"Các nhà lãnh đạo của Hamas nhận ra rằng cuộc tấn công vào ngày 7/10 là tính toán sai lầm", tờ The Economist trích dẫn nguồn tin cho hay.
Sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas, nhóm chiến binh Palestine đang phải đối mặt với sự bất đồng nội bộ và những thay đổi tiềm tàng khi đánh giá lại chiến lược.
Các tòa nhà bị hư hại ở Khan Yunis, Gaza. (Ảnh: Getty)
Thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh và vệ sĩ của ông thiệt mạng do trúng "đạn tầm ngắn" tại thủ đô Iran. Cả Iran và Hamas đều đổ lỗi cho Israel về vụ tấn công. Trong khi đó, Iran cảnh báo Israel hứng chịu "hình phạt khắc nghiệt", làm dấy lên lo ngại về sự leo thang trong khu vực.
Israel không xác nhận cũng không phủ nhận sự liên quan của mình trong vụ ám sát. Tuy nhiên, quân đội Israel xác nhận thủ lĩnh cánh quân sự Hamas Mohammed Deif thiệt mạng trong cuộc không kích ở Gaza vào tháng trước. Vị này được xem là một trong những người chủ mưu của vụ tấn công ngày 7/10.
Các chuyên gia phân tích cho rằng Iran có thể đáp trả trực tiếp, tương tự việc phóng hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa về phía Israel sau cuộc tấn công vào lãnh sự quán Iran tại Damascus vào tháng 4.
Theo giới phân tích, hành động khác có thể gồm việc nhắm vào công dân Israel trên toàn cầu, gia tăng các hoạt động hạt nhân, gây gián đoạn các tuyến đường vận tải biển hoặc tấn công các cơ sở ngoại giao của Israel.
Theo tờ The Economist, cuộc chiến kéo dài suốt nhiều tháng với Israel làm giảm tín nhiệm của Hamas trong việc duy trì trật tự ở Gaza, sự ủng hộ đối với quyền cai trị của lực lượng này giảm mạnh. Sau vụ tấn công ngày 7/10, Mỹ cũng gây sức ép buộc Qatar trục xuất nhà lãnh đạo Hamas khỏi nơi ẩn náu của họ ở Doha nếu không đồng ý ngừng bắn với Israel.
Xung đột ở Gaza bắt đầu sau khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10/2023, khiến hơn 1.170 người, chủ yếu là dân thường thiệt mạng. Israel đã tiến hành cuộc tấn công trả đũa khiến hơn 34.900 người ở Gaza thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.