Lầu Năm Góc vừa công bố báo cáo thường niên dài 200 trang về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Trong đó, báo cáo chỉ ra những lợi thế của Bắc Kinh so với Washington trong 3 lĩnh vực đóng tàu, tên lửa đất đối đất và phòng không.
Theo báo cáo, ngoài các tên lửa đạn đạo tầm ngắn MGM-140 ATACMS được quân đội Mỹ sử dụng, Washington không sở hữu vũ khí tương tự như của Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cũng không thể chống lại tên lửa hành trình và đạn đạo của Trung Quốc.
Tổ hợp tên lửa chiến thuật siêu thanh DF-17 được Bắc Kinh giới thiệu năm 2019.
Mối đe dọa đặc biệt đối với lực lượng Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26, có khả năng tấn công các nhóm tấn công tàu sân bay của Hải quân Mỹ ở phạm vi 4.000 km.
Sức mạnh tên lửa của Quân Giải phóng Trung Quốc (PLA) còn được thể hiện bằng tổ hợp tên lửa chiến thuật siêu thanh đầu tiên trên thế giới DF-17, được Bắc Kinh giới thiệu năm 2019. Hiện vẫn chưa rõ tầm bắn hiệu quả của tên lửa DF-17, nhưng việc sử dụng nó trong tác chiến là một biện pháp răn đe mạnh mẽ nhằm vào Hải quân Mỹ.
Ngoài ra, một nguy cơ khác khiến người Mỹ lo ngại là tên lửa hành trình DF-10/10A, có nhiệm vụ bảo vệ các vùng biển gần bờ của Trung Quốc trước các nhóm tấn công của tàu sân bay và tàu chiến khác.
Tài liệu của Lầu Năm Góc cũng đưa ra các thông tin về hệ thống phòng không của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngoài dữ liệu về việc Bắc Kinh mua S-400 và S-300 của Nga, không có thêm chi tiết nào được báo cáo về mạng lưới phòng không trên mặt đất của nước này.
Theo các chuyên gia, PLA có kho hệ thống phòng thủ đa dạng hơn so với lực lượng vũ trang Mỹ, bao gồm các hệ thống phòng không thế hệ mới, các radar tầm xa và có tần số cao.