Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Làm sao để không bị COVID-19 'nhốt' mãi trong 'lồng giãn cách'?

Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương trả lời báo điện tử Đảng Cộng sản về việc ứng dụng công nghệ để không bị COVID-19 nhốt mãi trong “lồng giãn cách”.

* Tít bài do Toà soạn đặt 

Ông Phạm Đại Dương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên (trái)

- Thưa đồng chí, hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, đồng chí nhận định thế nào về dịch bệnh, các giải pháp chúng ta đang thực hiện hiện nay?

Chúng ta đã biết, hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiện một số tỉnh thành như TP.HCM, Hà Nội và các địa phương đã và đang thực hiện theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc thực hiện nghiêm theo quy định của các Chỉ thị này nhằm phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao. Mục tiêu chúng ta hướng tới, để đẩy lùi được dịch là phải tiêm vaccine với độ bao phủ rộng, đạt miễn dịch cộng đồng càng nhanh càng tốt.

Kinh nghiệm các quốc gia cho thấy khi tiêm đủ liều vaccine thì nguy cơ mắc COVID-19 ở người được tiêm đủ số liều vắc xin theo khuyến cáo sẽ giảm đi nhiều. Chẳng hạn, theo ước tính trên phạm vi quốc gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, những người được tiêm chủng thì nguy cơ nhiễm virus và phát triển thành bệnh thấp hơn 8 lần; nguy cơ nhập viện, tử vong thấp hơn 25 lần.

Và nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, ngay cả khi đã tiêm chủng mà vẫn nhiễm SARS-CoV-2, thì lợi ích mà mũi vaccine mang lại vẫn là rất quan trọng với cá nhân người tiêm và cộng đồng.

Tuy nhiên cũng có những cảnh báo từ các chuyên gia, đó là việc các biến thể của COVID-19 quá nhanh, biến thể sau sẽ mạnh hơn biến thể trước đó và có thể kháng được vaccine, vậy thì vaccine cũng sẽ không thể giải quyết triệt để được dịch bệnh. Vậy, chúng ta sẽ phải chuẩn bị với tình huống sẵn sàng “sống chung với lũ”, chí ít là đến khi có thuốc điều trị đủ hiệu quả và quan trọng là đủ rẻ để tất cả người dân đều có thể được sử dụng.

Sống chung với COVID-19, nhưng người dân phải được an toàn, đồng thời, cũng phải đủ thuận tiện để có thể sinh sống và tham gia đóng góp phát triển kinh tế xã hội. Muốn như thế, người dân phải được cung cấp đủ thông tin, chủ động nắm bắt và phòng tránh dịch bệnh thông qua một thiết chế đủ thông minh và thuận tiện cho tất cả mọi người. Đó chính là lúc chúng ta cần đến công nghệ.

- Xin đồng chí chia sẻ cụ thể hơn về ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch?

Với các giải pháp định danh cá nhân, các phương thức kiểm soát và với nỗ lực tích hợp dữ liệu thì chúng ta dễ dàng biết được tình trạng y tế của một cá nhân. Từ việc đã tiêm vaccine chưa? kết quả xét nghiệm gần nhất là như thế nào? có di chuyển qua các vùng nguy cơ cao không?….

Thông qua mã QR cá nhân, người dân có thể thuận tiện đi qua các chốt kiểm soát tự động. Các ứng dụng thông minh cũng sẽ kịp thời thông tin tới người sử dụng về các mối nguy cơ tại các khu vực liên quan.

Ngoài ra, các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe cá nhân sẽ giúp cơ quan chức năng, đội ngũ y tế giám sát tình trạng sức khỏe bệnh nhân để kịp thời tư vấn từ xa, thay vì phải luôn trực chiến.

Có rất nhiều ứng dụng công nghệ giúp công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn, và giúp chúng ta thoải mái, thuận tiện hơn. Vấn đề là, chúng ta có sẵn sàng thay đổi thói quen đế tiếp nhận công nghệ mới hay không.

- Vậy, hiện nay tỉnh Phú Yên đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch bệnh như thế nào, thưa đồng chí?

Ngay từ giai đoạn đầu chống dịch, Phú Yên xác định cần phải đúc rút kinh nghiệm của các địa phương đi trước, thực hiện tốt các hướng dẫn của Trung ương, của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, của Bộ Y tế…Đồng thời, chúng tôi từng bước ứng dụng công nghệ để hỗ trợ các khâu như truy vết, xét nghiệm ...

Việc ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch ban đầu gặp không ít trở ngại vì đa phần cán bộ, công chức, người lao động và cả người dân quen với thói quen cũ, ngại thay đổi. Do đó, chúng tôi chọn cách tiếp cận từng bước, để cán bộ và người dân thấy lợi ích và quen dần với việc sử dụng các công nghệ, tiến tới triển khai rộng hơn, sâu hơn.

Hiện nay, Phú Yên đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia và Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Chính phủ để đưa các giải pháp công nghệ vào tất cả các khâu phòng chống dịch.

Chúng tôi tin tưởng rằng việc triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ này sẽ giúp công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn, thuận tiện hơn. Ví dụ như việc ứng dụng kiểm soát ra vào các điểm bằng mã QR thì công tác truy vết sẽ rất nhanh và hiệu quả. Hay việc ứng dụng mã QR vào trong lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm qua Bluezone thì sẽ hạn chế được việc tụ tập đông người, cơ quan chức năng cũng sẽ dễ dàng kiểm soát được kết quả xét nghiệm của các cá nhân. Tương tự như vậy với việc quản lý tiêm chủng.

Việc tích hợp cơ sở dữ liệu y tế và cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án của Bộ Công an đang triển khai sẽ giúp xác định những người cao tuổi, người có bệnh nền để tập trung ưu tiên tiêm phòng vắc-xin, kịp thời có các biện pháp xử lý trong quá trình điều trị nhằm giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế các rủi ro…

Việc triển khai các giải pháp này không chỉ có ý nghĩa ngay trong giai đoạn phòng chống dịch này, mà còn có ý nghĩa quan trọng, đó là Phú Yên sẽ có dữ liệu tích hợp, có thói quen sử dụng công nghệ, và quan trọng hơn, một tư duy chấp nhận đổi mới. Đồng thời, đó cũng là một bước trong quá trình chuyển đổi số.

Theo tôi, ứng dụng công nghệ trong ứng phó với dịch là cần thiết, để ổn định, an dân và phát triển kinh tế, để chúng ta không bị COVID-19 nhốt mãi trong “lồng giãn cách”.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Giải pháp ứng dụng công nghệ vào phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm 3 bộ công cụ:

Bộ công cụ phục vụ chỉ đạo, điều hành chung có 5 ứng dụng: Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; Trung tâm xử lý tin xấu độc, tin giả về COVID-19; Công cụ đánh giá mức độ giãn cách xã hội; Công cụ phát hiện người từ vùng dịch về; Công cụ phát hiện người vượt biên trái phép.

Bộ công cụ phục vụ phòng, chống dịch có 7 ứng dụng: Nền tảng khai báo y tế và quản lý ra bào bằng mã QR; Nền tảng luồng xanh giao thông bằng mã QR; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19; Nền tảng hỗ trợ truy vết; Nền tảng hỗ trợ quản lý, giám sát cách ly; Nền tảng hỗ trợ điều phối, chuyển bệnh nhân.

Bộ công cụ phục vụ an dân có 6 ứng dụng: Công cụ tổng đài đường dây nóng hỗ trợ người dân; Công cụ trợ lý áo tư vấn về phòng, chống COVID-19; Cẩm nang số về phòng, chống COVID-19; Nền tảng kết nối số, cung cấp thông tin bệnh nhân nặng; Nền tảng hỗ trợ người cần trợ giúp; CSDL về các đối tượng yếu thế.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng Sản

Tin mới