Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lãi suất huy động giảm đồng loạt về 9,5%/năm

Mặt bằng lãi suất huy động của hàng loạt ngân hàng đã giảm về 9,5%/năm sau đề xuất từ Hiệp hội ngân hàng, nhưng vẫn còn vài ngân hàng vẫn duy trì lãi suất cao hơn.

Trong biểu lãi suất huy động tiền gửi khách hàng cá nhân Saigonbank công bố cuối tháng 11, nhà băng này đã đưa ra mức lãi suất huy động cao nhất lên tới 10,5%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi online kỳ hạn 13 tháng.

Với các khoản tiền gửi tiết kiệm online kỳ hạn 12 tháng trở lên khác, nhà băng này cũng đưa ra mức lãi suất 10%/năm. Trong khi các kỳ hạn 6-11 tháng được áp dụng mức lãi 9,6%/năm; kỳ hạn 1-6 tháng hưởng lãi suất tối đa 6%/năm.

Với các mốc lãi suất kể trên, Saigonbank đã vượt SCB để trở thành ngân hàng có lãi suất huy động tiền gửi khách hàng cá nhân cao nhất thị trường (không yêu cầu về điều kiện và hạn mức gửi).

Không còn mức lãi hai con số

Tuy nhiên, đến nay, các mốc lãi suất hai con số kể trên đã không còn được Saigonbank niêm yết. Thay vào đó, mức lãi suất tối đa nhà băng này áp dụng hiện nay là 9,5%/năm, với tiền gửi online kỳ hạn 13 tháng. Ở các kỳ hạn khác, nhà băng này cũng giảm mạnh mức lãi huy động xuống 9,4%/năm với 12 tháng; 9,3%/năm với 18-36 tháng và 9,2-9,3%/năm với các kỳ hạn 6-11 tháng.

Theo tìm hiểu, biểu lãi suất mới với mức tối đa 9,5%/năm của Saigonbank được đưa ra sau cuộc họp bàn về vấn đề lãi suất giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và các ngân hàng thành viên. Tại cuộc họp này, VNBA và các nhà băng đã thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa ở 9,5%/năm (kể cả khuyến mại cộng lãi suất) để ổn định mặt bằng lãi suất huy động.

VNBA sau đó cũng đã có công văn báo cáo NHNN về mức lãi suất huy động tối đa này, đồng thời kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ ngân hàng thương mại liên quan vấn đề thanh khoản từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2023.

Mốc 9,5%/năm đang là mặt bằng mới của lãi suất huy động ngân hàng. Ảnh: Quang Thắng.

Không riêng Saigonbank, hiện hàng loạt ngân hàng cũng đã đưa lãi suất huy động khách hàng cá nhân về vùng 9,5%/năm.

Trong đó, OceanBank cuối tháng 11 vẫn áp dụng sản phẩm tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hưởng lãi suất 10%/năm. Tuy nhiên, sản phẩm tiền gửi này đã không được áp dụng trong tháng 12 và lãi suất huy động cao nhất tại nhà băng này đã giảm về 9,2%/năm.

Tương tự, MSB trong tháng 11 đã tung ra chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng mới, gửi online, lần lượt ở 9,7%/năm với kỳ hạn 6 tháng; 9,8%/năm với kỳ hạn 12 tháng; 9,9%/năm với kỳ hạn 15 và 24 tháng. Đến nay, lãi suất tại đây cũng đã giảm về mức tối đa 9,4%/năm với tiền gửi online kỳ hạn 13 tháng trở lên.

Cuối tháng 11, bên cạnh biểu lãi suất tiền gửi thông thường, VPBank đã tung ra sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings với lãi suất phân kỳ tháng đầu và các tháng sau. Trong đó, ở kỳ hạn 36 tháng, nhà băng này đưa ra mức lãi suất lên tới 11,1%/năm trong tháng đầu và 9,25%/năm cho các tháng sau. Tương tự, ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tháng đầu được nhà băng này áp dụng là 11,07%/năm và các tháng tiếp theo là 9,22%/năm.

Đến nay, các mốc lãi suất hai con số đều đã không còn được VPBank áp dụng mà chuyển sang lãi suất cố định tối đa 9,25%/năm với kỳ hạn 36 tháng và 9,22%/năm với kỳ hạn 24 tháng..

Tương tự, hàng loạt ngân hàng đều đã điều chỉnh lãi suất huy động tối đa về vùng 9,5%/năm như Vietcapital Bank; Techcombank; VPBank; Sacombank…

Sẽ áp trần lãi suất huy động?

Hiện đã có ba ngân hàng (bao gồm cả ngân hàng có vốn Nhà nước) khẳng định đợt giảm lãi suất huy động lần này theo đề xuất của VNBA là giảm thực chất. “Không có chuyện giảm lãi suất trên bảng niêm yết nhưng đi quà ngoài, bởi đây là chỉ đạo từ trên xuống”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng tại Hà Nội nói.

Vị này còn cho biết sang năm sau, thị trường có thể xuất hiện mức trần lãi suất huy động với cả kỳ hạn trên 6 tháng (hiện Ngân hàng Nhà nước đang áp trần lãi suất huy động dưới 6 tháng ở 6%/năm).

Các ngân hàng đã đề xuất NHNN có chế tài, quy định để các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm việc giảm lãi suất. Ảnh: Hoàng Hà.

Để đồng thuận với mức lãi suất không quá 9,5%/năm kể trên, các ngân hàng cũng đã đề nghị NHNN hỗ trợ thanh khoản tối đa qua thị trường mở (OMO), bỏ đấu thầu lãi suất với kỳ hạn 91 ngày, nới tỷ lệ LDR (dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi), hỗ trợ nghiệp vụ mua bán ngoại tệ hoán đổi...

Ngoài ra, các nhà băng cũng kiến nghị NHNN có chế tài, quy định để các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm việc giảm lãi suất, tránh tình trạng giảm lãi suất nhưng lại tăng các khoản phí.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng hiện cũng đưa lãi suất huy động về dưới vùng đề xuất của Hiệp hội Ngân hàng.

Theo đó, SCB hiện vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động cao nhất 9,95%/năm với tất cả khoản tiền gửi online của cá nhân kỳ hạn 12 tháng trở lên. Với các khoản gửi 6-11 tháng, nhà băng này cũng giữ mức lãi 9,9%/năm, vượt xa mức đề xuất 9,5%/năm của Hiệp hội Ngân hàng.

Tương tự, Baoviet Bank hiện vẫn áp dụng mức lãi suất 9,8%/năm cho các khoản tiền gửi online kỳ hạn 13 tháng, đây đồng thời là mức lãi cao nhất nhà băng này đưa ra. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất khách gửi tiền tại Baoviet Bank nhận được cũng là 9,75%/năm.

Hay như Kienlongbank, dù đã điều chỉnh phần lớn biểu lãi suất huy động các kỳ hạn về 9,2%/năm, nhà băng này vẫn giữ mức lãi kỳ hạn 13-15 tháng ở 9,6%/năm với khách hàng cá nhân gửi tiền qua kênh online.

Nguồn: Zing News

Tin mới