Hồi đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 mới xuất hiện, thị trường chứng khoán “lao dốc” đẩy mặt bằng giá cổ phiếu rơi xuống mức rất thấp. Để “bắt đáy” cũng như “cứu giá”, không ít lãnh đạo doanh nghiệp và người thân đổ tiền mua vào cổ phiếu.Tuy nhiên, sau đó, VN-Index phục hồi ngoạn mục, nhiều mã tăng phi mã. Vì vậy, khá nhiều sếp doanh nghiệp bán ra chốt lời.
Vung tiền gom mua
Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Hoàng Huy (Tài chính Hoàng Huy, mã chứng khoán TCH) vừa công bố thông tin, ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, đã chi khoảng 134 tỷ đồng để mua 5,5 triệu cổ phiếu TCH trong thời gian từ 24/12 - 19/1 thông qua phương thức khớp lệnh.
Nhiều tỷ phú Việt gom tiền mua cổ phiếu doanh nghiệp mình rồi ồ ạt bán ra khi được giá, bỏ túi hàng chục tỷ đồng.
Thương vụ kết thúc, ông Hạ tăng số lượng cổ phiếu TCH nắm giữ lên 156,6 triệu cổ phiếu, tương đương 44,32% vốn và trở thành cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp này. Vợ ông Hạ, bà Nguyễn Thị Hà, Thành viên Hội đồng quản trị TCH cũng đang sở hữu 19,5 triệu cổ phiếu TCH, tương đương 5,52% vốn. Như vậy, nhà ông Hạ đang nắm giữ gần 50% cổ phần TCH, trị giá khoảng 4.500 tỷ đồng.
Ngày 29/10/2020, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng chào mua thành công 50 triệu cổ phiếu HAG theo phương thức thỏa thuận. Phiên giao dịch cuối tháng 10 ghi nhận có 64,1 triệu cổ phiếu HAG được thỏa thuận với tổng trị giá 307,6 tỷ đồng.
Bầu Đức cho biết lý do ông mạnh tay mua vào HAG là muốn tăng tỷ lệ sở hữu. Ở thời điểm đó, ông là cổ đông lớn nhất và cũng là người duy nhất đang nắm trên 5% vốn của Hoàng Anh Gia Lai.
Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau, Hoàng Anh Gia Lai thông báo bầu Đức muốn bán ra 35 triệu cổ phiếu HAG, mục đích làm tài sản đảm bảo tái cơ cấu khoản vay. Phiên giao dịch ngày 13/11 và 16/11 ghi nhận giao dịch thỏa thuận 20 triệu cổ phiếu và 15 triệu cổ phiếu HAG tại mức giá 4.550 đồng/cp và thu về hơn 159 tỷ đồng.
Sau giao dịch, bầu Đức đã giảm sở hữu tại Hoàng Anh Gia Lai từ 377 triệu cổ phiếu (tương đương 40,62% vốn) xuống 342 triệu cổ phiếu (tương đương 36,85% vốn).
Hồi đầu tháng 2/2020, Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) công bố thông tin về việc ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu với mục đích công bố là để đầu tư. Thời điểm đó, cổ phiếu NVL giảm đáng kể so với mức giá 55.160 đồng/cổ phiếu trong phiên cuối cùng của năm 2019.
Trong khoảng thời gian từ 11/2 đến ngày 11/3, ông Nhơn đã thực hiện nhiều giao dịch theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Tuy nhiên, ông không mua vào hết số lượng đăng ký. Sau giao dịch, ông Nhơn đã nâng sở hữu tại Novaland từ 191,69 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 19,771% lên 201,04 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 20,736%.
Nguyên nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland không mua hết lượng cổ phiếu NVL đã đăng ký là do chưa hoàn tất kịp thủ tục nhận chuyển nhượng cổ phiếu trong thời hạn đăng ký mua. Trong khoảng thời gian mua vào, giá cổ phiếu NVL giao dịch dưới mốc 50.000 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, mã NVL bứt phá mạnh những phiên sau đó.
Đến giữa tháng 9/2020, ông Nhơn nâng tỷ lệ sở hữu lên 22,33% sau khi thực hiện quyền mua 800.000 cổ phiếu được phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOFT).
Không giao dịch cổ phiếu với lượng “khủng” như bầu Đức hay ông Nhơn nhưng nhiều sếp lớn Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng “lướt sóng” cổ phiếu VPB.
Trong đợt phát hành cổ phiếu ESOP năm 2020 thực hiện 3-9/12/2020, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Kế toán trưởng VPBank và ông Nguyễn Thành Long, Phó Tổng giám đốc VPbank được phân phối lần lượt 158.680 cổ phiếu và 163.480 cổ phiếu.
Đến cuối năm 2020, Bà Nguyễn Thị Thu Hằng đăng ký bán ra 24.000 cổ phiếu nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân. Ông Nguyễn Thành Long đăng ký bán 40.000 cổ phiếu VPBank do nhu cầu tài chính cá nhân.
Chốt lời ngoạn mục, bỏ túi trăm tỷ đồng
Theo tin từ Novaland, ông Bùi Thành Nhơn đăng ký bán ra 12 triệu cổ phiếu NVL trong tổng số hơn 216,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 21,99%) đang sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ 12/1 đến 10/2/2021.
Với mức giá dao động trong khoảng 80.000 đồng/cổ phiếu, nếu bán thành công, ông Bùi Thành Nhơn sẽ thu về khoảng 960 tỷ đồng. Nếu giữ đà tăng giá, chỉ vài ngày nữa con số có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng. Đây có lẽ cũng là thương vụ kinh doanh cổ phiếu thành công hiếm có, với mức lợi nhuận khoảng 250 tỷ - 400 tỷ đồng trong vài tháng.
Trong khi đó, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen do ông Lê Phước Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đăng ký bán hết 43.140.478 cổ phiếu, chiếm 9,7% nhằm giải quyết nhu cầu tài chính công ty. Thời gian giao dịch từ ngày 4/12 đến 2/1/2021.
Tuy nhiên, hết thời gian giao dịch, tổ chức liên quan đến ông Vũ mới bán được 27.004.749 cổ phiếu HSG, thời gian giao dịch từ ngày 4/12/2020 đến ngày 2/1/2021. Nguyên nhân không bán hết như đã đăng ký do giá chưa đạt kỳ vọng, số lượng cổ phiếu đang nắm giữ sau khi thực hiện giao dịch là 16.135.729 cổ phiếu, chiếm 3,63%.
Trước đó, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đã bán hết 30 triệu cổ phiếu HSG như đã đăng ký, sau giao dịch số cổ phiếu mà công ty nắm giữ đã giảm xuống từ hơn 73,14 triệu cổ phiếu, chiếm 16,45% giảm còn hơn 43 triệu cổ phiếu, chiếm 9,7%. Giao dịch được thực hiện từ ngày 25/11 đến 1/12/2020.
Trong năm 2020, cổ phiếu Hoa Sen Group cũng tăng trưởng phi mã gần 200%.
Tương tự, nhờ giá cổ phiếu liên tiếp lập đỉnh mới kể từ khi niêm yết năm 2007 tới nay nên không ít lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đã đăng ký bán hàng triệu cổ phiếu, thu về hàng tỷ đồng.