Ngay trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn (từ đầu tháng 2/2024), thị trường hoa lan đột biến bắt đầu nhộn nhịp trở lại khi nhiều cây được chào bán trên mạng xã hội với giá hàng trăm triệu đồng. Kèm theo đó là lời quảng cáo đầy sức hấp dẫn “giữ được lan sẽ thắng lớn” và hình ảnh các túi tiền to, thông tin sắp có giao dịch "khủng" giống năm 2020 - thời hoàng kim của lan đột biến với các cuộc chuyển nhượng bạc tỷ.
Một số tài khoản chào bán những chậu lan đột biến với giá cao ngất. Chẳng hạn một chậu lan đột biến 5 cánh trắng Kinh Bắc được chào bán với giá 350 triệu đồng, lan đột biến 5 cánh trắng tia chớp Pleiku với giá gần 130 triệu đồng…
Một tài khoản Facebook có tên V.L.H.T. rao bán kie năm cánh trắng Kinh Bắc dài 13cm với giá hơn 555 triệu đồng và chỉ bán trong ngày. (Ảnh chụp màn hình)
Tài khoản HT. còn đăng một đoạn video ngắn trong đó xuất hiện hàng trăm người gồm cả nam lẫn nữ, cả già lẫn trẻ đứng thành hàng, trước mặt hoặc trên tay mỗi người đều xuất hiện một giò hoa lan, đồng loạt hô lớn tỏ thái độ mừng vui khôn xiết.
Đoạn video đã thu hút gần 55.000 lượt xem kèm hàng trăm bình luận. Không ít người lại nhen nhóm giấc mộng làm giàu với lan đột biến.
Thời điểm nửa đầu năm 2022, giới buôn lan đột biến từng bị bóc mẽ là tự dựng nên những cuộc giao dịch ảo giá "khủng" để gây sốt ảo, đẩy giá lan lên cao vút, khiến nhiều người ham làm giàu tiền mất tật mang do đổ tiền mua lan đột biến. Thị trường sau đó nhanh chóng lụi tàn, chỉ còn lác đác những giao dịch bình thường của những người thích chơi hoa lan với giá trị chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng.
Nhiều người lại chào bán lan đột biến với giá vài trăm triệu đồng. (Ảnh chụp màn hình)
Do đó, những thông tin về các giao dịch lan đột biến với mức giá "khủng" trong thời gian gần đây khiến dư luận vừa bất ngờ vừa hoài nghi.
Cẩn trọng sập bẫy
Qua khảo sát thực tế, các loại hoa lan đột biến hiện vẫn đang được rao bán trên nhiều hội nhóm với giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Ví dụ, trên diễn đàn Facebook Hội giao lưu lan rừng đột biến Việt Nam có trên 50.000 thành viên, nhiều nhà vườn tại Đắk Lắk, Hòa Bình…rao bán lan đột biến 5 cánh trắng bạch tuyết chỉ 250.000 đồng/kie.
“Giá lan đột biến tăng cao, sốt trở lại chỉ là thông tin thất thiệt trên mạng. Thực tế hiện nay thị trường gần như không có giao dịch. Bởi người mua lan bây giờ chỉ chấp nhận bỏ ra số tiền vài trăm nghìn đồng để thỏa mãn thú chơi lan đột biến vì thực sự yêu thích. Loại lan đột biến đẹp nhất như 5 cánh trắng bạch tuyết cũng không có giá tiền triệu”, anh Thuận Nguyễn, một người chơi lan đột biến lâu năm ở Phú Thọ nói.
Một chủ vườn lan đột biến khác ở Hòa Bình cũng xác nhận: “Ở thời điểm hiện tại, lan đột biến mà bán được với giá tiền triệu đã khó chứ đừng nói tới vài chục triệu đồng. Còn rao bán lan với giá vài trăm triệu đồng bây giờ thì chẳng khác gì là những người hoang tưởng".
Trong khi đó, trả lời VTC News, ông Vương Xuân Nguyên, Chánh Văn phòng Hội Sinh Vật cảnh thành phố Hà Nội, cảnh báo: "Khách hàng cần tỉnh táo quan sát. Bây giờ nếu có người nói “Bàn giao chậu lan đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ giá 500 triệu đồng" thì nếu đúng cũng có khả năng là chậu hoa lan này đã được chốt giao dịch từ thời điểm lan đột biến còn đắt đỏ, đến bây giờ người ta mới bàn giao. Đây chắc chắn không phải giao dịch xuất phát ở thời điểm hiện tại".
Một nhóm người đang tỏ ra vui mừng khi nói về hoa lan đột biến. (Ảnh chụp màn hình)
Ông Nguyên cũng nói thêm, nếu liên tục xuất hiện các giao dịch lan đột biến với giá trị cao đến khó tin thì người tiêu dùng nên cẩn trọng, tránh để bị cuốn vào một “làn sóng" làm giá lan đột biến mới.
Theo ông Nguyên, sau một thời gian bị đóng băng, thị trường lan đột biến đã có sự sàng lọc nhất định. Hiện tại, những nhà vườn lớn và những người sưu tầm lan nhiều năm bắt đầu có những hoạt động giao lưu, trao đổi trở lại trên cơ sở một số địa phương công nhận lan là một loại cây đặc hữu, đưa cây lan vào xây dựng thành sản phẩm ocop.
“Người tiêu dùng nên nhìn vào bản chất của thị trường, tránh để những “giao dịch ảo” mang tính thổi giá, “lùa gà" dẫn dắt tư duy của mình", ông Vương Xuân Nguyên khuyến cáo.