Nếu Helio, De Jesus và Achaw được xem là hai thương vụ “đánh cắp” như chính lời Trần Hoài Nam thừa nhận thì thương vụ “King Leandro” về đất Cảng lại hoàn toàn ngẫu nhiên.
“Sau thương vụ bán Helio, De jesus, đội bóng Matsubara lại sang Việt Nam thi đấu để chào hàng. Chúng tôi nói với Mauro, muốn mua tiếp 2 cầu thủ nữa cho đủ 5 cầu thủ ngoại, đỡ phải đi tìm người mới. Ban đầu chúng tôi chủ trương đã có 3 cầu thủ tốt rồi thì chỉ cần thêm 2 cầu thủ làng nhàng nữa cũng được”, anh Trần Hoài Nam kể.
Đầu mùa giải 2008, CLB Hải Phòng vào Bình Dương tập huấn. Chiều chiều, anh Nam cùng HLV Vương Tiến Dũng lại ra sân xem các đội thi đấu giải Cup Bình Dương. CLB Matsubara ở giải lần này có Salatiel là vua phá lưới, Marcio là tiền vệ trung tâm. Lãnh đạo đội bóng đất Cảng “bật đèn xanh” để HLV Vương Tiến Dũng lấy thêm hai cầu thủ này.
Ban đầu, Mauro cũng nhận lời với Hải Phòng. Thế nhưng, đến trước trận chung kết, Mauro gọi điện xin lỗi, nói không thể bán Salatiel và Marcio cho Hải Phòng. Cho rằng Mauro thất hứa và anh Nam lập tức gây sức ép.
“Mauro xin lỗi và thừa nhận, Salatiel và Marcio là hai cầu thủ sẽ bán cho B.Bình Dương. Tôi hiểu mối quan hệ giữa họ nhưng không muốn “trắng tay” ở chuyến đi này. Cuối cùng, Mauro đưa ra giải pháp, đến trận chung kết, tôi và HLV Vương Tiến Dũng xuống xem Matsubara thi đấu, nếu thích ai ngoài Salatiel và Marcio, Mauro sẽ để lại cho Hải Phòng.
Đến trận chung kết, tôi, HLV Vương Tiến Dũng, Giám đốc điều hành CLB Hải Phòng và một phiên dịch cùng xuống xem. Chúng tôi quyết tâm phải lấy bằng được 2 ngoại binh cho đủ số lượng vì chỉ còn 1 tháng nữa V-League 2008 sẽ bắt đầu”, anh Nam nhớ lại.
Suốt cả giải BTV Cup 2008, Leandro không đá chính. Anh ta chỉ vào sân từ khoảng phút 60-70 với nhiệm vụ chính là thực hiện những tình huống đá phạt. Trận chung kết hôm đó cũng vậy và không để lại ấn tượng gì ngoài mấy quả phạt không thành bàn.
Dù vậy, HLV Vương Tiến Dũng vẫn nhận ra cầu thủ số 10 của Matsubara có cái chân trái rất ngoan. Theo HLV Vương Tiến Dũng, Hải Phòng lúc đó đã có một tiền vệ trung tâm, một tiền đạo, một trung vệ xịn nhưng vẫn còn thiếu một tiền vệ công. Bây giờ lấy cầu thủ số 10 này và trung vệ đội trưởng Fabio của Matsubara là ổn.
“Tôi lập tức hỏi Mauro về số 10 Leandro và đội trưởng Fabio. Mauro nói, Fabio chơi được 2 vị trí trung vệ và tiền vệ trụ. Matsubara hoàn toàn có thể để lại cho Hải Phòng. Nhưng với Leandro thì không. Mauro thú thật, Leandro sang Việt Nam không phải để chào hàng. Cầu thủ người Brazil này sang Bình Dương thi đấu chỉ để lấy cảm giác. Mục tiêu của Mauro là đưa Leandro sang giải hạng Nhì Tây Ban Nha. Lúc đó tôi mới hiểu vì sao một cầu thủ hay như thế lại không được đá chính. Hóa ra là “hàng trưng bày"”, anh Nam hóm hỉnh kể.
Mauro không muốn bán Leandro nhưng Hải Phòng không muốn mất cơ hội có đủ bộ ngoại binh cho mùa giải mới. Vì thế, anh Nam một lần nữa gây sức ép với Mauro, cho rằng đây là lần thứ 2 vị Chủ tịch của CLB Matsubara thất hứa.
“Lúc đó cũng đã muộn, tôi nói HLV Vương Tiến Dũng về trước, tôi và Giám đốc điều hành CLB ở lại để quyết ký được hợp đồng. Chúng tôi mượn ngay văn phòng của sân Bình Dương và cùng Mauro ngồi thương thảo hợp đồng. Trong phòng thương thảo chỉ có Giám đốc điều hành CLB Hải Phòng, Mauro và người phiên dịch. Tôi ở ngoài để nhận điện thoại từ trong ra, đồng thời liên hệ với người bạn có thể tác động đến Mauro.
Cuộc thương thảo căng thẳng. Mauro một mực không đồng ý vì Leandro không phải để bán. Tôi lập tức điện cho người bạn của Mauro nhờ anh ta nói: đây là chỗ làm ăn, không chơi kiểu ấy được. Mặt khác, phía Mauro muốn giá thế nào cứ đưa ra, phía Hải Phòng chấp nhận hết.
Đến 21h30, cuộc thương thảo mới xuôi xuôi. Giá để có Leandro khá cao, tôi không nói cụ thể được. Nhưng có thể hiểu thế này, cầu thủ ngoại thời điểm đó, giá trong khoảng 100.000 USD là khủng khiếp.
De Jesus là cầu thủ có thương hiệu ở Việt Nam rồi nhưng cũng chỉ 55.000 USD. Giá 80.000 USD -100.000 USD phải tương đương với mua Philani. Sau khi tôi thông báo với lãnh đạo CLB Hải Phòng về giá, lãnh đạo đội bóng đã đồng ý ký hợp đồng với Leandro.
22h hôm ấy, hợp đồng của Leandro được chốt và 4 ngày sau Leandro cùng Fabio đến đại bản doanh của Xi Măng Hải Phòng ở Thủy Nguyên”, anh Nam kể.
Leandro de Oliveira sinh ngày 3/3/1983 tại Sao Paulo, Brazil trong một gia đình khá giả. Dù từng được gọi lên đội tuyển trẻ Brazil năm 17 tuổi nhưng anh vẫn được xem là một cầu thủ chơi bóng nghiệp dư. Trước khi đến Việt Nam, Leandro đã là chủ một doanh nghiệp gỗ, hàng ngày vẫn đi làm và chiều về lại xách giày ra sân thi đấu. Đó là thứ bóng đá nghiệp dư, tự do, phóng khoáng.
Cũng bởi vậy, khi tới một nơi lạ hoắc như Thủy Nguyên, Hải Phòng, rồi phải vào ở tập trung 24/24, Leandro không chịu được sự buồn bã, vắng vẻ. Anh đòi về.
“Tôi phải nhờ Mauro giải quyết. Mauro bay từ TP.HCM ra Hải Phòng rồi sang Thủy Nguyên ở cùng Leandro mấy ngày. Sau đó, Xi măng Hải Phòng cho Leandro đặc quyền, cứ giữa tuần được vào thành phố chơi tự do, CLB thuê phòng khách sạn đẹp cho cậu ta ở”, anh Nam cho biết.
Vượt qua sự cô đơn, nỗi nhớ nhà để cố gắng hòa nhập nhưng Leandro cũng không phải tỏa sáng ngay được.
Video: Bàn thắng thần sầu của Leandro
Mùa giải 2008, Hải Phòng vừa lên hạng vẫn được xem là đội yếu của V-League. HLV Vương Tiến Dũng khi đó dùng chiêu độc. Ông ưu tiên sử dụng bộ đôi trung vệ ngoại và De Jesus cắm phía trên để chơi phòng ngự phản công. Chiến thuật này giúp Hải Phòng lần đầu tiên trong lịch sử thắng được SHB Đà Nẵng ở sân Chi Lăng (vòng 1).
Nhưng khi Hải Phòng đánh bại Thể Công với một siêu phẩm đá phạt của Leandro ở vòng 2, rồi thắng tiếp Khánh Hòa ở vòng 3, HLV Vương Tiến Dũng đã dần thay đổi cách chơi. Ông sử dụng Leandro nhiều hơn ở vị trí hộ công để biến Hải Phòng thành một đội bóng chơi tấn công.
Cuối cùng, điều HLV Vương Tiến Dũng chờ đợi nhất về số 18 người Brazil cũng tới trong trận Hải Phòng tiếp Cảng Sài Gòn trên sân Lạch Tray ở vòng 4.
Leandro lần đầu tiên có tên trong đội hình xuất phát của Hải Phòng và cũng lần đầu tiên ở mùa giải năm đó, đội bóng đất cảng chơi tấn công phủ đầu, bất chấp đối thủ đang là đội đứng đầu bảng xếp hạng với 3 trận toàn thắng, ghi 6 bàn và chưa một lần thủng lưới.
Ngay phút thứ 4, Leandro bẻ bóng vào trung lộ, tung cú sút bằng chân trái tuyệt đẹp hạ thủ thành Công Vương, mở tỷ số cho Hải Phòng và mở đầu cho màn vùi dập Cảng Sài Gòn tới 6 bàn không gỡ ở chảo lửa Lạch Tray.
Phần còn lại của mùa giải 2008 sau đó mọi người đều rõ. Leandro chơi thăng hoa cùng CLB Hải Phòng, góp công lớn đưa đội bóng này cán đích ở vị trí thứ 3. Anh trở thành biểu tượng mới ở Lạch Tray và được CĐV đất cảng gọi với biệt danh “King Leandro”.
“Leandro chưa bao giờ nói với tôi về quãng thời gian thi đấu ở Hải Phòng. Nhưng tôi tin 3 năm ở Hải Phòng là quãng thời gian đẹp nhất trong sự nghiệp của Leandro. Tôi cũng tin, cho đến giờ, cậu ấy vẫn là ngoại binh xuất sắc nhất lịch sử V-League như nhiều người đã khẳng định”, anh Nam chia sẻ.