Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ba Lan kiêm nhiệm Litva, cho biết các cán bộ Đại sứ quán đang làm hết mình để triển khai tốt nhất các nhiệm vụ cấp bách đặt ra trong tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng. Trong đó, cấp bách nhất là công tác đón bà con tại cửa khẩu, lo nơi ăn chốn ở tối thiểu và tiếp đến là tổ chức chuyến bay cứu trợ ngày 9/3 và một chuyến bay thứ hai trong vài ngày tiếp theo; trong bối cảnh số lượng người đăng ký nguyện vọng về nước là hơn 530 người.
Đại sứ Nguyễn Hùng, cán bộ Đại sứ quán và Hội người Việt tại Ba Lan thông tin về công tác bảo hộ công dân chạy nạn từ Ukraine. (Ảnh: Quang Dũng)
Đại sứ quán phải phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Biên phòng và các cơ quan chức năng của Ba Lan để triển khai công tác bảo hộ tốt nhất cho từng công dân; trực tiếp có mặt ngày đêm ở cửa khẩu để xác minh từng trường hợp giúp bà con được phép nhập cảnh vào lãnh thổ Ba Lan, tiếp đến là rà soát kỹ trong danh sách bà con từ Ukraine sang để đảm bảo tính minh bạch, an toàn và công bằng, tránh không để xảy ra bất kỳ sai sót nào trong tổ chức chuyến bay cứu trợ đưa bà con về nước.
Đại sứ Nguyễn Hùng nhấn mạnh, với chủ trương ưu tiên cao nhất cho việc cứu trợ, bảo hộ các công dân gặp nạn do chiến tranh ở Ukraine, các biện pháp xác minh lãnh sự đang được Đại sứ quán thực hiện hết sức linh hoạt: “Rất nhiều bà con từ Ukraine chạy sang sơ tán tại Ba Lan không có đủ giấy tờ theo quy định của Ba Lan như hộ chiếu hay giấy tờ tuỳ thân. Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đã làm việc rất chặt chẽ với Cơ quan Biên phòng Ba Lan để giúp những bà con không có đủ giấy tờ được xác minh thông qua những giấy tờ có thể mang theo trên người, từ giấy khai sinh cho đến các giấy tờ tuỳ thân khác được chụp lưu trong điện thoại. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng tiến hành xác minh nhanh và làm cam kết để Cơ quan Biên phòng Ba Lan cho phép bà con sớm được nhập cảnh”.
Về công tác tổ chức đón đưa tại cửa khẩu biên giới, Đại sứ Nguyễn Hùng cho biết đến cuối ngày 06/3, con số do Cơ quan Biên phòng Ba Lan cung cấp cho thấy đã có hơn 1.700 người Việt chạy nạn từ Ukraine sang Ba Lan, chưa kể một số lượng không nhỏ bà con người Việt sử dụng hộ chiếu và giấy tờ Ukraine. Dòng người này tạo sức ép rất lớn đối với các hội đoàn người Việt Nam tại Ba Lan cả về nhân lực và vật lực. Do đó, Đại sứ cũng kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để tiếp sức cho Hội người Việt Nam tại Ba Lan trong bối cảnh chiến tranh sẽ còn kéo dài và gây nhiều hậu quả nặng nề.
“Hội người Việt tại Ba Lan cũng như các cơ sở đón tiếp bà con gặp những thách thức nhất định khi số lượng bà con từ Ukraine chạy sang Ba Lan rất đông. Do đó, chúng tôi rất mong muốn có sự hỗ trợ từ các Hội người Việt ở các nước láng giềng cũng như các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ở cả nước ngoài lẫn trong nước, để Hội người Việt tại Ba Lan có thể đảm bảo được tốt nhất công tác trợ giúp bà con sang sơ tán” - Đại sứ Nguyễn Hùng nói.
Về phương án hỗ trợ cụ thể, hiện tại Hội người Việt tại Ba Lan đã công bố tài khoản của Hội trên báo Quê Việt - tờ báo chính thức của Hội để nhận sự trợ giúp, đóng góp của bà con trong nước và trên thế giới, nhằm mục đích giúp đỡ hiệu quả nhất cho đồng bào chạy nạn từ Ukraine.
Tuy nhiên, về lâu dài, ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch người Việt Nam tại Ba Lan cho biết Hội cũng sẽ phải bàn thảo kỹ lưỡng chiến lược và cần thiết phải thay đổi phương án hành động hiện nay để trợ giúp có hiệu quả hơn đồng bào từ Ukraine sang, đặc biệt khi số lượng người sang Ba Lan ngày càng đông và nhu cầu di chuyển tiếp theo của bà con cũng rất khác nhau.
“Chủ trương của chúng tôi là phân nguồn nước thì phải phân từ đầu nguồn. Ngay từ cửa khẩu chúng tôi bố trí các nhóm tình nguyện viên để hướng dẫn bà con. Nếu bà con nào có nhu cầu đi sang các nước khác, ví dụ như Đức, thì nhóm tình nguyện viên sẽ hướng dẫn bà con cách đi xe, đi tàu và tất cả đều miễn phí. Chúng tôi cũng đã liên lạc với đội tình nguyện viên bên Đức để khi bà con sang đến nơi cũng sẽ được trợ giúp chu đáo. Đó cũng là một hình thức để giảm tải gánh nặng cho Warsaw”.
Ngoài việc di chuyển và ăn ở, một trong các vấn đề lớn khác mà bà con chạy nạn từ Ukraine hiện đang rất quan tâm, đó là về các chính sách xin tị nạn tại Ba Lan và các nước thứ ba trong Liên minh châu Âu. Đối với vấn đề này, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan xác định đây là nhiệm vụ lâu dài và phức tạp do bản thân chính sách của Ba Lan và các nước EU chưa nhất quán và thay đổi thường xuyên trong bối cảnh chiến tranh.
Ông Nguyễn Minh Quế - Tham tán – Công sứ - Người thứ hai tại Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan cho biết: “Hiện tại chúng tôi vẫn theo dõi rất sát các quy định, các chính sách chung của Liên minh châu Âu (EU) và Ba Lan liên quan đến người Việt. Cụ thể như sau: tất cả những người nào không mang quốc tịch Ukraine mà có thẻ cư trú dài hạn tại Ukraine có thể xem xét làm đơn xin quy chế tị nạn chiến tranh tại Ba Lan hoặc một quốc gia Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, những người nào không có thẻ cư trú dài hạn hoặc visa Ukraine thì không được phép cư trú khi làm đơn xin quy chế tị nạn mà buộc phải về nước trong vòng 15 ngày. Đại sứ quán sẽ tiếp tục theo dõi và nếu có thông tin cập nhật hơn, mới hơn, thì chúng tôi sẽ lập tức cung cấp cho bà con được biết”.