Xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã kéo dài đến ngày thứ 11. Theo các chuyên gia quân sự, cuộc tấn công của Nga hướng vào các mục tiêu quân sự ở Ukraine đến nay đang không diễn ra như kế hoạch. Quân Nga phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt hơn dự kiến, bên cạnh những lệnh trừng phạt khắc nghiệt đến từ các quốc gia phương Tây.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Theo Wall Street Journal, rất khó dự đoán chính xác tình hình trước mắt, nhưng các chuyên gia đang tập trung một số yếu tố để cung cấp manh mối, bao gồm tình hình chiến sự và tác động của các lệnh trừng phạt lên các bên.
Một quân nhân Ukraine trên xe bọc thép ở vùng Kiev.
Dưới đây là năm biến số mà các nhà phân tích quân sự cho rằng có thể xác định diễn biến của cuộc chiến:
Giới quan sát phương Tây cho rằng quân đội Nga đã không hoạt động hiệu quả trong những ngày đầu giao tranh với Ukraine. "Một đội quân được hiện đại hóa trong hơn một thập kỷ được kỳ vọng sẽ đánh bại khả năng kháng cự của Ukraine", Wall Street Journal đánh giá.
Tuy nhiên, Nga đã không thực hiện chiến dịch quân sự kết hợp nhiều nhánh khác nhau kể từ giao tranh tại Afghanistan năm 1979. "Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy quân đội Nga không được đào tạo bài bản, không được chỉ huy tốt cùng khâu hậu cần thiếu hiệu quả. Đó là thất bại ở khâu lên kế hoạch, hoặc Nga đã đánh giá thấp Ukraine", ông Clarke, cựu giám đốc của Royal United Services Institute cho biết.
Theo ông Clarke, lực lượng quân đội Nga đã được hiện đại hóa, nhưng dường như chưa khắc phục được điểm yếu trong quá khứ. Richard Shirreff, cựu phó chỉ huy quân sự NATO, nhấn mạnh: "Người Nga cần phải học hỏi, trên khía cạnh phối hợp tấn công bằng vũ khí theo cách chuyên nghiệp hơn so với cách họ đang làm hiện tại".
Các phương tiện quân sự của Nga ở Armyansk, Crimea vào cuối tháng 2.
Có thể Moskva đã chủ động hạn chế quy mô chiến dịch ngay từ thời điểm đầu xảy ra giao tranh, với mong đợi Ukraine sẽ kháng cự ít hơn so với những gì thực tế Nga đã trải qua. Quân đội Nga có thể duy trì chiến thuật này, rồi kỳ vọng phía Ukraine sẽ kiệt sức.
Theo một số nhà phân tích quân sự, một kịch bản dễ xảy ra là Nga sử dụng hỏa lực mạnh hơn để tiến sâu hơn vào Ukraine, bao vây các thành phố hoặc sử dụng vũ khí hạng nặng chống lại họ.
Cho đến nay, quân đội Ukraine đã tận dụng tối đa tài nguyên quân sự để đối đầu với địch thủ lớn hơn và tiên tiến hơn. Quá trình tiến quân chậm của Nga là minh chứng đầu tiên và quan trọng nhất cho khả năng phòng thủ của quân đội Ukraine. Ông Shirreff đánh giá: "Tinh thần là yếu tố quan trọng trong chiến đấu và người Ukraine tin rằng họ sở hữu yếu tố này".
Quyết tâm tiếp tục tại vị của Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng giúp duy trì chiến dịch Ukraine. Sự xuất hiện của Zelensky trên mạng xã hội, cùng với những đoạn phim quay về cuộc chiến của người dân Ukraine đã giúp Kiev giành được thiện cảm ở quê nhà và ở phương Tây.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng quân đội Ukraine sớm muộn gì cũng vụn vỡ. Người Ukraine đã chiến đấu với tất cả những gì mình có suốt thời gian. Họ không có thời gian nghỉ ngơi. Trong khi đó, Nga có thể tiếp tục củng cố tiền tuyến bằng những binh lính mới.
Các binh sĩ Ukraine tập trung gần một trận địa chống lại lực lượng Nga dọc theo con đường nối Kiev với miền tây Ukraine.
Điều gì xảy ra tiếp theo? Giả định phổ biến là Moskva sẽ tìm cách thành lập chính phủ mới ở Kiev để điều hành phía tây Ukraine, đồng thời sáp nhập phần lớn lãnh thổ nước này ở phía đông sông Dnipro.
Một giả thiết khác được đưa ra là quân đội Ukraine sẽ tan rã và cuộc nổi dậy bắt đầu, buộc quân đội Nga phải tăng cường lực lượng để chiến đấu và kiểm soát.
Chính phủ ở các nước phương Tây đã loại trừ khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vào Ukraine, bao gồm cả phương án hình thành vùng cấm bay khiến họ xung đột trực tiếp với không quân Nga. Thay vào đó, họ lựa chọn cung cấp vũ khí để giúp người Ukraine tự vệ và tăng cường quân số ở các quốc gia cực Đông của NATO.
Giới phân tích nhận định Nga sẽ tìm cách đóng cửa biên giới Ukraine - Ba Lan để ngăn chặn vũ khí phương Tây tràn vào. Đó là bước đi có thể làm tăng nguy cơ xung đột leo thang khi có tác động đến các nước NATO, trong đó có Ba Lan.
Vũ khí lớn nhất mà phương Tây triển khai là một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế của Nga và các lãnh đạo của nước này. Các lệnh trừng phạt đã nhằm vào ngân hàng trung ương, các ngân hàng thương mại, các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh của Nga. Người Nga đã xếp hàng dài bên ngoài các ngân hàng để rút tiền, trước nguy cơ lạm phát có khả năng tăng cao. Nước Nga sẽ cảm thấy gánh nặng kinh tế đã ở ngay trước mắt.
Các biện pháp trừng phạt đó có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào hành động của Nga. Tất nhiên, các nước phương Tây cũng phải trả giá ít nhiều. Các biện pháp trừng phạt có thể làm gia tăng lạm phát. Đó là chưa kể Nga có thể trả đũa bằng cách cắt nguồn cung cấp năng lượng, dẫn đến việc phân phối điện ở châu Âu.
Dù vậy, những biện pháp trừng phạt có thể không thay đổi lập trường của chính quyền Tổng thống Putin. "Putin và những cộng sự của ông, ít nhất là những chính trị gia hoặc tướng lĩnh xung quanh ông, chưa bao giờ cúi đầu trước các lệnh trừng phạt", James Sherr, thành viên cấp cao của Viện Chính sách Đối ngoại Estonia, khẳng định.
Một binh sĩ Ukraine sau trận pháo kích ở trung tâm thành phố Kharkov.
Phong trào ủng hộ dành cho Ukraine đang lan nhanh ở các nước phương Tây, khi người dân Ukraine được coi là nạn nhân của cuộc chiến phi nghĩa và vô cớ. Điều đó có thể củng cố nền tảng, giúp các chính phủ duy trì các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, theo thời gian, sự đoàn kết đó có thể bị xói mòn khi các nước đối mặt với những khó khăn kinh tế. Bất kỳ nền hòa bình mơ hồ nào do Moskva áp đặt lên Ukraine có thể khiến phương Tây tranh luận về cách điều chỉnh lệnh trừng phạt.
Theo các nhà phân tích, một quốc gia có thể có ảnh hưởng lớn hơn đối với Nga là Trung Quốc, nơi giới lãnh đạo nước này đang lo ngại về viễn cảnh leo thang quân sự.
Đây vẫn là ẩn số. Phương Tây không chỉ khó khăn trong việc xác định lập trường của Nga, mà còn chưa biết điều gì sẽ ảnh hưởng đến những quyết định ở Moskva.
"Phần lớn người Nga lấy thông tin của họ từ các chương trình truyền hình bị kiểm duyệt, vì vậy nhiều người sẽ tin rằng những khó khăn kinh tế mà họ đang phải gánh chịu không phải do lỗi của chính phủ của họ mà là của phương Tây", Wall Street Journal phân tích.
Ngoài những khó khăn về kinh tế, bất kỳ chiến dịch dài hơi nào ở Ukraine cũng khiến nhiều binh sĩ Nga thiệt mạng, một yếu tố mà trong quá khứ đã làm lung lay ngay cả những người vốn thường ủng hộ Tổng thống Putin.
Xác xe bọc thép chở quân của Ukraine bên ngoài một ngôi trường ở Kharkiv.
Nga và Ukraine đã bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Nhiều nhà phân tích bi quan cho rằng đôi bên có thể chỉ tìm đến một giải pháp tức thì.
Các biến số trong cuộc đàm phán chủ yếu phụ thuộc vào hai mục tiêu của Nga: Sự trung lập của Ukraine và lãnh thổ Ukraine. Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và có khả năng Ukraine chấp nhận điều đó. Nga cũng có thể tìm cách sáp nhập thêm những vùng lãnh thổ xa hơn ở phía đông sông Dnipro.
Angela Stent, chuyên gia về các vấn đề Nga tại Đại học Georgetown, cho biết có thể Nga sẽ cố gắng "chia Ukraine thành nhiều phần và để yên cho phía Tây Ukraine". Nhưng điều này có thể dẫn đến một chính phủ nghiêng về phương Tây ở thủ đô Kiev.
Các nhà phân tích cho rằng có thể Nga sẽ tìm kiếm một hiến pháp Ukraine nhằm trao quyền độc lập đáng kể cho phía đông đất nước và có quyền phủ quyết đối với những hành động của chính phủ Ukraine. Dù vậy, ngay cả khi Ukraine đồng ý tổ chức bầu cử, Nga vẫn đối diện những rủi ro nhất định.
Thay vì thuyết phục Ukraine đứng ở thế trung lập, cuộc xung đột vũ trang của Nga có thể khiến Ukraine nghĩ theo hướng ngược lại. "Ukraine sẽ không chấp nhận bất lực. Họ có thể đưa ra một số bảo đảm liên quan đến lực lượng quân đội nước ngoài hay tên lửa, nhưng nếu tôi là người Ukraine, điều này sẽ không ngăn cản tôi tiếp tục mong muốn gia nhập NATO", ông Freedman kết luận.