Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lãi suất tăng cao, gửi tiết kiệm đang là kênh đầu tư hấp dẫn

Cuối năm, nhiều ngân hàng đẩy lãi suất huy động tăng cao khiến gửi tiết kiệm trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

Sau đợt tăng lãi suất huy động trong quý 3/2019, một số ngân hàng tiếp tục đẩy lãi suất ngay trong những ngày đầu quý 4/2019 nhằm chuẩn bị vốn đáp ứng nhu cầu mùa kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp vào cuối năm. 

Lãi suất huy động tiếp tục tăng trong tháng 10. (Ảnh minh họa)

Khảo sát tại các ngân hàng cho thấy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 – 3 tháng phổ biến từ 5-5,5%/năm, ở kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng là 5,5-7,5%/năm. Tuy nhiên, lãi suất ở những kỳ hạn trên 1 năm được nhiều ngân hàng giữ ở mức cao tới 9% để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư thay vì biên độ 6,4-8,5%/năm được duy trì ở những ngày cuối cùng của quý 3/2019.

Như vậy, so với thời điểm đầu năm 2019, mặt bằng lãi suất huy động nhìn chung đã tăng khoảng 0,4%.

Ở kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất cũng được đẩy lên khá cao. Điển hình, SCB đang huy động lãi suất tiết kiệm 6 tháng ở mức 8,1%/năm, nếu gửi tiết kiệm online, lãi suất cao nhất 8,21%/năm khi gửi trên 10 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng áp dụng mức lãi suất 7,7%/năm kỳ hạn 6 tháng đối với khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, trong khi số tiền gửi ít hơn mức này có lãi suất chỉ từ 6,8 - 6,9%/năm. Riêng chương trình ưu đãi “Chào Thu” của nhà băng này đối với kỳ hạn 6 tháng lên đến 8,1%/năm.

Một số ngân hàng huy động kỳ hạn 6 tháng với mức lãi suất 7%/năm hoặc hơn, như Viet Capital Bank: 7,4%/năm, Vietbank: 7,1%/năm, NCB: 7%/năm, Techcombank: 6,1 – 7%/năm tùy theo số tiền gửi…

Với kỳ hạn dài từ 12, 18, 24 tháng, các ngân hàng thương mại đang niêm yết ở mức khá cao như Nam A Bank trả lãi 8,5% cuối kỳ với các khoản tiền gửi có kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng. Eximbank áp dụng mức 8,4% với các khoản tiền lớn hơn 100 tỷ đồng. LienVietPostBank và Sacombank niêm yết mức lãi 8%/năm dành cho khoản tiền gửi tiết kiệm từ 300 tỷ đồng trở lên.

Bên cạnh đó, cũng có những ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất trên 8%/năm, lãi trả cuối kỳ mà không kèm thêm bất cứ điều kiện gì như ABBank (8,3%), NCB (8%), VIB (7,99%)…

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc phải chuẩn bị vốn cho mùa kinh doanh cuối năm cũng như áp lực phải cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định về hệ số CAR theo Basel II và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đua lãi suất trên.

Ngoài ra, theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng tích cực, các ngân hàng đã chủ động huy động được vốn. Tuy nhiên, chính sự cạnh tranh lớn đã khiến mặt bằng lãi suất huy động tương đối cao, đẩy mặt bằng lãi suất của hệ thống lên mức cao.

Ông Lực cũng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm sẽ ổn định, nhờ 3 lý do chính: Ngân hàng nhà nước đã giảm lãi suất điều hành hỗ trợ cho thanh khoản; hệ thống các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo chung của cơ quan quản lý về ổn định mặt bằng lãi suất cho vay; đồng thời tín dụng từ đầu năm đến nay đã tăng trên 9%.

“Hệ thống các tổ chức tín dụng cũng muốn đẩy mạnh hơn tín dụng từ nay đến cuối năm để đạt chỉ tiêu về doanh số và lợi nhuận. Do đó, các ngân hàng cũng không thể tăng lãi suất vì sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu thực của doanh nghiệp”, ông Lực nói.

Ngọc Vy

Tin mới