chúng tôi có mặt tại khu Du lịch sinh thái và bảo tồn voi Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đúng lúc mọi người đang làm lễ cúng sức khỏe cho voi.
Nài voi (chủ của voi) đang làm nghi lễ cúng voi mỗi năm một lần.
Theo già Ma Doanh (61 tuổi, ở buôn Drếch, xã Eahuar, Buôn Đôn), voi như người bạn lớn trong mỗi gia đình Ê đê, M’nông, J’rai. Đồng bào quý voi như bạn nên năm nào cũng tổ chức cúng sức khỏe cho voi. Những năm qua, đàn voi nhà ở Tây Nguyên giảm hẳn, việc chăm sóc sức khỏe cho voi càng được chú trọng hơn.
Lễ cúng sức khỏe cho voi là dịp để người trong buôn tạ ơn thần linh, cảm ơn những chú voi đã giúp đỡ nài voi và buôn làng. Qua đó, mong muốn voi luôn có sức khỏe, không đau bệnh để phục vụ và đồng hành với con người.
“Phải cúng để voi biết yêu người này, yêu người kia, để voi có sức khỏe quanh năm. Cúng để cầu mong voi biết phân biệt đúng sai, nài voi ra ngoài mà ngoại tình là voi biết mà không cho cưỡi nữa”
Già Ma Doanh (61 tuổi, ở buôn Drếch, xã Eahuar, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk), người chuyên cúng sức khoẻ cho voi tại Bản Đôn.
Hỏi già Ma Doanh về những chú voi con, già ngậm ngùi: Mấy chục năm rồi, Buôn Đôn làm gì có con voi con nhà nào được sinh ra. Chỉ có một chú voi rừng khoảng 10 tuổi gặp nạn được cứu và hiện được chăm sóc tại Trạm chăm sóc và điều trị voi sau cứu hộ (thuộc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk).
Theo số liệu từ Trung tâm Bảo tồn voi (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk), số voi nuôi ở Đắk Lắk đã giảm từ khoảng 502 con vào đầu những năm 1980 xuống còn 37 con tính đến năm 2023 (trong đó có 24 voi ở huyện Buôn Đôn, 12 ở huyện Lăk, một voi ở huyện Krông Ana)
Số lượng voi rừng còn khoảng 24 - 45 con (sinh sống trên phạm vi 4 huyện là Buôn Đôn, Ea Súp, Cư Mgar và huyện Ea Hleo), trong khi cách đây 34 năm vẫn còn khoảng trên 2000 con.
Nài voi dùng tiết gà cúng để bôi lên trán voi để cầu cho voi của mình có sức khoẻ quanh năm.
Hơn 30 năm qua, tại Đắk Lắk chưa có con voi nhà nào được sinh ra, trong khi đàn voi nhà của tỉnh đã già yếu và chết dần. Mặt khác, voi nuôi có phúc lợi hạn chế và thiếu cơ hội được thể hiện hành vi tự nhiên, bị con người sử dụng quá mức nên tuổi thọ ngắn. Với 37 cá thể voi còn lại và hầu hết đã già, không thể sinh sản, thì chắc chắn trong tương lai, chúng sẽ tuyệt chủng nếu không có những biện pháp bảo tồn cụ thể và phù hợp.
“Nguyên nhân của sự suy giảm trầm trọng số lượng voi này là do mất rừng, diện tích rừng ngày càng suy giảm, co hẹp làm mất nơi ở và sinh sống của voi. Không chỉ suy giảm về diện tích mà chất lượng rừng cũng giảm, làm thức ăn của voi khan hiếm.
Từ đó, khả năng, chất lượng sinh sản của đàn voi cũng giảm nên khả năng bổ sung số lượng cho đàn voi, bổ sung voi con cho đàn bị ảnh hưởng. Một nguyên nhân nữa là do xung đột giữa voi với người và nạn săn bắn, bẫy bắt voi để lấy ngà và các sản phẩm từ voi cũng góp phần làm giảm số lượng quần thể voi”, ông Trần Xuân Phước - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) cho hay.