Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lâm Đồng: Thêm hồ thủy lợi Đông Thanh sụt lún nghiêm trọng

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT tới kiểm tra thực tế tại hồ thủy lợi Đông Thanh, huyện Lâm Hà - một trong những điểm sụt lún nghiêm trọng của tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 8/8, Đoàn công tác Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn, đã tới kiểm tra thực tế tại hồ thủy lợi Đông Thanh.

Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Minh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, do mưa lũ liên tục, đáy dốc nước số 2 và dốc nước số 3 của hồ thủy lợi Đông Thanh bị nứt 2 đường chân chim. Đáy giao giữa dốc nước số 1 và dốc nước số 2 bị nứt khe 1cm. Tường bên trái đoạn dốc nước số 3 bị đẩy nổi 7cm. Tường giao giữa dốc 3 và số 4 nứt khe 1cm. Tường trái đoạn dốc nước số 4 giao với tường đoạn nước rơi bị tách nứt 7,5cm.

Khu vực hồ thủy lợi Đông Thanh đang triển khai xây dựng bị sụt lún đất nghiêm trọng.

Ngoài ra, đoạn dốc nước số 4 của hồ thủy lợi này bị đẩy nghiêng dẫn đến tường bên trái thấp hơn thiết kế 2cm, tường bên phải cao hơn thiết kế 49cm. Đáy dốc nước số 4 bị tách nứt 7,5cm. Tường phải bể tiêu năng giáp đoạn nước rơi bị đẩy trồi 53cm. Tường trái bể tiêu năng giáp đoạn nước rơi bị đẩy trồi 11cm. Đáy bể tiêu năng bên phải của hồ thủy lợi bị đẩy trồi 60cm. Tấm mái số 2 kênh hạ lưu bên phải bị đẩy nổi 60cm...

Hiện tại, nhiều vị trí đất quanh khu vực hồ thủy lợi Đông Thanh vẫn tiếp tục nhão ra và sạt trượt.

Ngay khi xảy ra sự cố, UBND huyện Lâm Hà đã phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, đánh giá sơ bộ về tình hình sạt trượt, lở đất, đồng thời đưa ra các biện pháp khắc phục ban đầu. Lực lượng chức năng lấp trả các hố đào sâu, tạo độ dốc thoát nước về hạ lưu không cho đọng nước trong phạm vi công trình, làm tầng dăm lọc, cát lọc, đá hộc và đá tảng tại chân mái taluy để tăng cường ổn định chân mái đào.

Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành quan trắc các vết nứt ở vai đồi, nhà dân, nhất là trước và sau khi mưa; đồng thời khơi thông toàn bộ rãnh tiêu, suối ở vị trí vai đồi đảm bảo thoát nước mưa, thi công cống ly tâm đường kính 1m thoát nước ngang đường.

Toàn bộ các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở đã được di dời tới nơi an toàn để đảm bảo tính mạng, tài sản.

Đến nay, cơ quan chức năng đã thực hiện xong việc đo vẽ địa hình khu vực sạt trượt, đo địa vật lý bằng phương pháp ảnh điện, đang xử lý nội nghiệp, dự kiến đến ngày 10/8 có kết quả mặt cắt địa chất. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã khoan hoàn thành 7/15 mũi, đang tiếp tục khoan các mũi còn lại để đánh giá kết cấu tầng địa chất.

Đoàn công tác Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai làm việc tại dự án hồ thủy lợi Đông Thanh.

Sau khi khảo sát hiện trường và nghe báo cáo của cơ quan chuyên môn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định: tình trạng sụt lún ở hồ Đông Thanh không phải xuất phát từ nguyên nhân chính là do mưa nhiều. Thực tế, ở khu vực này, lượng mưa trong tháng 7 cũng chỉ ở mức 200mm. Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân chính gây sạt trượt ở hồ Đông Thanh là đã có một khối trượt hiện hữu từ lâu. Do một số tác động mới xuất hiện nên khối trượt này bắt đầu hoạt động trở lại, gây sạt lở.

“Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đồng tình với quan điểm mà tỉnh Lâm Đồng đang làm, đó là khoan 15 mũi thăm dò. Chúng tôi cũng đề nghị tỉnh bố trí thêm một số mũi khoan nữa để xác định được phạm vi của vũng trượt và sự dịch chuyển của nó để có giải pháp xử lý tốt nhất!..”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Đoàn công tác Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đưa ra giải pháp trước mắt là cần làm chậm sự dịch chuyển của khối trượt bằng các biện pháp kỹ thuật, đánh giá hướng dịch chuyển cũng như phạm vi ảnh hưởng của khối trượt. Bên cạnh đó phải tính toán vị trí hồ, kênh mương xung quanh để gia cố, thực hiện việc thoát nước, cả nước bề mặt và nước ngầm.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân chính gây sạt trượt ở hồ Đông Thanh do có một khối trượt hiện hữu từ lâu.

Theo dự toán của UBND huyện Lâm Hà, trên cơ sở kết quả đánh giá sơ bộ về địa hình, địa chất và kinh nghiệm của các chuyên gia, giải pháp dự kiến triển khai trước mắt là thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và đào đất, giật cấp để giảm tải, xây dựng một số hạng mục công trình để xử lý sạt trượt đất…

Quy mô thu hồi đất để triển khai khắc phục sự cố sụt lún, trượt đất ở hồ thủy lợi Đông Thanh khoảng 10ha, với khối lượng đất đào giảm tải đạt 400.000m3. Kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 100 tỷ đồng, trong đó bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 35 tỷ đồng.

Nguồn: Báo Công an Nhân dân

Tin mới