Cấy chỉ là phương pháp đưa một đoạn chỉ tự tiêu vào vị trí huyệt châm cứu trong cơ thể của hệ kinh lạc. Theo thời gian, các sợi chỉ tiêu dần, giúp duy trì sự kích thích lâu dài, từ đó kích thích các huyệt phù hợp để cơ thể tự điều chỉnh các rối loạn.
BS Đào Xuân Tùng đang thực hiện phương pháp cấy chỉ cho bệnh nhân.
BS Đào Xuân Tùng, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM cho biết, cấy chỉ là một phương pháp điều trị hiệu quả, ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại trên nền tảng kỹ thuật châm cứu truyền thống.
Cấy chỉ được ứng dụng trong điều trị và làm đẹp. Cấy chỉ chữa viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm xoang; chữa bệnh về xương khớp như đau thần kinh tọa, thoái hóa cột sống, đau lưng, thoát vị đĩa đệm; chữa trào ngược dạ dày thực quản; chữa bệnh đau đầu, mất ngủ; bệnh phụ nữ như đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt, lãnh cảm.
"Cấy chỉ còn chữa bệnh nam khoa như yếu sinh lý, thận yếu, di tinh, mộng tinh. Cấy chỉ cải thiện tình trạng suy nhược cơ thể. Ngoài ra, cấy chỉ còn ứng dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ như giảm béo, căng da mặt, cổ, bụng", BS Tùng thông tin.
BS Tùng chia sẻ, theo y học cổ truyền, cũng giống như châm cứu, việc cấy chỉ vào huyệt sẽ tạo ra tình trạng giãn mạch và tăng tuần hoàn tại chỗ, giải phóng các chất trung gian gây nên tác dụng giảm đau.
Không chỉ vậy việc kích thích các cơ, tổ chức tại chỗ rồi thông qua sợi thần kinh sẽ truyền những tín hiệu đến các cơ quan nội tạng, vùng não tương ứng từ đó sẽ gây những phản ứng toàn thân nhằm điều hòa lại những rối loạn chức năng ở tổ chức bệnh.
Trẻ hóa khuôn mặt bằng phương pháp cấy chỉ.
Trong y học cổ truyền, chỉ sẽ được đưa vào huyệt nhất định, huyệt đó sẽ được kích thích liên tục. Điều này sẽ có tác dụng lưu thông khí huyết, điều hòa kinh lạc, tạng phủ bị rối loạn, loại trừ nguyên nhân gây bệnh, giúp đạt được mục đích điều trị bệnh.
Hiện nay, có các loại chỉ như Catgut, chỉ PCL-C, chỉ PDO, chỉ PDS. Mỗi loại chỉ sẽ có ưu điểm khác nhau. Catgut kích thích huyệt mạnh, tiêu nhanh, tái tạo tổ chức tốt, giá thành rẻ.
Chỉ PCL-C là chỉ PCL kèm vitamin C, ứng dụng cho vị trí viêm, xơ hóa, điểm đau, điểm kích hoạt. Chỉ PDS có tác dụng giác đau tốt, kích thích mạnh nên phù hợp cấy các huyệt có khối cơ lớn, trong trường hợp đau nhiều, teo cơ, tê liệt, giảm cảm giác, dùng phá xơ.
Chỉ PDO có tác dụng kích thích tăng sinh collagen, tái tạo tổ chức.
So với phương pháp châm cứu, phương pháp cấy chỉ thường được thực hiện 2 tuần/lần, mỗi lần cấy mất khoảng 30 phút nên tiết kiệm được thời gian.
Về yếu tố tâm lý, cấy chỉ phù hợp với những bệnh nhân sợ kim châm hàng ngày. Bên cạnh đó, chi phí điều trị cấy chỉ tiết kiệm hơn so với châm cứu.
Giống như các phương pháp điều trị khác, cấy chỉ cũng có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như: Chảy máu nếu người thực hiện có kỹ thuật không tốt có thể cấy chỉ lệch khỏi huyệt đạo vào mạch máu hoặc các vùng cơ bên cạnh, dẫn tới tình trạng chảy máu cho người bệnh.
Khi thực hiện cấy chỉ nếu quy trình vô khuẩn không được thực hiện triệt để có thể khiến người bệnh bị nhiễm trùng.
Nếu kim châm dùng để đưa chỉ tự tiêu vào huyệt đạo không được tiệt trùng kỹ có thể khiến người bệnh bị lây chéo bệnh từ người khác.
Cấy chỉ là một phương pháp điều trị hiệu quả ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại trên nền tảng kỹ thuật châm cứu truyền thống.
Một số trường hợp bệnh nhân quá sợ hãi hoặc bác sỹ không làm tốt công tác tư tưởng khiến bệnh nhân căng thẳng quá mức trong quá trình cấy chỉ sẽ dẫn tới hiện tượng vượng châm.
Để đảm bảo an toàn cho người bệnh và phòng tránh những tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần lưu ý một số điểm trước khi thực hiện trị liệu như tuyệt đối không uống rượu bia, sử dụng chất kích thích trước khi trị liệu cấy chỉ.
Giữ tinh thần thoải mái, không thực hiện cấy chỉ khi cơ thể đang mệt mỏi. Tắm rửa, vệ sinh cơ thể sạch sẽ trước khi trị liệu.
Sau khi thực hiện trị liệu trong vòng 4 - 6 giờ, bệnh nhân không tắm hoặc ra ngoài trời gió, tránh nơi nhiều khói bụi. Trong quá trình trị liệu nên hạn chế ăn các thực phẩm tanh như tôm, cua, cá…; không nên về ngay mà cần ngồi lại ít nhất 15 phút nghỉ ngơi để bác sỹ theo dõi các phản ứng của cơ thể.
Những người không nên thực hiện việc cấy chí là phụ nữ có thai hoặc trong thời kỳ cho con bú, người đang sốt cao, người bị dị ứng chỉ catgut, người bị mắc bệnh ngoài da.
"Chữa bệnh gì cũng đòi hỏi kỹ thuật phải chính xác, an toàn tuyệt đối... Vì vậy, người bệnh cần đến các cơ sở cấy chỉ chuyên khoa uy tín, tin cậy có các y bác sỹ được đào tạo bài bản thuần thục về châm cứu, cấy chỉ huyệt đạo để thực hiện và xử lý khi bệnh nhân có biểu hiện khác thường", BS Tùng lưu ý.