Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Làm gì để giảm nguy cơ mắc bệnh đường ruột sau bão lũ?

(VTC News) -

Người dân cần có các biện pháp ngăn chặn, giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa thường gặp sau bão.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, môi trường, nguồn nước sạch sau bão lũ bị ảnh hưởng, các chất bẩn có thể hòa trộn vào nước sạch, làm lây lan nhiều mầm bệnh, nhất là các bệnh về đường ruột. Vi khuẩn gây bệnh đường ruột có trong môi trường như E.coli, lỵ, tả, thương hàn.

Các loại ký sinh trùng như lỵ amip, trứng giun đũa, giun móc có nhiều trong chất thải, đất là nguồn lây bệnh đường tiêu hóa. Không phòng ngừa đúng cách dễ bị nhiễm bẩn, tăng nguy cơ mắc bệnh. Theo chuyên gia, người dân cần có các biện pháp ngăn chặn, giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa thường gặp sau bão.

Dùng nước sạch trong sinh hoạt

Người ở vùng bão cố gắng sử dụng nguồn nước sạch khi vệ sinh cá nhân, ăn uống như nước đóng chai của các thương hiệu tin cậy, dùng viên khử khuẩn nước, thiết bị lọc nước di động. Sau khi lọc và khử khuẩn, nên đun sôi kỹ để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn có hại.

Rửa tay thường xuyên, đúng cách

Sau bão lũ, vi khuẩn có thể lây lan qua tiếp xúc hàng ngày. Rửa tay thường xuyên, đúng cách là biện pháp quan trọng. Người dân nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với các vật dụng có nguy cơ ô nhiễm.

Nếu không có sẵn nước sạch, dung dịch sát khuẩn có cồn là lựa chọn thay thế. Rửa tay góp phần ngăn vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường miệng, từ đó giảm nguy cơ phát triển bệnh đường ruột.

Rửa tay thường xuyên, đúng cách là biện pháp quan trọng giúp hạn chế mắc các bệnh đường ruột. (Ảnh minh hoạ)

Rửa kỹ thực phẩm

Thực phẩm sau bão lũ dễ bị ô nhiễm do tiếp xúc với nước bẩn, côn trùng và vi khuẩn. Rửa kỹ thực phẩm trước khi sử dụng dưới vòi nước sạch. Trường hợp không có nước sạch, nên sử dụng các dung dịch rửa thực phẩm được khuyến nghị. Thức ăn phải được nấu chín kỹ, nhất là thịt, cá, trứng.

Ăn thực phẩm sống hoặc tái dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn E.coli, Salmonella, Listeria phát triển, gây bệnh tiêu chảy và ngộ độc thực phẩm. Tránh sử dụng các thực phẩm dấu hiệu hư hỏng như mốc, có mùi lạ, màu sắc thay đổi. Bảo quản thực phẩm trong môi trường an toàn giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.

Trong và sau bão nhiều vùng bị cắt điện tạm thời. Các gia đình kiểm tra thức ăn trong tủ lạnh và tủ đá vì dễ bị hỏng. Nếu nghi ngờ có dấu hiệu không còn an toàn, cần bỏ ngay.

Xử lý rác thải

Rác thải sau lũ có thể trở thành nguồn lây nhiễm các bệnh nguy hiểm. Rác tích tụ chưa được xử lý kịp thời là nơi phát triển của các loại côn trùng, chuột bọ - trung gian lây truyền các bệnh về tiêu hóa. Người dân nên thu gom rác vào bao hoặc thùng chứa kín, tránh để rác tiếp xúc trực tiếp với môi trường xung quanh.

Chủ động giữ vệ sinh khu vực sống, tránh tích tụ rác bẩn cùng nước đọng, hạn chế ô nhiễm nguồn nước và không khí. Bạn đừng quên khử trùng và vệ sinh các bề mặt trong nhà như sàn nhà, bồn rửa, nhà vệ sinh góp phần ngăn ngừa vi khuẩn lây lan.

Tăng cường miễn dịch

Hệ miễn dịch khỏe mạnh là yếu tố cần thiết để cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh tốt hơn. Mỗi người nên chú trọng bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhất là vitamin C và kẽm, để tăng cường đề kháng tự nhiên của cơ thể. Uống đủ nước mỗi ngày giúp cơ thể duy trì sức khỏe, hỗ trợ quá trình thải độc. Tập luyện thể thao đều đặn, giữ tinh thần lạc quan nhằm tăng cường hệ miễn dịch.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo, sau bão lũ, nếu các triệu chứng tiêu hóa bất thường như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn người bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý dùng thuốc hoặc chậm trễ điều trị dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Như Loan

Tin mới