1. Thừa nhận sai lầm: Sau khi bình tĩnh lại, cha mẹ cần thẳng thắn nhận lỗi, thay vì trốn tránh hoặc cho rằng mình là người lớn nên không sai. Tiến sĩ Jennie Hudson tại Đại học New South Wales (Australia) khuyên cha mẹ nên đi thẳng vào vấn đề, ví dụ như: "Bố mẹ sai vì lớn tiếng với con. Bố mẹ đã mất bình tĩnh, nhưng đây không phải lỗi của con". Sau đó, bạn có thể "mượn" tình huống này để làm bài học cho con. Ví dụ, bạn có thể cho trẻ biết cách bạn lấy lại bình tĩnh nhanh chóng để nói chuyện với con, theo New York Times. (Ảnh: Positive Parenting Solutions)
2. Luôn nói xin lỗi: Đôi khi các cha mẹ thường "chữa cháy" lỗi sai bằng cách tặng quà cho con, thậm chí một số cha mẹ châu Á gọi con xuống nhà ăn cơm như một cách để xin lỗi. Tuy nhiên, cách làm này không hoàn toàn hiệu quả. Một lời xin lỗi chân thành luôn là cách tốt nhất để hòa giải mọi mâu thuẫn với con cái. "Đôi khi những món quà có thể thay cho lời xin lỗi, nhưng trẻ vẫn luôn muốn nghe 'xin lỗi' từ người lớn", nhà văn Susan Shapiro nói với Parents. (Ảnh: The Japan Times)
3. Giải thích cho trẻ hiểu chuyện gì đã xảy ra: Đôi khi, trong lúc nóng giận, chúng ta không nhận thức được lời nói và hành vi của bản thân. Sự tức giận trong vô thức có thể làm tổn thương người khác, đặc biệt là con trẻ. Vì thế, sau khi lấy lại bình tĩnh, bạn nên giải thích cho trẻ hiểu những chuyện đã xảy ra, đồng thời phân tích cho các em biết đó là hành động không nên làm. Cách làm này sẽ giúp trẻ hiểu ra vấn đề, đồng thời thông cảm cho hành động của bạn. (Ảnh: Greenwich Moms)
4. Chứng minh điều đó sẽ không lặp lại: Sau khi xin lỗi, cha mẹ không nên tìm mọi cách để bù đắp cho sai lầm của mình. Thay vào đó, bạn cần cho trẻ hiểu rằng bạn sẽ không lặp lại điều đó và khiến trẻ tổn thương thêm. Ví dụ, bạn có thể nói: "Lần sau bố mẹ sẽ tìm một nơi yên tĩnh để suy xét mọi việc thay vì mắng con". Một lời hứa, lời xin lỗi chân thành sẽ trở thành sợi dây gắn kết, giúp trẻ cảm thấy yên tâm với mối quan hệ gia đình. (Ảnh: Square Dolly)
5. Lắng nghe con nói: Sau những cuộc cãi vãi, trẻ có thể bị tổn thương. Cha mẹ sẵn sàng nhận lỗi và lắng nghe tiếng lòng của con chính là cách để xoa dịu những tổn thương đó. Việc để trẻ bộc lộ suy nghĩ sẽ giúp bạn hiểu con mình suy nghĩ và cảm nhận thế nào trước cơn thịnh nộ của mình. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ cảm thấy bản thân được tôn trọng và lắng nghe. Qua đó, những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái sẽ nhanh chóng được cải thiện. (Ảnh: Beech Acres Parenting Center)